“Chú ong khởi nghiệp - rót mật cho đời”
- Thứ năm - 05/07/2018 07:44
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trò chuyện với chúng tôi, Trần Quốc Nam chia sẻ: Gia đình có 5 anh chị em, bố mất sớm, hoàn cảnh khó khăn nên sau khi học hết cấp 2, tôi không có điều kiện tiếp tục trung học phổ thông như các bạn cùng trang lứa. Năm 2008, tôi tình nguyện viết đơn nhập ngũ để thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc. Sau 2 năm tôi rèn trong môi trường quân đội, trở về quê hương, tôi tiếp tục theo học nghề và văn hóa để nâng cao kiến thức cũng như xây dựng cho mình một hướng trong tương lai.
Trần Quốc Nam chăm sóc đàn ong. |
Từ nguồn vốn ít ỏi nhưng với sự cần cù, chịu khó, sau khi ra quân, Nam quyết định đầu tư vào trồng rừng và cây ăn quả trên mảnh đất của gia đình. Tuy nhiên, “vạn sự khởi đầu nan”, lựa chọn loại cây lâu năm và diện tích đất canh tác không lớn, nên nguồn thu nhập đem lại cho anh và gia đình không đáng kể, cuộc sống chưa có sự khởi sắc. Nhận thấy điều kiện địa phương thuận lợi cho việc nuôi ong lấy mật, nên năm 2014, Nam đã nghiên cứu các tài liệu hướng dẫn nghề nuôi ong cũng như học hỏi kinh nghiệm từ những người quen ở địa phương để phát triển. Con đường lập thân, khởi nghiệp của anh mới thực sự bắt đầu từ đây.
Kinh nghiệm thực tế và nguồn vốn ban đầu còn ít nên Trần Quốc Nam khởi nghiệp với 10 đàn ong đặt nuôi trong khu vực quanh nhà. Những tưởng nuôi ong là việc đơn giản nhưng thật sự cũng nhiều phức tạp và lắm rủi ro. Chất lượng và số lượng mật phụ thuộc không nhỏ vào những mùa hoa nở. Điều kiện thời tiết khắc nghiệt làm ảnh hưởng tới hoa màu và làm giảm năng suất cũng như chất lượng mật ong. Nhưng với niềm đam mê nuôi ong và ý chí của tuổi trẻ thôi thúc bản thân phải tiếp tục vượt khó vươn lên, Nam chăm chỉ, cần mẫn như chính những chú ong, tiếp tục nghiên cứu kỹ năng, kinh nghiệm nuôi ong và vận dụng vào thực tế.
Nam tâm sự: Tôi chọn nuôi ong một phần vì đam mê, một phần vì nuôi ong thu hồi vốn nhanh và tận dụng được nguồn thức ăn cho ong từ vườn hoa nhãn, hoa bồ đề và nhiều các loại hoa tại địa phương. Cái khó nhất khi nuôi ong là thuần hóa được ong rừng thành ong nhà, mình có tâm, chăm sóc đàn ong như chính con đẻ thì chúng không phụ lòng mình đâu.
Quả vậy, sau bao gian nan vất vả, với ý chí “tức khí, tò mò, thử nghiệm, tìm kiếm, chữ tín, thất bại, thử lại, thành công” - như nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã nói, thành quả lao động của Trần Quốc Nam đã cho mật ngọt. Với nguồn khởi nghiệp năm 2014 chỉ 10 đàn ong, đến nay Nam đã có hơn 80 đàn ong cho thu trên 700 lít mật, giá 200.000 đồng/lít tương đương với 140 triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh còn cung cấp cho thị trường giống ong mật với giá 1 triệu đồng/tổ. Năm 2017, nguồn thu từ bán ong giống và dụng cụ nuôi ong đã cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Năm 2018, được chính quyền địa phương tạo điều kiện và sự hỗ trợ, giúp đỡ của Đoàn thanh niên xã Phố Lu về hướng dẫn vay vốn sản xuất, kinh doanh với Ngân hàng Chính sách xã hội, Nam cho biết sẽ tiếp tục tăng đàn và cung cấp ra thị trường ong giống, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật nuôi cho đoàn viên, thanh niên tại địa phương cũng như người dân có nhu cầu nuôi ong. Nam dự kiến mở rộng mô hình lên 150 đàn ong, ước tính sẽ cho thu khoảng 1.200 lít mật mỗi năm.
Từ những kinh nghiệm tích lũy được, Nam đã giúp đỡ nhiều người dân tại địa phương về phương pháp nuôi ong. Với mô hình của mình, anh còn tạo việc làm cho 2 đoàn viên, thanh niên địa phương với thu nhập ổn định 3,5 triệu đồng/tháng. Bên cạnh phát triển kinh tế, Nam còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của Đoàn xã, như tham gia Đội thanh niên xung kích, tham gia CLB bóng đá thanh niên xã, đồng thời cũng luôn gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, quy định của địa phương… Nhờ những đóng góp vào công tác phát triển kinh tế của địa phương, năm 2016 Trần Quốc Nam được Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng tặng Giấy khen.
Những “chú ong” như Trần Quốc Nam đã và đang góp phần xây dựng một thế hệ trẻ đầy năng động, sáng tạo và nhiệt huyết trên con đường khởi nghiệp.