Hiệu quả từ mô hình nuôi vịt ở Nấm Lư
- Thứ sáu - 30/03/2018 14:11
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Gia đình anh Lù Diu Tảo, ở thôn Cốc Chứ, xã Nấm Lư tuy có nghề nuôi vịt thịt từ lâu, nhưng đến năm 2013 - 2014 mới mở rộng mô hình, trở thành một trong những hộ nuôi vịt với số lượng lớn của xã. Có khoảng 1 ha ruộng bỏ không sau đợt lũ năm 2016, anh Tảo đầu tư nuôi 600 con vịt. Trao đổi với chúng tôi, anh Tảo cho biết: Nghề nuôi vịt ở xã Nấm Lư có từ nhiều năm nay, nhà nào cũng nuôi xen kẽ cùng gà, lợn. Gần đây, vịt được nuôi với số lượng lớn do giá trị kinh tế mang lại khá ổn định. Vịt sử dụng lượng thức ăn ít, chủ yếu là cám, ngô, lúa và các loại rau; kháng bệnh tốt khi nuôi theo hình thức bán hoang dã, không mất nhiều công chăm sóc. Vịt trưởng thành có cân nặng vừa phải, khoảng 1,2 - 1,5 kg/con, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng nên dễ tiêu thụ, đặc biệt là với các nhà hàng, khách sạn. Giá vịt trên thị trường dao động từ 70.000 đến 80.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi khoảng 30 - 40 triệu đồng mỗi năm.
Vịt Nấm Lư được nuôi theo phương thức truyền thống là chủ yếu. |
Gia đình chị Lù Thị Doi cũng là hộ ở Nấm Lư nuôi nhiều vịt. Nhờ lợi thế về nguồn nước, ruộng nuôi thả nên chị mua 200 con giống về nuôi. Chị chia sẻ: Gia đình tôi cũng như một số bà con ở xã, mặc dù đã có nhiều năm chăn nuôi gia cầm nhưng chủ yếu theo cách truyền thống, chăn thả tự do và ít khi tiêm phòng dịch bệnh, dẫn đến chăn nuôi năm được, năm mất. Về sau, được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh phòng bệnh, tư vấn lựa chọn con giống, địa chỉ cung cấp con giống… nên chúng tôi thay đổi thói quen chăn nuôi cũ, biết áp dụng khoa học - kỹ thuật để đàn vịt sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Do những lợi thế về nguồn nước, khí hậu nên vịt Nấm Lư có chất lượng tốt, được nhiều người biết đến. Thịt vịt chắc, thơm ngon, đã bắt đầu có “thương hiệu” tại thị trường Lào Cai. Đánh giá về mô hình chăn nuôi vịt, bà Bùi Thị Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã Nấm Lư cho biết: Mô hình nuôi vịt thịt rất phù hợp với điều kiện của địa phương. So với các mô hình chăn nuôi khác, nuôi vịt không tốn nhiều công chăm sóc, trong khi thời gian nuôi ngắn. Tổng đàn vịt của xã hiện có khoảng 2.000 con, tập trung tại các thôn trung tâm, gần nguồn nước như Cốc Chứ, Pạc Ngam, Ngam Lâm, Lầy Lùng. Năm 2018, xã Nấm Lư đăng ký mô hình nuôi vịt thịt là mô hình kinh tế chủ lực cùng với mô hình cánh đồng một giống chuyên canh lúa Séng cù. Để duy trì hiệu quả của mô hình, xã chỉ đạo cán bộ tư vấn cho người dân cách chọn giống, hướng dẫn chăm sóc, tiêm phòng để vịt phát triển tốt, không bị dịch bệnh.
Mô hình chăn nuôi vịt tại Nấm Lư bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế, cho thấy sự đổi mới về cách nghĩ, cách làm trong chăn nuôi của bà con từ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún sang chăn nuôi tập trung, quy mô, đầu tư về kinh tế, kỹ thuật để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Hy vọng trong thời gian tới, mô hình này sẽ được nhân rộng để “thương hiệu” vịt Nấm Lư được biết đến nhiều hơn.