Nông thôn mới Lào Cai

http://nongthonmoilaocai.vn


Thành công từ mô hình nuôi ngựa thịt

Ở xã Trì Quang (Bảo Thắng), mấy năm gần đây xuất hiện nhiều mô hình mới về phát triển kinh tế nông nghiệp và dịch vụ, trong đó độc đáo nhất vẫn là trại nuôi ngựa thịt của ông Nguyễn Văn Dũng, thôn Trì Thượng II. Đây cũng là trại nuôi ngựa thịt đầu tiên tại Lào Cai, đến nay đã mang lại những hiệu quả kinh tế bước đầu.

Lào Cai có nhiều địa chỉ nuôi gia súc, gia cầm nổi tiếng với quy mô lớn, nhưng riêng nuôi ngựa, đến nay ngành chăn nuôi mới chỉ xác nhận trại ngựa của ông Dũng là đầu tiên và duy nhất. Người chăn nuôi xưa nay không mặn mà với việc nuôi ngựa, vì mô hình này cần vốn đầu tư lớn, trong khi đó, giống ngựa ở Lào Cai bụng to, chân và đùi nhỏ, lượng thịt thấp, nhưng lại cần lượng thức ăn lớn trong ngày. Lợi thế của nuôi ngựa thịt là nhu cầu thực phẩm chế biến từ ngựa ngày càng tăng cao, nhất là thắng cố ngựa - món ẩm thực nổi tiếng. Nắm được thực tế đó, ông Dũng đã quyết định đầu tư gần 3 ha đất làm trang trại nuôi ngựa, phần lớn diện tích này được rào khoanh vùng làm bãi thả và trồng cỏ.
 

ngua
Ông Nguyễn Văn Dũng chăm sóc đàn ngựa
2 năm nay trở lại đây, tùy từng thời điểm, có những khi trại ngựa của ông Dũng lên đến 60 con, phần đông trong đó là ngựa nuôi vỗ béo, ông cũng lựa chọn những con giống tốt để làm ngựa nái và nhân giống. “Một con ngựa trưởng thành được chăm sóc tốt ở trang trại từ 1 - 2 tháng là có thể xuất bán; còn ngựa 1 năm tuổi thì nuôi khoảng 1 năm là có thể xuất bán”. Hiện, nguồn giống ngựa trong trang trại ông Dũng chủ yếu mua gom ở các xã vùng cao, như Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương và Bát Xát.
Ham mê nuôi ngựa nên cách đây vài năm, ông Dũng có mua một ngựa đực giống di-gan, hiện thể trạng, trọng lượng của chú ngựa này gần gấp đôi ngựa thường. Cũng nhờ con giống này mà đàn ngựa mới sinh ở trại của ông Dũng đã có dấu hiệu cải thiện tích cực về vóc dáng. “Dù sao cũng là tự mày mò, nên kết quả đàn ngựa lai tạo cần 1 - 2 năm nữa mới có thể đánh giá được”, ông Dũng cho hay.
Ngựa cần lượng thức ăn trong ngày rất lớn, để giải “bài toán” này, ông Dũng mua gom rơm khô tại những nơi có nguồn cung. Hầu hết số lượng ngựa thịt được ông Dũng dùng xe ô tô gia đình chở đến thành phố Lào Cai tiêu thụ, rồi dùng chính phương tiện này chở rơm khô về, nên chi phí vận tải giảm tới mức tối đa. Giao dịch với hàng chục cơ sở chế biến thắng cố tại thành phố Lào Cai và huyện Sa Pa, chưa bao giờ ông Dũng phải lo lắng về đầu ra của trại ngựa và ông cũng hiểu rằng, sản phẩm của ông mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ cho các cơ sở này.
Xây dựng mô hình đầu tiên về nuôi ngựa thịt và từng bước thu được thành công, tuy nhiên, ông Dũng vẫn còn nhiều trăn trở, như đến nay chưa có nghiên cứu chuyên ngành nào về mô hình nuôi ngựa thịt, do đó người chăn nuôi phải tự mày mò; phụ thuộc vào giống ngựa bản địa có đặc điểm là vóc dáng nhỏ, chậm lớn, tỷ lệ thịt thấp, nên hiệu quả kinh tế từ nuôi ngựa thịt chưa cao; chưa nhận được các nguồn hỗ trợ như phân ngành chăn nuôi khác…
Hiện, đàn ngựa tại các xã vùng cao đang giảm nhanh bởi hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư mạnh, vận tải ngựa thồ dường như chỉ còn trong quá khứ. Trong khi đó, nhu cầu nguồn thực phẩm chế biến từ thịt ngựa đang “nóng”, nhất là khi lượng du khách đến Lào Cai ngày càng đông. “Chúng tôi mong rằng, việc nuôi ngựa thịt sớm được ngành nông nghiệp, các địa phương đưa vào cơ cấu chăn nuôi, quy hoạch sản xuất như những vật nuôi khác. Lúc đó, người nuôi ngựa mới có điều kiện để đầu tư và phát triển”, ông Dũng tâm sự.
Theo:Báo Lào Cai
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây