Nông thôn mới Lào Cai

http://nongthonmoilaocai.vn


Triển vọng từ vùng trồng Dược liệu Cát Cánh trên rẻo cao Bắc Hà

Độ này, những vùng trồng dược liệu Cát Cánh trên rẻo cao Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) đang trổ hoa tím biếc, ngút tầm mắt một màu tím rịm, cuốn hút dưới thung sâu hay trên những nương đồi dốc, hoải… của bà con thiểu số địa phương, tạo nên diện mạo mới và thu hút đông đảo du khách đến thăm quan, khám phá, chụp ảnh. Cây dược liệu Cát Cánh với “lợi ích kép” đã, đang được “kì vọng” là cây trồng chủ lực xóa nghèo, góp sức đổi thay diện mạo nông thôn và chính cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.
Những “lợi ích kép.”
 
image001
Hoa cát cánh buông sắc tím trên vạt đường đến với xã vùng cao Tả Văn Chư
 
Ở Bắc Hà, Cây dược liệu Cát Cánh đang được trồng nhiều nhất tại xã vùng cao, vùng đồng bào Mông Tả Văn Chư – Là 1 trong 9 xã “trọng điểm” vùng quy hoạch phát triển Dược liệu Bắc Hà, giai đoạn 2014-2020. Địa phương đang “sở hữu” khoảng 22,8 ha cây dược liệu Cát Cánh, diện tích lớn nhất huyện, và đang có kế hoạch trồng mở rộng khoảng 20 ha vào cuối năm nay.  Còn ở Tả Văn Chư hiện nay, nơi trồng Cát Cánh nhiều nhất là thôn điểm nông thôn mới Lả Dì Thàng, với 53 hộ nhưng có tới trên 30 hộ trồng Cát Cánh, hàng chục ha đất nương đồi của bà con liền một dải, tạo nên một thung lũng dược liệu rộng lớn.

Theo chân cán bộ khuyến nông Trần Văn Sơn và Bí thư Đảng ủy xã Tả Văn Chư Sùng Seo Vảng đến thăm, “mục sở thị” thung lũng hoa Cát Cánh tím biếc, rộng hơn 10ha của thôn Lả Dì Thàng tiếp giáp gần xã Lùng Phình, bí thư Sùng Seo Vảng phấn khởi, cho chúng tôi biết: “Theo tính toán, mỗi một ha cây Dược liệu Cát cánh có thể mang lại thu nhập từ 150-170 triệu đồng, cao gấp từ 7- 8 lần so với cấy lúa, trồng ngô”.
 
Về lợi ích kinh tế, anh Sơn minh chứng: Đã có không ít hộ “đạt” thu nhập cao từ trồng cây dược liệu Cát Cánh, đơn cử như các hộ: Ông Giàng Seo Hồ, là người có uy tín tại thôn Lả Dì Thàng đã hơn 3 năm gắn bó với cây Cát cánh. Vụ thu hoạch năm 2019, gia đình chỉ trồng 6.000 m2 với 2 loại cây Cát cánh và đương quy nhưng cho thu hoạch trên 140 triệu đồng. Đây là hộ có thu nhập cao nhất từ trồng Cát Cánh của xã.
 
image003
Bà con đã quan tâm học hỏi, áp dụng quy trình kĩ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cây Cát Cánh.
 
Vùng cao Tả Văn Chư (Bắc Hà)  từng được biết đến với nhiều lợi thế, tạo đà cho phát triển du lịch, nơi đây có Động Thiên Long, có các bản làng người Mông đẹp như tranh vẽ, đậm đà bản sắc với những nếp nhà trình tường đất. Dịp này lại có thêm hàng chục ha Cát Cánh trổ hoa tím biếc, mênh mông một dải rất đẹp, rất cuốn hút. Mùa hoa Cát Cánh nở từ tháng 6 đến cuối tháng 8.

Tiếp tục quan tâm trồng, mở rộng diện tích.

Từ thực tế cũng minh chứng, Tả Văn Chư là điển hình của huyện Bắc Hà với vùng quy hoạch trồng dược liệu Cát Cánh mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân rất là cao. Đơn cử, vụ thu hoạch năm 2019, mỗi ha cây dược liệu cát cánh nơi đây cho tổng thu từ 160- 180 triệu đồng. Những hộ thực hiện tốt đảm bảo theo đúng quy trình kĩ thuật và sản xuất được giống cho thu nhập đến trên 200 triệu đồng/ ha. Sau khi trừ hết các khoản chi phí, mỗi ha cây dược liệu Cát cánh đạt được từ 90-100 triệu đồng/ha.

Tìm hiểu sâu thêm, chúng tôi được biết: Cây Cát cánh được đưa về trồng trên đồng đất vùng cao Tả Văn Chư từ cuối năm 2016,  đến nay đã là vụ thứ 4, diện tích thực hiện 22,8ha, cây sẽ cho thu hoạch củ khoảng tháng 11 năm nay. Việc trồng, mở rộng diện tích Dược liệu ở Tả Văn Chư cũng rất đặc biệt. Nếu như năm 2017- thời điểm đầu triển khai “thí điểm” chỉ là mô hình nhỏ chừng 2ha, người dân ai cũng e dè, cán bộ, đảng viên phải làm trước, nêu gương trước để bà con học tập, nhân rộng… Những người đi đầu có thể kể tới nguyên chủ tịch UBND xã Tráng Ba Điện;  Bác Sùng Seo Vảng- bí thư đảng ủy xã chỉ trồng 3000 m2 năm 2018, thời điểm ấy hạt giống thu được 31 triệu đồng, củ tươi bán được 20 triệu đồng.
Thế rồi, nhận thấy hiệu quả kinh tế thiết thực, các năm tiếp theo diện tích vùng trồng dược liệu Cát Cánh ở Tả Văn Chư tiếp tục được nhân rộng theo từng năm. Đáng mừng là bà con thiểu số địa phương đã hăng hái đăng kí tham gia, chính quyền vào cuộc tuyên truyền, chỉ đạo tích cực. Ở một số thôn, dù không còn được hỗ trợ khi dự án sắp kết thúc, nhưng bà con đã tự giác, tích cực chuyển đổi từ trồng Ngô, lúa kém hiệu quả sang trồng Cát cánh và Đương quy.
 
image005
Thung Lũng hoa Cát Cánh thôn Lả Dì Thàng (xã vùng cao Tả Văn Chư)
 
Bà con trồng dược liệu ở Bắc Hà hiện nay đã yên tâm, tin tưởng trồng và mở rộng diện tích, vì không phải lo lắng về đầu ra cho sản phẩm củ tươi. Huyện đã kí kết với công ty Nam Dược, giao cho trung tâm DVNN huyện thu mua, tiêu thụ toàn bộ sản phẩm cho bà con với giá cả ổn định, vụ 2019 là 25.000 đồng/kg. Nói cách khác, người dân chỉ cần thu hoạch củ, chuyển lên đường chính, sẽ có xe ô tô tải đến tận chân ruộng để thu mua.

Những năm gần đây, bức tranh sản xuất ở các xã vùng cao của huyện nói chung, xã vùng cao Tả Văn Chư nói riêng đang có những bước phát triển mới nhờ đầu tư trồng dược liệu và cây ăn quả ôn đới. Bí thư Đảng ủy xã Tả Văn Chư Sùng Seo Vảng nhận định: “Nếu bà con các thôn của Tả Văn Chư cùng hăng hái thi đua trồng dược liệu thì sẽ thúc đẩy được kinh tế phát triển, sẽ giảm được số hộ nghèo, cận nghèo. Song để Dược liệu thành cây trồng mũi nhọn, cây chủ lực xóa nghèo thì Chính quyền xã và bà con nơi đây rất mong đơn vị thu mua, công ty Nam Dược tiếp tục tính toán, cân nhắc, giúp tiêu thụ cả sản phẩm hoa để làm trà túi lọc, hoặc hạt làm giống cung cấp cho các địa phương khác khi có nhu cầu, giúp địa phương có thể tận dụng tối đa các sản phẩm từ cây Cát Cánh để hiệu quả kinh tế mang lại từ cây dược liệu ngày càng cao.

Tác giả bài viết: Khuất Linh - Đài PTTH Bắc Hà

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây