Phát huy hiệu quả kinh tế trang trại
- Thứ tư - 20/09/2017 09:16
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chủ trương phát triển nông nghiệp - nông thôn đang được huyện Bảo Yên tập trung thực hiện là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa. Trong thời gian qua, các hộ sản xuất tại huyện Bảo Yên đã mạnh dạn đầu tư sản xuất theo hướng gia trại, trang trại, bước đầu phát triển khả quan, trở thành mô hình kinh tế điển hình cho từng vùng.
Mô hình trồng rừng kinh tế tại bản 9, xã Long Khánh, huyện Bảo Yên. |
Việc phát triển sản xuất theo mô hình trang trại ở Bảo Yên xuất hiện từ khá lâu, nhưng phát triển mạnh nhất và tạo được hiệu quả thì chỉ trong vài năm trở lại đây. Điểm dễ nhận thấy là các mô hình kinh tế trang trại ngày càng được đầu tư quy mô, sản xuất ổn định, theo hướng hàng hóa bám sát với thị trường, mức sử dụng lao động ngày càng tăng. Tính đến nay, huyện Bảo Yên có 29 trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Tổng vốn đầu tư các trang trại phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm lên tới 27,5 tỷ đồng, trong đó vốn tự có gần 25 tỷ đồng, còn lại là vốn vay ngân hàng. Từ đầu năm đến nay, tổng doanh thu của các trang trại đạt 37 tỷ đồng, lợi nhuận đạt gần 10 tỷ đồng, bình quân mỗi trang trại đạt 345 triệu đồng.
Chỉ trong 2 năm nuôi gà thả đồi, anh Hoàng Văn Trưởng, ở thôn 1 Mai Đào, xã Thượng Hà, một trong những người đầu tiên mạnh dạn đầu tư mô hình trang trại chăn nuôi đã xây dựng được ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi. Anh Trưởng cho biết, trước đây gia đình đầu tư nuôi lợn nhưng hiệu quả không cao, năm 2016 chuyển sang nuôi gà thả đồi, hiện mô hình luôn duy trì tổng đàn ở mức 2.500 con.
Nhờ có diện tích đất đồi rộng trên 1 ha, anh Trưởng xây dựng hệ thống chuồng trại quy mô khá lớn, đàn gà sau khi được nuôi nhốt để chăm sóc, tiêm phòng dịch bệnh sẽ được thả ra môi trường tự nhiên. Thức ăn cho gà thả đồi được kết hợp từ bột ngô, cám công nghiệp và đặc biệt là cỏ đồi, nên gà lớn nhanh, khỏe, đề kháng tốt với bệnh dịch, thịt chắc, sau 5 tháng có thể xuất bán. Từ đầu năm đến nay, anh Trưởng đã bán ra thị trường trên 5 tấn thịt gà thương phẩm, thu lãi 100 triệu đồng.
Từ mô hình nuôi gà thả đồi của anh Hoàng Minh Trưởng, đến nay ở thôn 1 Mai Đào đã nhân rộng được 3 mô hình nuôi gà thả đồi, bước đầu cho thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững tại địa phương. Hiện, các xã như: Điện Quan, Thượng Hà, Minh Tân, Tân Dương, Bảo Hà, Cam Cọn… dù mới xuất hiện các mô hình trang trại chăn nuôi, gia trại quy mô trung bình nhưng cũng đã đạt mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Mô hình trang trại nuôi gà thả đồi mang lại thu nhập ổn định cho nông dân Bảo Yên. |
Ông Vũ Thành Công, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Yên cho biết: Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế luôn được ngành nông nghiệp và các địa phương quan tâm, thực hiện lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới. Phần lớn các mô hình trang trại ở Bảo Yên đều do người dân chủ động đầu tư, tự xây dựng kế hoạch trên cơ sở định hướng của cơ quan chuyên môn, của địa phương.
Trong thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Yên tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng mô hình kinh tế trang trại và để phát triển bền vững, việc tăng cường liên kết trong sản xuất sẽ được phát huy tối đa. Ngành chức năng và các địa phương tại huyện Bảo Yên sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các hộ mở rộng sản xuất sang các mô hình vốn là thế mạnh của huyện, như trồng cây ăn quả, kinh tế lâm nghiệp, sản xuất nông nghiệp gắn với thương mại - dịch vụ, trồng chè, phát triển thủy sản. Tăng cường phối hợp với các ngân hàng thương mại để lồng ghép các nguồn vốn, tạo sự thông thoáng các nguồn vốn ưu đãi cho sản xuất nông - lâm nghiệp, nhất là các mô hình kinh tế gia trại, trang trại cần nguồn vốn lớn để mở rộng quy mô.
Kinh tế trang trại ở Bảo Yên hiện chưa nhiều, song đã có những hiệu quả bước đầu rất đáng chú ý. Đây chính là lý do để huyện Bảo Yên và các xã, thị trấn đang có nhiều chính sách, sự quan tâm đặc biệt với kinh tế trang trại, gia trại.