Nông thôn mới Lào Cai

http://nongthonmoilaocai.vn


Đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ

Trước tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, mùa mưa bão đến, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, các ngành, đơn vị quản lý và chính quyền địa phương đã chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi. Theo đó, việc rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình hồ đập thủy lợi, hệ thống kênh mương để xây dựng phương án xử lý kịp thời, bảo đảm phục vụ sản xuất, tiêu thoát nước và an toàn cho người dân được quan tâm.
z5601630610638 c5321d538e8b19a9f077cfa4c29a8ce4
Tả Sín hay còn được gọi là hồ Ná Luộc, là 1 trong 2 hồ thủy lợi lớn nhất huyện Bát Xát, cung cấp nước sản xuất cho toàn bộ khu vực xã Bản Qua và thị trấn Bát Xát. Để đảm bảo công trình vận hành an toàn trong mùa mưa lũ, tổ quản lý hồ thủy lợi đã thường xuyên cập nhật tình trạng hồ chứa, kiểm tra thân đập, xả tràn khi lượng nước lên cao. Theo ông Đỗ Văn Chinh, Tổ quản lý hồ thủy lợi Tả Sín thì việc kiểm tra an toàn hồ đập là việc phải thực hiện thường xuyên. Đều đặn mỗi ngày, ông Chinh sẽ kiểm tra một lượt xem có chỗ nào hư hỏng, sụt lún hay rò rỉ hay không để kịp thời báo cáo các cơ quan có liên quan. “Đặc biệt trong mùa mưa lũ thì việc kiểm tra, đảm bảo an toàn hồ đập càng được quan tâm nhiều hơn. Những ngày mưa lớn, việc kiểm tra, theo dõi mực nước được thực hiện từng giờ để có thể chủ động các phương án, đề phòng sự cố xảy ra” – ông Chinh chia sẻ.
z5601631510700 d755ae1c9724f4438bacb7992eadd92f

Tương tự, tại xã Phong Niên (Bảo Thắng) hiện có 4 hồ thủy lợi, đều có vai trò quan trọng trong việc tích trữ, điều tiết nước cho toàn bộ khu vực lân cận. Những năm qua, việc vận hành, công tác đảm bảo an toàn hồ đập tại Phong Niên được quan tâm thực hiện. Các hồ chứa tại đây cũng được đầu tư nâng cấp vào năm 2021 góp phần tăng sức chứa, tăng khả năng điều tiết cũng như đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Hiện nay, các hồ chứa được nâng cấp với cửa lấy nước được gia cố bằng bê tông cốt thép, có van đóng mở bảo đảm an toàn điều tiết nước. Tại đây, việc vận hành hồ chứa được căn cứ theo tình hình thời tiết thực tế, tổ quản lý sẽ luôn điều tiết nước để ở mức an toàn, đủ để cung cấp nước sản xuất, đảm bảo an toàn trong vận hành.
Ngoài các công trình hồ chứa, các công trình đập dâng, kênh, mương dẫn nước hay đầu mối thủy lợi cũng thường xuyên được kiểm tra, duy tu để đảm bảo tiêu thoát nước cũng như dẫn nước phục vụ sản xuất cho bà con. Hiện nay, nông dân các địa phương vùng thấp trong tỉnh đã cơ bản thu hoạch xong lúa vụ xuân và chuẩn bị các điều kiện để sản xuất lúa mùa. Tại cánh đồng xã Quang Kim, sau thu hoạch lúa xuân, bà con đang khẩn trương cắt gốc rạ, cày lật đất và dẫn nước về ruộng để gieo cấy vụ mới.
z5601632049218 6cc648ef1184990c494fcec52469189b

Chị Lương Thị Thắm, thôn Làng Kim, xã Quang Kim chia sẻ: Cứ đầu mùa sản xuất là chúng tôi phải đi kiểm tra hệ thống mương dẫn, xem chỗ nào rò rỉ thì sửa chữa, chỗ nào bùn đất tích tụ thì khơi thông để dẫn nước về ruộng. Ngoài ra thì sau mỗi trận mưa to, lũ lớn, nhiều đoạn mương bị vùi lấp, chúng tôi cũng chủ động ra khơi lại, có những đoạn bị lũ cuốn hoặc làm hỏng thì báo với tổ quản lý có phương án xây, sửa lại để bà con lấy nước sản xuất cho đảm bảo”.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 107 đập, hồ chứa thủy lợi; công trình thủy lợi đập dâng kênh dẫn trên địa bàn tỉnh đều là công trình nhỏ với tổng chiều dài kênh mương trên 4.800 km các loại, trong đó có 3.700 km đã được kiên cố hóa, còn lại 1.100 km kênh đất; đầu mối thủy lợi là 2.558 cái (đã kiên cố 1.880 cái, đạt 73,5%; đầu mối tạm 678 cái). Tính đến hết tháng 6/2024, tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương đạt 77,3%.
Những năm qua, công tác phòng, chống thiên tai, bảo vệ bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy lợi của tỉnh luôn được chú trọng; đối với các đập, hồ chứa lớn, vừa đã được tổ chức, cá nhân trực tiếp khai thác xây dựng các Phương án: bảo vệ đập, ứng phó thiên tai, ứng phó tình huống khẩn cấp và được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định, thường xuyên cập nhật làm cơ sở triển khai thực hiện; các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn được gia cố, sửa chữa kịp thời; trên địa bàn tỉnh chưa có sự cố mất an toàn đập, hồ chứa thuỷ lợi gây ảnh hưởng thiệt hại khu vực phía hạ lưu.
Theo ông Nguyễn Quang Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi thì do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trên địa bàn tỉnh Lào Cai vào mùa khô tình hình thiếu nước cấp cho sản xuất và nước sinh hoạt diễn biến hết sức phức tạp; tình trạng thiếu hụt nguồn nước tại đầu nguồn các công trình thủy lợi, hồ chứa ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân; vào mùa mưa công trình thủy lợi theo tuyến chịu ảnh hưởng trực tiếp của các loại hình thiên tai như lũ quét, sạt trượt đất đá làm hư hỏng số lượng lớn công trình; công trình đập, hồ chứa đa phần được đầu tư xây dựng từ những năm 60-70 thế kỷ trước, đến nay có nhiều hạng mục xuống cấp, hư hỏng; hằng năm nhu cầu kinh phí khắc phục rất lớn, ngân sách địa phương mới chỉ đáp ứng một phần. “Đặc thù các công trình miền núi rất dễ bị tác động của mưa lũ, nên chúng tôi mong muốn các cơ quan, ban ngành và các địa phương chủ động, quan tâm nhiều hơn đến công tác sửa chữa các công trình, công tác quản lý vận hành. Do hầu hết các công trình thủy lợi là công trình nhỏ, phân tán, nên là phải dựa vào cộng đồng là chính. Do vậy, vài trò, trách nhiệm của địa phương rất lớn trong quản lý, vận hành các công trình thủy lợi” – ông Ngọc nhấn mạnh
Các công trình hồ, đập thủy lợi không chỉ cung cấp nước phục vụ sản xuất, mà còn có vai trò điều tiết nước, giảm ngập úng trong mùa mưa bão. Vì vậy, việc thực hiện tốt công tác kiểm tra, xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng thường xuyên kịp thời sẽ giúp các hồ, đập vận hành an toàn, hiệu quả; đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, nhất là trong mùa mưa, lũ.
 

Tác giả bài viết: Thuý Phượng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây