Nông thôn mới Lào Cai

http://nongthonmoilaocai.vn


Dấu ấn tuổi trẻ trong phát triển kinh tế nông thôn

Trong 43 điển hình trên toàn quốc được Trung ương Đoàn trao Giải thưởng Lương Định Của năm 2023, tỉnh Lào Cai có 2 gương mặt trẻ xuất sắc được xét chọn là anh An Văn Tuấn, sinh năm 1991, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Thế Tuấn (thôn Bẻ 2, xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn) và chị Hoàng Thị Hoàn, sinh năm 1991, thành viên Hội đồng quản trị Hợp tác xã Bưởi Múc xã Thái Niên (huyện Bảo Thắng).

Làm giàu từ cây dược liệu

Khác với hình ảnh người nông dân chân lấm tay bùn, chúng tôi thật sự ấn tượng với anh An Văn Tuấn bởi phong cách trẻ trung, năng động. Đối với anh Tuấn, cơ duyên gắn bó với nghề thật đặc biệt. Trong một lần bị ốm, anh tình cờ thấy một lớp váng trong ly nước pha với lá đại bi và lập tức anh nghĩ ngay đến việc làm tinh dầu từ loại cây dược liệu này.

Nghĩ là làm, anh Tuấn bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về loài cây này. Cây đại bi là cây truyền thống của người Tày ở Văn Bàn. Đây là cây dược liệu quý được nhiều hộ trồng tại gia hoặc tại các cánh rừng nên việc khai thác, tìm kiếm nguyên liệu không khó. Tuy nhiên, cái khó mà anh phải vượt qua là làm cách nào để chưng cất cây đại bi thành tinh dầu.

Theo anh Tuấn, thời gian đầu anh “lục tung” khắp nơi để tìm các tài liệu về cây đại bi. Trong nước không có, anh lại tìm đọc tài liệu bằng tiếng Anh. Cuối cùng, anh cũng tìm được công thức để có thể bắt tay vào khởi nghiệp.

IMG_8557.jpeg

Anh Tuấn bàn bạc ý tưởng với những người bạn chung chí hướng để thành lập hợp tác xã chuyên sản xuất tinh dầu. Do chỉ là những người làm nông nên dù có dành hết tiền tiết kiệm cũng không "thấm là bao" nên anh Tuấn cùng những người bạn phải đi vay thêm, tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ đồng.

Nghĩ lại quãng thời gian mới khởi nghiệp đầy khó khăn, anh Tuấn bộc bạch: "Tôi và những người bạn vốn chỉ làm nông nên kiến thức về khởi nghiệp gần như không có, vốn đầu tư cũng thiếu, phải đi vay 100%. Ban đầu, việc chưng cất tinh dầu đại bi hoàn toàn thủ công, năng suất rất thấp. Một tấn cây, lá đại bi chỉ thu được 30 ml tinh dầu. Không những vậy, thời điểm đó dịch Covid-19 mới xuất hiện, nhiều phen chúng tôi lao đao vì không bán được hàng".

Không nản chí, anh cùng những người bạn tiếp tục tìm tòi và nâng cao công nghệ. Nhờ vậy, sản lượng tăng lên, một tấn lá đã thu được 500 ml tinh dầu. Ngoài ra, anh còn sản xuất nhiều loại hàng hoá khác như cao mềm đại bi, nước súc miệng, trà đại bi và đều mang thương hiệu “Giọt vàng vùng cao”.

Không những nâng cao chất lượng và sản lượng, anh Tuấn còn tích cực tìm các kênh bán hàng trực tuyến và tuyển dụng các cộng tác viên để sản phẩm được biết đến nhiều hơn, đi xa hơn. Giờ đây, sản phẩm của anh không những được khách hàng tin dùng mà còn được Tổng cục Đo lường chất lượng đánh giá đủ tiêu chuẩn, được công nhận OCOP cấp tỉnh.

IMG_8563.jpeg

Từ thành công đó, hợp tác xã của anh Tuấn đã mở rộng liên kết với 21 hộ nông dân, tạo việc làm và giúp tăng thu nhập cho nhiều gia đình tại địa phương. Người nông dân sẽ thu hái lá để bán cho hợp tác xã với giá 1.500 đồng/kg, thu nhập trung bình 4 - 5 triệu đồng/tháng. Có ngày đỉnh điểm, một gia đình thu hái được 4 tạ lá cây đại bi, bán được 600 nghìn đồng.

Tôi cố gắng tìm một hướng đi bền vững để giúp bà con không phải mưu sinh xa xứ và tránh xa những tệ nạn xã hội. Ngoài ra, việc nhân rộng những cánh rừng trồng đại bi sẽ giúp rừng giữ được đất, tránh xói mòn, lở đất và tạo cơ hội sinh trưởng, phát triển cho các loài cây khác.

Anh An Văn Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Thế Tuấn

IMG_8561.jpeg

Ngoài những sản phẩm từ cây đại bi, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Thế Tuấn còn có thêm 24 sản phẩm mới từ cây dược liệu bản địa như tinh dầu hương nhu, tinh dầu quýt, tinh dầu màng tang (hạt tiêu rừng), tinh dầu tía tô, cao tía tô, tinh dầu mắc khén, trà tía tô, toner chăm sóc da từ lá tía tô… Trong số này có 4 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

2.jpg

“Với mong muốn làm được điều gì đó cho bà con, tôi quyết tâm tìm ra hướng đi để nâng cao đời sống, góp phần xây dựng quê hương phát triển. Tôi tự hào vì cuối cùng tôi cũng đã làm được”, chị Hoàng Thị Hoàn tâm sự khi cầm trên tay giấy mời dự buổi vinh danh Giải thưởng Lương Định Của năm 2023.

Bản thân chị vốn là cán bộ Đoàn trẻ tuổi về nhận công tác tại xã Thái Niên năm 2015 với vai trò Phó Chủ tịch Hội Nông dân kiêm Phó Bí thư Đoàn xã. Trong quá trình công tác, chị đã tham mưu làm tốt công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên tại địa phương, đồng thời làm tốt việc hỗ trợ Nhân dân phát triển kinh tế.

Nhận thức được sự cần thiết và nhu cầu cần phát triển thương hiệu sản phẩm địa phương, năm 2017, Hợp tác xã Bưởi Múc xã Thái Niên đã được thành lập với 18 thành viên, trong đó chị Hoàn là thành viên Hội đồng quản trị.

299.jpg

Hợp tác xã ban đầu chỉ tập trung vào chăm sóc và phát triển sản phẩm quả bưởi tươi với sản lượng bình quân 500.000 - 700.000 quả mỗi năm. Giá bán trung bình 15.000 - 40.000 đồng/quả. Năm 2021, số thành viên của hợp tác xã tăng lên 28, đồng thời tạo công việc mùa vụ cho gần 100 lao động.

Theo chị Hoàn, bưởi Múc từ lâu là “đặc sản” của xã Thái Niên. Tuy nhiên, người dân nơi đây chưa tận dụng hết được “món quà thiên nhiên ban tặng” để phát triển kinh tế. Lúc tỉa bưởi, người dân thường tỉa những quả bưởi non rồi vứt đi, rất lãng phí. Nhận thấy có thể tận dụng những quả bưởi non này để làm trà, chị Hoàn đã bàn với các thành viên trong hợp tác xã thu mua lại từ người dân.

Chị Hoàn chia sẻ: Vỏ bưởi Múc có thể thái mỏng, phơi héo, sao khô và bảo quản sử dụng lâu dài; khi dùng pha trà uống hằng ngày rất tốt cho sức khỏe. Trà bưởi Múc có mùi thơm dịu, vị đắng, màu vàng tươi. Sử dụng trà bưởi giúp thanh lọc cơ thể, giải độc gan, làm đẹp da… Đặc biệt, với người mắc bệnh máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ, trà bưởi có tác dụng tích cực trong giảm lượng chất béo và cholesterol.

IMG_8565.jpeg

Với cách làm trên, chị Hoàn cùng các thành viên trong hợp tác xã không chỉ giúp người dân tăng thu nhập mà còn tạo ra sản phẩm mới, giúp bưởi Múc vốn đã có tiếng từ trước nay lại càng vang xa hơn trên thị trường.

Hiện nay, Hợp tác xã Bưởi Múc xã Thái Niên đã đầu tư thiết bị chế biến trà bưởi Múc theo quy trình khép kín, đảm bảo an toàn với người sử dụng, sản lượng đạt hơn 2 tấn/năm, phục vụ người tiêu dùng tại nhiều tỉnh, thành phố như Lào Cai, Hà Nội, Ninh Bình, Thành phố Hồ Chí Minh… Trà bưởi Múc ngày càng được nhiều người biết đến và tin dùng, từ đó mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho các thành viên trong hợp tác xã cũng như giải quyết việc làm cho nhiều lao động khác tại địa phương.

Bằng sự nhạy bén cùng tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh Tuấn và chị Hoàn đã góp phần xây dựng quê hương nơi mình sinh sống phát triển tốt đẹp hơn. Giải thưởng Lương Định Của năm 2023 như một sự ghi nhận cho những nỗ lực đó.

Giải thưởng Lương Định Của là giải thưởng do Trung ương Đoàn triển khai nhằm biểu dương, khen thưởng những thanh niên nông thôn tiêu biểu trong khởi nghiệp, lập nghiệp, tạo diễn đàn để thanh niên giao lưu, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, kết nối giao thương trong sản xuất, kinh doanh.

Giải thưởng năm nay thu hút 77 gương thanh niên từ 49 tỉnh, thành đoàn gửi hồ sơ về tham dự. Từ hồ sơ gửi về, Hội đồng giải thưởng đã lựa chọn 43 nhà nông trẻ xuất sắc nhất. Mỗi cá nhân là một điển hình khởi nghiệp, lập nghiệp trong nông nghiệp đang mang lại giá trị kinh tế cao, doanh thu và lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho nhiều lao động là thanh niên trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn.

Lễ trao Giải thưởng Lương Định Của lần thứ 18 và trao giải Cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2023 sẽ diễn ra vào tối 12/11 tại thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.

Nguồn tin: Theo Báo Lào Cai

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây