Lào Cai: Xây dựng nông thôn mới theo “chiều sâu”
- Thứ ba - 19/12/2023 10:01
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mới đây, Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với ông Đỗ Xuân Thủy - Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Lào Cai về những kết quả đã đạt được cũng như mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh trong thời gian sắp tới.
Xin ông cho biết sơ lược về kết quả xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao của tỉnh Lào Cai cho đến thời điểm hiện tại? Điều gì đã mang lại những kết quả tích cực trên?
- Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, đến nay tỉnh Lào Cai đã có 62/127 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 05/62 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai rút ra một số bài học kinh nghiệm, cụ thể:
Một là, có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể. Trong đó, người đứng đầu cấp ủy và chính quyền có vai trò quan trọng. Thực tiễn cho thấy nơi nào các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thực sự quan tâm vào cuộc thường xuyên, quyết liệt thì trong cùng hoàn cảnh còn nhiều khó khăn vẫn tạo ra sự chuyển biến rõ nét.
Hai là, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, tạo được sự thống nhất cao về nhận thức trong Đảng, trong Nhân dân về quan điểm, nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới; để mỗi cán bộ, người dân hiểu rõ, từ đó đồng thuận, chung sức, tự giác, chủ động tham gia.
Ba là, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, Đảng viên, nhất là cán bộ ở thôn, bản, người có uy tín. Mỗi cán bộ, Đảng viên trở thành những điển hình gương mẫu, nhiệt huyết trong thực hiện Chương trình. Nghiêm túc thực hiện nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch trong quản lý, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện Chương trình tại địa phương.
Bốn là, có cách làm phù hợp với điều kiện của từng địa phương thông qua lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, vận dụng sáng tạo cơ chế chính sách. Có phương thức huy động các nguồn lực phù hợp.
Năm là, lồng ghép sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ ngân sách của Nhà nước và các nguồn lực khác; việc huy động, đóng góp của người dân phải được thực hiện trên cơ sở thực sự tự nguyện, bàn bạc dân chủ không gượng ép.
Sáu là, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phải có kế hoạch, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ đề ra để có sự điều chỉnh và có giải pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình.
Và cuối cùng là, coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và tập huấn về kiến thức xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ ở cơ sở xã, thôn, bản, những người trực tiếp chỉ đạo thực hiện.
Công tác xây dựng NTM và NTM nâng cao của tỉnh Lào Cai đã tạo nên những thay đổi đáng kể nào trong diện mạo nông thôn và đời sống của người nông dân, thưa ông?
- Chương trình xây dựng NTM được triển khai thực hiện đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong khu vực nông thôn, cơ sở hạ tầng nông thôn phát triển, đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần đựơc nâng cao, môi trường được cải thiện, an ninh trật tự khu vực nông thôn được đảm bảo, tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn.
Kết cấu hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư nâng cấp, phong trào làm đường giao thông nông thôn được đẩy mạnh, tạo khí thế sôi nổi, lan tỏa đến mọi xóm làng, người dân.
Đến nay 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 95,7% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 74,9% phòng học các cấp được xây dựng kiên cố; 100% trạm y tế xã được xây dựng kiên cố; 95% hộ dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% số thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; Tỷ lệ thôn có đội văn hóa, văn nghệ (CLB) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng đạt 65,6%; Tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 4 tuổi, 5 tuổi đến trường đạt 99%; Tỷ lệ bao phủ BHYT bình quân đạt 85,3%; Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao/tuổi) còn 28,6%; Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (Cân nặng/tuổi) còn 16,7%,…
Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được chú trọng hướng vào phát triển các vùng sản xuất gắn với cây, con chủ lực, thế mạnh các ngành, nghề truyền thống, đặc sản của địa phương; từng bước hình thành, nhân rộng các mô hình liên kết kinh tế, hợp tác xã nông nghiệp, phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật cao vào sản xuất; công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm được tỉnh và nhiều địa phương chú trọng, tạo nên thương hiệu và giá trị cao cho các sản phẩm.
Qua đó, đã từng bước tạo sự chuyển biến trong tư duy và cách thức tổ chức sản xuất của người dân khu vực nông thôn; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp trên một đơn vị diện tích đất canh tác tăng cao. Đời sống của người dân khu vực nông thôn được cải thiện rõ rệt, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh; an sinh xã hội ngày càng được đảm bảo... dân chủ ở cơ sở được phát huy.
Dù đã đạt được những kết quả rất tích cực, tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, công tác xây dựng NTM nâng cao của tỉnh Lào Cai vẫn còn gặp không ít khó khăn, nhất là về cơ chế chính sách, thưa ông?
- Trong công tác xây dựng NTM nâng cao, tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, để phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao thì mức độ đạt chuẩn mới ở mức tối thiểu nên việc phấn đấu tăng mức độ đạt chuẩn để đáp ứng yêu cầu của Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao cần rất nhiều nguồn kinh phí.
Trong khi đó, theo cơ chế hỗ trợ của Trung ương thì các xã đã hoàn thành nông thôn mới để phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao được hưởng mức hộ trợ ở hệ số 1, như tỉnh Lào Cai đang phân bổ thì bình quân mỗi xã được hỗ trợ khoảng 5,2 tỷ đồng trong cả giai đoạn 2021-2025, mức hỗ trợ này còn rất thấp so với nhu cầu đầu tư đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao tại các xã, do đó để hoàn thành được mục tiêu phấn đấu, tỉnh Lào Cai đề nghị Trung ương cần có những cơ chế chính sách hỗ trợ riêng cho các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Vậy trong năm 2024, tỉnh Lào Cai sẽ triển khai các nhóm giải pháp trọng tâm nào để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, tiếp tục giữ vững các tiêu chí NTM và NTM nâng cao?
- Trong thời gian tới để hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, cần tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm như sau:
Thứ nhất, tăng cường thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 09/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lào Cai về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021-2025; Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 10/11/2023 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về đẩy mạnh tiến độ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào nội dung các Chỉ thị, chủ động xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện Chương trình.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác thông tin tuyên truyền, vận động các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới để người dân nhận thức sâu sắc về vai trò chủ thể, tham gia xây dựng nông thôn mới với ý thức tự giác, chủ động, hăng hái của mỗi người dân. Thường xuyên nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên và gia đình cán bộ, đảng viên trong triển khai và thực hiện chương trình.
Thứ ba, đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Tập trung giải ngân các dự án phát triển sản xuất được hỗ trợ nguồn vốn của 3 Chương trình MTQG góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân. Triển khai hiệu quả Đề án số 01-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh uỷ, Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình OCOP theo hướng đa dạng hóa và nâng cao hơn nữa chất lượng gắn với xây dựng thương hiệu; nâng cao chất lượng các Hợp tác xã, Tổ hợp tác để tạo mối liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp bền vững, quan tâm giải quyết việc làm cho người dân tại chỗ, từng bước hình thành chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng an toàn, hiệu quả và có tính bền vững,…
Thứ tư, huy động, lồng ghép sử dụng hiệu quả các nguồn vốn của các Chương trình MTQG; nguồn ngân sách địa phương và từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn nông thôn,… để đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống, sinh hoạt của Nhân dân, đồng thời đạt các mục tiêu, tiêu chí, chỉ tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình từ đó nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, phát hiện các sai phạm để kịp thời đưa ra các giải pháp xử lý, tháo gỡ.
Thứ sáu, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác giúp đỡ xã thực hiện các Chương trình MTQG. Đồng thời căn cứ vào kết quả giúp xã thực hiện các chỉ tiêu xây dưng nông thôn mới để đánh giá, phân xếp loại thực hiện nhiệm vụ hàng năm đối với các cơ quan, đơn vị và địa phương.
Và cuối cùng là phát động phong trào thi đua trong xây dựng nông thôn mới để khơi dậy sự nhiệt huyết trong mỗi cán bộ, đảng viên, Nhân dân, mọi tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội cùng chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, động viên đối với cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc, tạo động lực thúc đẩy thực hiện Chương trình ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng.
Về cơ chế, chính sách đối với xây dựng NTM theo ông cần sửa đổi, hoàn thiện như thế nào?
- Về cơ chế, chính sách xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới, cần có một số các điều chỉnh như:
Thứ nhất, đối với Trung ương: Các Bộ, ngành trung ương xem xét các quy định, hướng dẫn triển khai thực hiện các nội dung thành phần, chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới để điều chỉnh, bổ sung phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Đồng thời cần sửa đổi một số tiêu chí nông thôn mới cấp xã, huyện giai đoạn 2021-2025 phù hợp với đặc thù của vùng miền và phù hợp với thực tế triển khai thực hiện tại cơ sở.
Bên cạnh đó, hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình MTQG theo hướng đồng bộ, thống nhất, để thuận lợi trong việc triển khai thực hiện.
Ngoài ra cần xây dựng chính sách hỗ trợ đối với các xã sau khi công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ xã Khu vực II, Khu vực III được xác định là xã Khu vực I hoặc các xã sau khi đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục được hưởng chế độ chính sách của xã Khu vực II, Khu vực III đến hết năm 2025 để đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn nông thôn, đặc biệt đối với các đối tượng hộ dân tộc thiểu số, hộ mới thoát nghèo.
Thứ hai, đối với cấp tỉnh:
Cần có cơ chế thưởng công trình phúc lợi đối với các xã, thôn bản đạt chuẩn nông thôn mới để khích lệ tinh thần đối với Nhân dân và cán bộ các xã, thôn, bản đã chung sức, đồng lòng thực hiện mục tiêu về xây dựng nông thôn mới cũng như tiếp tục công cuộc xây dựng phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.