Nông thôn mới Lào Cai

http://nongthonmoilaocai.vn


Phấn đấu tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp 6 tháng cuối năm đạt 4,6%

Sáng 18/7, Ban Chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tỉnh (Ban Chỉ đạo) tổ chức hội nghị sơ kết công tác quý II, 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp 6 tháng cuối năm đạt 4,6%
NQ7.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong chủ trì hội nghị.

Đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tỉnh chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo; tổ trưởng, tổ phó tổ giúp việc Ban Chỉ đạo.

NQ3.jpg
Các đại biểu dự hội nghị.

Theo báo cáo tại hội nghị, trong quý II/2024, các thành viên Ban Chỉ đạo đã tích cực triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo. Quý II, Ban Chỉ đạo được giao 43 nhiệm vụ, trong đó đã thực hiện 38 nhiệm vụ, 5 nhiệm vụ tiếp tục thực hiện.

NQ1.jpg
Đồng chí Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 10.

Tổng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản 6 tháng đạt 4.375 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 3,81%. Trong đó giá trị sản xuất các ngành hàng chủ lực (chè, chuối, dứa, dược liệu, quế, chăn nuôi lợn, kinh tế đồi rừng) chiếm trên 50% tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp; sản lượng một số cây trồng chính như chè tăng 27%, dược liệu tăng 43%, dứa tăng 14%; tổng sản lượng thịt hơi các loại tăng khoảng 5%, sản lượng thủy sản khai thác tăng hơn 6,4%; lâm nghiệp cơ bản duy trì tốc độ tăng trưởng hơn 5%, khai thác tăng 2% - 9%, đặc biệt, khai thác cành, lá quế tăng trên 10%.

Giá trị sản xuất các ngành hàng chủ lực trong 6 tháng đạt 2.667 tỷ đồng, bằng 53,3% kế hoạch năm 2024 (5.000 tỷ đồng). Trong đó một số ngành hàng chủ lực đạt giá trị cao như: Cây chè đạt 185 tỷ đồng, bằng 112% cùng kỳ; cây dược liệu đạt 180 tỷ đồng, bằng 112,5% cùng kỳ; cây dứa đạt 250 tỷ đồng, bằng 178,6% cùng kỳ.

NQ4.jpg
Bí thư Huyện ủy Bảo Thắng phát biểu thảo luận về việc thực hiện Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đến 30/6/2024, toàn tỉnh có 176 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia (124 dự án chuyển tiếp năm 2023, 52 dự án xây dựng mới trong năm 2024), với 65 dự án liên kết, 111 dự án cộng đồng. Các dự án tập trung hỗ trợ đối với các ngành hàng chủ lực (dược liệu, chè, chuối, dứa, quế) và một số ngành hàng tiềm năng (rau trái vụ vùng cao, cây ăn quả ôn đới...).

Trong 6 tháng cuối năm, phấn đấu tốc độ tăng trưởng của ngành đạt khoảng 4,4% - 4,6% và năm 2024 tăng trưởng đạt 4,2%. Trong đó, nông nghiệp 3,84% (trồng trọt 2,96%, chăn nuôi 5,08%); lâm nghiệp 5,88%; thủy sản 6,33%.

NQ2.jpg
Bí thư Huyện ủy Văn Bàn phát biểu thảo luận tại hội nghị.
NQ5.jpg
Bí thư Huyện ủy Bảo Yên đề nghị mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm và đưa cây trồng này là cây chủ lực.

Tại hội nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo thảo luận cho ý kiến về kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm và các nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, đó là: Tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh triển khai các dự án, kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia; chủ động lồng ghép nguồn lực tại địa phương để triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình, dự án phát triển sản xuất; kiên định mục tiêu phát triển, rà soát luân chuyển đất trồng chuối, đồng thời mở rộng diện tích sang các địa phương có điều kiện phù hợp; mở rộng tích trồng dâu nuôi tằm và đưa cây trồng này là cây chủ lực; tăng cường kết nối, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp xây dựng các cơ sở, nhà máy thu mua, chế biến các sản phẩm quế; tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp du lịch; cần tổ chức đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

NQ17.jpg
Đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho rằng: Tăng trưởng của ngành nông nghiệp thời gian qua ổn định nhưng vẫn ở mức thấp, bởi các cây trồng chủ lực của tỉnh được lựa chọn đều có trước xây dựng nghị quyết, hiện nay chưa thành vùng sản xuất lớn, việc tổ chức sản xuất vẫn là khâu yếu, nên chưa chưa có đột phá.

Các ngành, địa phương cần xác định rõ vai trò mối quan hệ trong sản xuất nông nghiệp, từ đó có những định hướng và chính sách cho phát triển các loại cây trồng, đồng thời vận động doanh nghiệp góp vốn cùng người dân tổ chức sản xuất. Quan tâm phát triển hài hòa giữa nông nghiệp hàng hóa với nông nghiệp an sinh, đảm bảo có diện tích phù hợp trồng cây lâu năm và cây hằng năm; thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ; nâng cao hiệu quả sản xuất nhất là từ khâu giống, chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm. Đối với các dự án chăn nuôi, nhà máy tinh dầu quế cần có đánh giá tác động môi trường.

NQ9.jpg

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong nhấn mạnh: Trong các nghị quyết của Tỉnh ủy thì Nghị quyết 10 đã thành lập ban chỉ đạo với các thành viên đều là lãnh đạo chủ chốt của các địa phương, ngành, điều đó cho thấy đây là lĩnh vực tỉnh đặc biệt quan tâm. Quá trình triển khai thực hiện nghị quyết đã có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành và làm thay đổi tư duy của người dân từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

NQ115.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong kết luận hội nghị.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, sản xuất nông nghiệp cần có thời gian dài đầu tư mới có những quả nổi bật và ngành nông nghiệp luôn khẳng định vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Do vậy, yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện rà soát, đánh giá khảo nghiệm, quy hoạch vùng sản xuất và cây trồng chủ lực, tiềm năng, đề xuất cơ chế chính sách phù hợp, từ đó khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương.

Các ngành, địa phương tiếp tục tham mưu, tổ chức triển khai có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển nông nghiệp. Tổ chức tốt công tác xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, thực hiện hiệu quả việc giải ngân các nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia. Chủ động trong khâu nghiên cứu, nhân các loại giống cây trồng và đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân; xây dựng và phát triển hiệu quả các vùng nguyên liệu tập trung, nâng cao năng lực chế biến và tiêu thụ nông sản thông qua các mô hình liên kết, chuỗi sản xuất; có giải pháp nâng cao giá trị và tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Đối với các dự án đầu tư nông nghiệp không hiệu quả thì kiên quyết thu hồi.

Nguồn tin: Theo Báo Lào Cai

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây