Nông thôn mới Lào Cai

http://nongthonmoilaocai.vn


Tháo gỡ các điểm nghẽn để phát triển du lịch nông thôn bền vững

Chiều 1/6, Bộ NN-PTNT, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ký kết Chương trình phối hợp trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả và bền vững giai đoạn 2024-2030.

 

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan ký kết Chương trình Phối hợp trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả và bền vững giai đoạn 2024 - 2030. 

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan ký kết Chương trình Phối hợp trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả và bền vững giai đoạn 2024 - 2030. 

Theo dự thảo, Chương trình nhằm phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng của hai ngành, nhằm phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng bao trùm, đa giá trị, hiệu quả và bền vững, phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên về nông nghiệp, làng nghề, môi trường sinh thái, cảnh quan nông thôn và các giá trị văn hóa đặc trưng vùng, miền.

Theo đó, hai Bộ sẽ phối hợp triển khai có hiệu quả Chương trình phối hợp số 01/CTPH- BNN&PTNT-BVHTTDL ngày 20/11/2020 trong xây dựng đời sống văn hóa, phát triển du lịch nông thôn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Hai bên cùng đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và bền vững, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.

Bộ NN-PTNT và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất tăng cường công tác phối hợp thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, cụ thể:

Xây dựng cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn để thống nhất trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, đảm bảo tích hợp vào quy hoạch kinh tế - xã hội và sử dụng đất của các tỉnh, thành phố.

Thực hiện các nhiệm vụ được giao trong các Nghị quyết và Chương trình của Đảng và Nhà nước về phát triển du lịch, đặc biệt là các chiến lược và chương trình phát triển du lịch đến năm 2030 và phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030.

Tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của du lịch nông nghiệp, nông thôn và đa dạng hóa hình thức truyền thông để thay đổi tư duy khai thác du lịch.

Hỗ trợ các địa phương phát triển hệ thống điểm đến du lịch nông thôn với các sản phẩm đặc trưng vùng miền, khai thác tiềm năng nông nghiệp, cảnh quan sinh thái và văn hóa truyền thống.

Đẩy mạnh đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch nông thôn, hướng tới tính chuyên nghiệp và hiệu quả.

Phối hợp triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch nông thôn và kết nối với hoạt động lữ hành để thu hút khách du lịch. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về du lịch nông thôn để hỗ trợ quản lý và đề xuất chính sách phát triển.

Tổ chức kiểm tra, giám sát và quản lý chất lượng dịch vụ du lịch nông thôn để đảm bảo phát triển bền vững.

Bộ NN-PTNT giao Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam làm đầu mối, là cơ quan thường trực, có trách nhiệm tham mưu lãnh đạo 2 Bộ xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, triển khai thực hiện, theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình phối hợp này.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, giá trị du lịch nông nghiệp là giá trị tích hợp, trong đó bao gồm hàm lượng văn hóa, tri thức bản địa được chủ thể là con người bản địa chăm chút và đưa vào sản phẩm nông nghiệp du lịch. 

Đề cập đến một số điểm nghẽn khi phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, đầu tiên là sự phối hợp giữa nông nghiệp và du lịch, cần sự tích hợp một cách hiệu quả để trở thành một thực thể, từ đó mang lại lợi ích cho các bên liên quan.

Bên cạnh đó, cần tiếp cận theo hướng phát huy giá trị vô hình bên cạnh giá trị hữu hình (lợi ích kinh tế) như lợi ích tinh thần, cải thiện nhận thức cho cộng đồng nông thôn, kích hoạt sự hồi sinh, sức sống của nông thôn và nông dân thông qua các hoạt động du lịch. Từ đó, nông dân có thể nhận ra giá trị tăng thêm của nông nghiệp và thúc đẩy tình yêu nông nghiệp trong khu vực nông thôn. 

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây