Nông thôn mới Lào Cai

http://nongthonmoilaocai.vn


Vai trò của công tác đào tạo, bồi dưỡng trong xây dựng nông thôn mới

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới luôn được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh nên việc giao các chỉ tiêu kế hoạch được thực hiện ngay từ đầu giai đoạn đã tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện Chương trình tại cơ sở, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới được quan tâm đẩy mạnh tại các địa phương. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có 02 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn huyện nông thôn mới; 62/127 xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 05 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao; 252 thôn nông thôn mới, 204 thôn kiểu mẫu.
Để đạt được kết quả trên là những nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo các cấp, của toàn thể hệ thống chính trị và Nhân dân các xã trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng có vai trò hết sức quan trọng và luôn được Ban Chỉ đạo các cấp quan tâm và triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục hàng năm để nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, năng lực, kỹ năng quản lý, điều hành và thực thi cho cán bộ tham mưu xây dựng nông thôn mới các cấp, nâng cao nhận thức của người dân về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; trang bị các kiến thức cơ bản chung về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, tạo được sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị. Với khung Chương trình tập huấn, bồi dưỡng cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tại Quyết định số 3360/QĐ-BNN-VPĐP ngày 06/9/2022 về phê duyệt khung chương trình tập huấn, bồi dưỡng cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025 đã tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong việc xác định các nội dung cần bồi dưỡng hàng năm, thuận lợi cho học viên trong tiếp cận bài giảng, dễ liên hệ và áp dụng sau khi được tập huấn.
Các chuyên đề tập huấn được lựa chọn nhằm truyền đạt đến các học viên các nội dung về phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với kinh tế tuần hoàn và an toàn thực phẩm; phát triển các hình thức liên kết theo chuỗi giá trị nông sản; thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; kỹ năng lãnh đạo, thuyết trình và nói chuyện trước đám đông; phát triển du lịch cộng đồng, ứng dụng công nghệ cao,…
Hình thức đào tạo, tập huấn chủ yếu theo phương pháp tập trung nghe giảng, thảo luận và giải đáp thắc mắc; tại lớp có công cụ trực quan bằng trình chiếu, video clip trực quan, sinh động, kết hợp với việc thực hành, tổ chức tham quan thực tế trong và ngoài tỉnh gắn với nội dung lý thuyết đã được học.
image001
 Tập huấn lý thuyết tại Hội trường
image003
Học viên đi thăm quan thực tế: mô hình liên kết sản xuất vùng trồng dâu, nuôi tằm tại tỉnh Yên Bái
image004
Thăm mô hình trồng Dưa theo tiêu chuẩn VietGap tại tỉnh Vĩnh Phúc
image005
Thăm mô hình sản xuất của HTX Nấm Tam Đảo tại tỉnh Vĩnh Phúc
Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp còn gặp nhiều khó khăn như:
- Công tác đào tạo, bồi dưỡng từ nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia được tổ chức ở nhiều dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần trên địa bàn tỉnh; trong năm các cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn cùng lúc, thời gian mỗi lớp từ 2 - 4 ngày do đó khó khăn cho học viên cấp xã, cấp huyện bố trí thời gian tham gia đầy đủ các khoá học.
- Một số nội dung chuyên đề tập huấn còn bị trùng lặp giữa các lớp cấp tỉnh, cấp huyện nên chưa thu hút được sự quan tâm, tham gia đầy đủ của các học viên.
- Một số cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch đào tạo chậm so với quy định, nội dung có sự lồng ghép vào một số nội dung của kế hoạch khác, thường xuyên có đề xuất điều chỉnh, bổ sung làm ảnh hưởng đến tiến độ thẩm định và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm của tỉnh.
- Cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới tại các sở, ngành, các huyện thường là cán bộ làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, thường xuyên có sự thay đổi về vị trí công tác nên các kiến thức được trang bị thiếu tính liên tục, nhất là việc cập nhật các thông tin, văn bản hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung của Trung ương, của tỉnh.
- Đội ngũ báo cáo viên chủ yếu là cán bộ các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh chưa qua các lớp đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm nên còn nhiều hạn chế trong công tác giảng dạy, phương pháp truyền đạt chưa phù hợp.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ xây dựng nông thôn mới, chuyển đào tạo từ chiều rộng sang chiều sâu, giúp đội ngũ cán bộ và người dân thật sự giỏi về chuyên môn, biết vận dụng và khai thác có hiệu quả hơn nữa nguồn lực của địa phương để thực hiện Chương trình, trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên rà soát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng và đề xuất các nội dung cần bồi dưỡng, tập huấn sát thực tế địa phương đang triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy định, sự cần thiết, cấp thiết khi tổ chức các lớp, tránh sự trùng lặp và đề xuất điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện các nội dung đào tạo, bồi dưỡng hàng năm, tập trung nâng cao nhận thức, quán triệt sâu sắc, đầy đủ mục đích, ý nghĩa của việc bồi dưỡng kiến thức về xây dựng nông thôn mới đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở.
Thứ ba, thường xuyên chỉnh lý, bổ sung tài liệu theo hướng cập nhật các chủ trương, chính sách mới; tinh giản về nội dung, giảm bớt một số chuyên đề; phát triển lý thuyết mới từ kinh nghiệm thực tiễn; thay đổi cách thức tổ chức các lớp, thay đổi phương pháp truyền đạt cho phù hợp, tăng thời gian thực hành, ưu tiên việc thực hành theo hướng cầm tay chỉ việc, thăm quan thực tế các mô hình có cách làm hay, sáng tạo để rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện và tăng cường hiệu quả trong công tác tham mưu thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở.

Tác giả bài viết: Đào Thị Thuý Ngân

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây