Nông thôn mới Lào Cai

http://nongthonmoilaocai.vn


Bài cuối: Mở đường rộng để đẩy lui cái nghèo

Chủ tịch UBND xã biên giới Nậm Chảy (huyện Mường Khương) - Cư Thọ phấn khởi: Thật chẳng sai chút nào khi nói đường làm đến đâu, người dân khấm khá đến đó. Tới đây, những tuyến đường liên thôn, đường nối vào khu sản xuất tiếp tục được nâng cấp, làm mới sẽ mở ra nhiều cơ hội thoát nghèo cho người dân.
image001
Chỉ tay về phía chiếc máy xúc đang cheo leo trên sườn núi đục đá, gạt đất mở con đường ngoằn ngoèo nối từ đường trục chính xã vào thôn Sảng Lùng Phìn, Chủ tịch UBND xã - Cư Thọ nói với chúng tôi: Khi người dân nhiều nơi vẫn đang du xuân thì ở Nậm Chảy, đây là mùa mở đường, bởi thời tiết khô ráo và bà con đã thu hoạch xong nông sản trên nương, rất thuận lợi để huy động dân mở đường.
Tuyến đường Sảng Lùng Phìn dài 2,5 km là 1 trong 2 tuyến do UBND xã làm chủ đầu tư năm 2022, được chuyển nguồn sang năm 2023. Những ngày này, tổ thi công đang gấp rút san, mở nền, thông tuyến, nếu không có gì thay đổi thì từ nay đến hết tháng 4, toàn tuyến sẽ được đổ bê tông. Theo Chủ tịch UBND xã, khi vận động bà con mở đường, ban đầu nhiều người không đồng thuận, thậm chí phản ứng. Họ nói, đường lên thôn vùng cao, lên đồi thì mở rộng để làm gì, nhưng nay thấy con đường thênh thang, bà con vui lắm...
Ngay đầu tuyến, chúng tôi bất ngờ khi thấy hàng trăm cây chuối đang đến tuổi thu hoạch bị đất, đá làm gãy đổ. Hỏi ra mới biết đây là diện tích chuối của gia đình ông Ly Láo Tả, dân tộc Dao ở thôn Sảng Lùng Phìn. Tuyến đường đi qua đã ảnh hưởng hơn 50 gốc chuối đang chuẩn bị cho thu hoạch. Bên cạnh đó là vườn chuối của một số hộ cũng có nhiều cây bị chặt hạ. Sau khi nghe cấp ủy đảng, chính quyền địa phương vận động, ông Tả và các hộ đã đồng thuận hiến đất, hoa màu để mở đường và không yêu cầu bồi thường.
image002
Nậm Chảy là một trong những xã biên giới đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Xã có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, với diện tích cây ăn quả, cây dược liệu lớn, tuy nhiên giao thông khó khăn khiến nông sản làm ra bị tư thương ép giá, người dân thu nhập chẳng đáng là bao. “Trước đây bà con trồng được ngô, lúa muốn bán để lấy tiền chi tiêu sinh hoạt, lo học hành cho con cái cũng bị tư thương ép giá nhưng đành ngậm ngùi, bởi đường khó quá, cước vận chuyển cao” - Chủ tịch UBND xã Cư Thọ nói.
Nhận diện nút thắt về giao thông, cấp ủy đảng, chính quyền xã Nậm Chảy xác định nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn này là tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia tập trung đầu tư hạ tầng kết nối, ưu tiên mở mới các tuyến đường vào khu sản xuất.
Với kinh phí có hạn, việc đầu tiên là phải lựa chọn tuyến nào phù hợp, sớm phát huy hiệu quả để đầu tư trước. Nhằm tạo thống nhất trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện “trên dưới đồng lòng”, cả hệ thống chính trị vào cuộc, tất cả các khâu, các bước thực hiện từ lựa chọn hướng tuyến, cách thức triển khai ra sao đều được đưa ra bàn trước Nhân dân.
Chủ tịch UBND xã Cư Thọ nhớ lại, khi bắt đầu triển khai không phải mọi thứ đều thuận lợi. Đa số hộ bị ảnh hưởng đến đất sản xuất, hoa màu đã nhất trí cam kết không đòi hỏi bồi thường giải phóng, nhưng khi máy móc vào thi công lại gặp vướng mắc vì một số diện tích cây trồng của bà con chưa đến vụ thu hoạch, bà con đề nghị lùi thời gian thi công. Với cây ngắn ngày thì có thể lùi, nhưng những loại cây dài ngày phải lùi lại vài tháng thì ảnh hưởng đến tiến độ của cả dự án. Có hộ bị ảnh hưởng cả trăm cây chuối, cam, quýt đang độ thu hoạch, nếu mở đường thì bà con cũng mất đi nguồn thu nhập đáng kể. “Bà con đã đồng thuận hiến đất, nếu để họ mất trắng thu nhập từ cây trồng trên đất thì quả là thiệt thòi, vì vậy xã đã bàn với đơn vị thi công tìm phương án hỗ trợ người dân, mỗi bên chịu thiệt một ít” - Chủ tịch UBND xã nói.
Anh Mai Văn Chi, Tổ trưởng Tổ thi công tuyến đường Sảng Lùng Phìn cho biết, theo quy định thì không có cơ chế hỗ trợ, nhưng thấy bà con khó khăn, trồng được cây chuối sắp đến ngày thu hoạch lại không được thu, chúng tôi cũng băn khoăn nên đã thống nhất với chính quyền địa phương hỗ trợ tiền giống, phân bón, công chăm sóc cho bà con.
Chủ trương đúng, lại hợp lòng dân nên được người dân nhiệt tình ủng hộ. Từ đó, sự đồng thuận trong Nhân dân được phát huy cao độ, người hiến đất để con đường thêm dài, thêm rộng, người lại góp công, góp của để đường nhanh hoàn thành. Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cũng kịp thời tuyên dương, khen thưởng các hộ gương mẫu, đi đầu trong hiến đất làm đường, từ đó lan tỏa thành phong trào ở các thôn và toàn xã.
image003
Ông Bùi Trọng Trung, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mường Khương khẳng định: Nhờ triển khai làm đường giao thông nông thôn theo cơ chế Nhà nước và Nhân dân cùng làm nên Nậm Chảy đã giải quyết được nút thắt lớn nhất trong đầu tư hạ tầng, đó là giải phóng mặt bằng.
Ông Tô Việt Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết thêm: Mường Khương có nhiều xã đặc biệt khó khăn, cần tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn theo kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025. Những bài học được cấp ủy đảng, chính quyền xã Nậm Chảy rút ra khi mở rộng đường giao thông sẽ tiếp tục được vận dụng. Trong thời gian không xa, nhiều tuyến đường bê tông kết nối từ đường trục xã sẽ len lỏi đến các thôn, khu sản xuất để bà con đưa cơ giới vào sản xuất, mở rộng diện tích các cây trồng chủ lực, tiềm năng. Những tuyến đường sẽ gắn kết chặt chẽ chuỗi sản xuất đến tiêu thụ, mang lại sức bật mới cho nông nghiệp - nông thôn Mường Khương.

Nguồn tin: LCĐT

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây