Nông thôn mới Lào Cai

http://nongthonmoilaocai.vn


Lào Cai xây dựng nông thôn mới dân chủ, công khai, lấy nông dân làm chủ thể, hướng đến chất lượng cuộc sống của người dân

Sau 12 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), nhiều vùng nông thôn ở Lào Cai nay đã thay đổi, ngày càng giàu đẹp, tạo nên bước ngoặt lớn trong phát triển nông thôn. Bộ mặt nông thôn khởi sắc rõ rệt, từng bước gắn phát triển toàn diện nông thôn với cơ cấu lại và đổi mới mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân, tạo nền tảng ổn định chính trị, xã hội.
Thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống người dân không ngừng nâng cao
 
Với mục tiêu xây dựng nông thôn mới tiếp tục triển khai Chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Sau 12 năm thực hiện Chương trình, đã cho thấy có sự chuyển biến mạnh mẽ trong khu vực nông thôn, cơ sở hạ tầng nông thôn phát triển, đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần đựơc nâng cao, môi trường được cải thiện, an ninh trật tự khu vực nông thôn được đảm bảo, tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn; kết cấu hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư nâng cấp...
 
image001

Chương trình xây dựng NTM đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và quan trọng nhất là sự đồng lòng, hưởng ứng của người dân. Qua khảo sát đánh giá cho thấy tỷ lệ hài lòng về các công trình hạ tầng trong xây dựng NTM khá cao. Tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước giảm rõ rệt, các hộ dân cũng nhận thức rõ việc hưởng lợi từ các chương trình và cùng chia sẻ, đóng góp để xây dựng nông thôn mới đó là tín hiệu vui, tích cực. Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh năm 2022 có 41 hộ gia đình tiêu biểu đề nghị Chủ tịch tỉnh tặng bằng khen trong việc thực hiện theo cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”, hiến đất làm đường, đóng góp công sức, ủng hộ kinh phí xây dựng các hoạt động xây dựng NTM (hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa, phòng học, tiểu công viên…). Tôi có dịp ghé qua xã Gia Phú dẫn tôi đi trên con đường nông thôn mới vừa mới hoàn thành ông Trần Quang Khải, Bí thư Chi bộ thôn Chính Tiến chia sẻ thực hiện phong trào thi đua “Phát triển đường giao thông nông thôn rộng, thoáng, an toàn” thôn Chính Tiến vừa mở rộng tuyến đường giao thông (dài 2,4 km) của thôn lên 7 m nền và 5 m mặt đường bê tông. Tổng kinh phí đầu tư mở rộng tuyến đường là hơn 1,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương hỗ trợ 1,281 tỷ đồng, số còn lại do người dân đóng góp, để có được con đường đẹp như này phải kể đến sự đồng lòng của nhân dân rất cao điển hình hộ ông Đỗ Mạnh Hùng, Đỗ Công Đĩnh, Lê Văn Dũng, Hoàng Văn Tiến, Trần Quang Khải… là những hộ tích cực trong việc hiến đất làm đường, đóng góp ngày công và tiền của để làm đường. Ngày càng xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu, cách làm sáng tạo ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường trong xây dựng NTM. Giai đoạn 2021-2025 xây dựng nông thôn mới chú trọng triển khai thực hiện hiệu quả theo 04 nội dung trọng tâm lấy nông dân làm chủ thể để đời sống của người dân không ngừng tăng cao: (1) Phát triển sản xuất gắn với xây dựng nông nghiệp sinh thái; (2) Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn đồng bộ, hiện đại; (3) Phát triển du lịch sinh thái góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thông các dân tộc; (4) Cải tạo vệ sinh môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp.

Phát huy dân chủ để phòng chống tham nhũng, lãng phí

Thực hành dân chủ ở cơ sở trong xây dựng nông thôn mới (NTM) là vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước; tác động mạnh mẽ đến xã hội, làm thay đổi nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, thay đổi xã hội nông thôn, rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo, độ chênh lệch giữa thành thị và nông thôn; là điều kiện quan trọng để thực hành dân chủ trong toàn xã hội.
Gia Phú 4

Xây dựng nông thôn mới với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” người dân được bàn bạc, được thông tin đầy đủ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân, từ đó, chính quyền tổ chức thực hiện theo ý kiến của đa số nhân dân, có sự giám sát, kiểm tra của nhân dân. Việc phát huy dân chủ cũng là “chìa khóa” cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí mà nhiều địa phương trong tỉnh đã thực hiện. Chia sẻ với chúng tôi ông Vũ Tuấn Khơi - Phó chủ tịch UBND xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng cho biết kinh nghiệm triển khai xây dựng nông thôn mới được sự chung sức, đồng thuận của nhân dân “Khi triển khai những nội dung công việc tại cơ sở nói chung, Chương trình xây dựng nông thôn mới nói riêng, xã luôn chỉ đạo các thôn tổ chức họp thôn, lấy ý kiến từ người dân, tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân tham gia thảo luận, bàn bạc và tự quyết định mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng. Nhờ đó, nhận thức và sự đồng thuận của nhân dân được nâng lên rõ rệt, bà con nhân dân cùng góp công, góp sức với cấp ủy, chính quyền hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương. Ông Khơi cũng cho biết thêm kinh phí đầu tư xây dựng, các khoản thu, chi; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết... đều được niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, nhà văn hóa thôn và được tuyên truyền rộng rãi trên hệ thống loa truyền thanh của địa phương”.
Thôn Vĩ Kẽm, QK

Ông Nguyễn Trung Kiên - Phó Chánh Văn phòng nông thôn mới tỉnh cho biết “Giai đoạn 2021-2025 xây dựng nông thôn mới bền vững, thực chất đi vào chiều sâu, do vậy triển khai thực hiện từ cơ sở, tuyên truyền các địa phương đẩy mạnh công tác xây dựng thôn nông thôn mới, thôn kiểu mẫu, phấn đấu đến hết năm 2025 toàn tỉnh đạt  70% tổng số thôn NTM, trong đó 30% số thôn đạt chuẩn nông thôn mới hoàn thành “Kiểu mẫu”. Ông cũng nhấn mạnh việc xây dựng nông thôn mới lấy người dân làm chủ thể, chỉ khi nào người dân phát huy đầy đủ quyền làm chủ của mình, trực tiếp tham gia vào các khâu kiểm tra, giám sát, cũng như thực hiện xây dựng NTM thì đem lại hiệu quả thực sự. Người dân cần hiểu rõ quyền, lợi ích và nghĩa vụ thực hiện dân chủ của mình trong quá trình tham gia xây dựng NTM; góp phần bảo đảm cho quá trình xây dựng NTM thật sự công khai, minh bạch và hiệu quả.
z4226791134770 6aa08e6949295021e767e5b258065d4b


Với đích đến xây dựng bức tranh nông thôn mới tại Lào Cai hướng đến chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng giàu đẹp, lấy người dân làm chủ thể, phát huy quyền dân chủ của người dân, làm thay đổi tư duy, nếp sống của người dân, khuyến khích thúc đẩy các mô hình kinh tế gắn với phát triển hàng hóa theo chuỗi giá trị sản phẩm, tạo đột phá trong phát triển du lịch nông thôn, chú trọng các sản phẩm OCOP. Đồng thời xây dựng NTM cần gắn với việc tăng cường phát triển bền vững, giữ gìn và bảo vệ môi trường nông thôn, xây dựng môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Đăng Hoàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây