Nơi mùa Xuân đến sớm
- Thứ sáu - 12/01/2024 08:51
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chung sức, chung lòng
Chúng tôi về Sơn Hải vào những ngày nắng hanh hao. Đường nhựa phẳng lì, phố xá khang trang, các công trình sinh hoạt cộng đồng được kiến thiết hiện đại, chúng tôi thấy Sơn Hải mang dáng dấp của đô thị hơn là một địa phương chủ yếu sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi (chiếm 65%), nơi sinh sống của đồng bào thuộc 11 dân tộc: Dao, Tày, Nùng, Mông...
Sơn Hải hình thành vùng rau, quả sạch cho hiệu quả kinh tế cao.
Ông Bùi Quang Uyên, Chủ tịch UBND xã Sơn Hải, trải lòng: “10 năm trước khi hoàn thành các tiêu chí NTM, chính quyền địa phương và người dân Sơn Hải đã nỗ lực bắt tay xây dựng NTM nâng cao với việc áp dụng Bộ tiêu chí mới khắt khe hơn. Khi đó, Ban chỉ đạo (BCĐ) xã không khỏi âu lo. Tuy nhiên, Sơn Hải vẫn xác định, càng khó càng phải làm. Được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, huyện, các sở, ngành... thường xuyên hướng dẫn, giúp đỡ và tập trung các nguồn lực cho xã, chúng tôi có động lực để mạnh dạn thực hiện. BCĐ xác định, nhiều năm nay tuyên truyền vận động, cơ bản người dân đã hiểu rõ về chủ trương, chính sách xây dựng NTM. Nhưng để tìm ra cách nào, phương pháp nào hiệu quả thì các thành viên trong BCĐ, các lực lượng nòng cốt xã phải nghiên cứu thật kỹ thực tế của địa phương và tham khảo từ nhiều địa phương khác.
Với Sơn Hải, BCĐ họp các Bí thư chi bộ, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ... tìm hiểu, lắng nghe ý kiến, thống nhất từ tư tưởng đến hành động, chỗ nào dễ làm trước, chỗ khó làm sau và đề ra kế hoạch hành động. Đồng thời, tại cơ sở, người dân cũng được bàn bạc, thảo luận, cùng tham gia cách thức thực hiện và là người giám sát nên hầu hết rất đồng thuận, ủng hộ chủ trương, chính sách.
Nhờ phong trào hiến đất rầm rộ mà những con đường bê tông rộng đẹp nhanh chóng được hình thành.
Ông Bùi Quang Uyên cho rằng, để người dân thực sự đồng lòng là do phong trào “Tiên phong, đi đầu” trong các cán bộ, đảng viên ở địa phương như ông Nguyễn Tiến Toán, Chủ tịch MTTQ xã đã hiến 2.000m2 đất rừng và đất vườn của gia đình để mở rộng tuyến đường thôn Cánh Địa. Bà Nguyễn Tiến Minh, Bí thư Chi Bộ thôn Soi Chát tự nguyện đề xuất: “đường lấy tới đâu thì hiến tới đấy” nên bà hiến mấy trăm mét vuông đất khiến bà con trong thôn không còn ngần ngại hiến theo, con đường liên thôn được mở rộng từ 4m lên 7m hoàn thành nhanh chóng. Cả xã còn có 21 Bí thư Chi bộ, trưởng thôn và gần 20 cán bộ xã đi đầu làm gương hiến đất. Cách tuyên truyền bằng hành động đã thu phục được lòng dân, khiến bà con đồng thuận.
Bà Trần Thị Gái (thôn Cánh Địa) chia sẻ: “Con đường vào khu xóm có 100 hộ dân của chúng tôi trước đây mùa mưa lầy lội, xe cộ không vào được. Người dân đi làm đồng cũng rất vất vả. Khi xã họp bàn làm đường, bà con bảo nhau nhìn sang đường bê tông sạch đẹp thôn khác, thuận lợi lắm, chúng tôi rất ủng hộ. Gia đình tôi không có nhiều tiền, nhưng để đường bê tông nhanh hoàn thành, tôi đã bán cả trâu và nghé để ủng hộ làm đường giao thông”.
Cũng nhờ vậy mà tất cả các tuyến đường giao thông nông thôn của xã được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, đảm bảo xanh, sạch, đẹp. Trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, Nhân dân trên địa bàn xã đã đóng góp hơn 80.000m2 đất, đóng góp trên 2.200 ngày công lao động và nhiều tài sản, vật kiến trúc giá trị trên 11 tỷ đồng. Thực hiện bê tông xi măng 12,4 km đường trục thôn, liên thôn; bê tông xi măng và rải cấp phối 3km đường nội đồng; 100% kênh mương được kiên cố hóa; 7/7 thôn có hệ thống điện lưới quốc gia, có đường điện thắp sáng; là xã đầu tiên của huyện Bảo Thắng có Công viên văn hoá, thể thao…
Phát huy nội lực
Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Sơn Hải luôn đoàn kết một lòng xây dựng địa phương phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là phát triển kinh tế.
Chủ tịch UBND xã Bùi Quang Uyên nhận định, khi xã về đích NTM năm 2015, người dân cũng đã hiểu và có nền tảng về phát triển kinh tế - xã hội nên những năm qua các hộ sản xuất kinh doanh giỏi liên tục tăng. Người dân rất mong được phát triển kinh tế nên những chủ trương như: Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp hàng hóa, Nghị quyết 24, những chủ trương phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ đã thúc đẩy địa phương phát triển kinh tế. Xã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển những mô hình trang trại, chăn nuôi gia súc, gia cầm..., nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho người dân.
Một trong những ngôi nhà sạch - vườn đẹp ở Sơn Hải.
Trên địa bàn xã có 1 HTX sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang sản xuất và kinh doanh sản phẩm chuối ngự. Giải quyết việc làm thường xuyên cho 24 lao động với thu nhập bình quân 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm chuối ngự An Tiến được xếp hạng đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao.
Ngoài mô hình phát triển kinh tế về rau, cây ăn quả, Sơn Hải còn đẩy mạnh việc phát triển kinh tế nông thôn từ mô hình chăn nuôi gia cầm (gà thịt thương phẩm), quy mô 280.928 con/năm.
Toàn xã có hơn 90ha quế, 63 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, nhiều hộ được công nhận sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương.
Dẫn nước sạch về bản làng.
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã Sơn Hải đạt 66,21 triệu đồng/năm, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 4,08%, thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác đạt 108 triệu đồng/ha, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 97%; tỷ lệ hộ khá - giàu chiếm 44,56% số hộ trên địa bàn…
Bây giờ ở Sơn Hải, người dân tự nguyện đóng tiền thu gom rác thải. Việc phân loại rác vô cơ, hữu cơ và cách xử lý từng loại cũng được người dân chấp hành khá tốt. Việc sử dụng nước sạch, lắp đường ống dẫn cũng được bà con chủ động thực hiện. Người dân đã thực sự thay đổi từ trong nếp nghĩ đến việc làm và hành động.
Đứng trên con đường bê tông nội đồng tít tắp, tôi phóng tầm mắt chiêm ngưỡng màu xanh mơn mởn của rau vụ đông. Trên cánh đồng, bà con đang nhộn nhịp thu hái, tíu tít chuyển rau màu vụ đông lên những chiếc xe tải chờ sẵn ngay cạnh ruộng... mà thấy mùa Xuân như đã về.