Thẩm định công nhận nghề truyền thống tại huyện Bảo Yên
- Thứ ba - 16/04/2024 15:42
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày 10/4/2024, Chi cục Phát triển nông thôn Lào Cai phối hợp với Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Bảo Yên và các xã có nghề truyền thống tiến hành tổ chức thẩm định theo tiêu chí công nhận Nghề truyền thống.
Đoàn thẩm định nghề Đan lát truyền thống tại xã Nghĩa Đô
Tại các xã, đoàn đã được nghe báo cáo tóm tắt những kết quả về việc xây dựng các nghề truyền thống tại các xã Nghĩa Đô, Việt Tiến, Cam Cọn của huyện Bảo Yên. Theo đó, hiện nay trên địa bàn huyện có 04 nghề truyền thống là nghề Đan lát truyền thống dân tộc Tày xã Nghĩa Đô; Nghề làm cốm truyền thống dân tộc Tày xã Việt Tiến; Nghề Thêu dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Dao họ xã Cam Cọn; Nghề Chạm bạc truyền thống dân tộc Dao đỏ xã Cam Cọn.
Qua kiểm tra thực tế nghề truyền thống tại các xã cho thấy: Những nghề truyền thống này đã xuất hiện tại địa phương cách đây khoảng trên 50 năm; Các sản phẩm mang bản sắc văn hoá truyền thống của các dân tộc khác nhau như Tày, Dao, Dao đỏ; Nghề gắn với tên tuổi của làng nghề ở địa phương và hiện nay các hộ gia đình vẫn tiếp tục phát triển, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và số lượng sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, chỉ có nghề Chạm bạc truyền thống dân tộc Dao đỏ xã Cam Cọn là chưa đáp ứng được các tiêu chí công nhận theo quy định vì nghề không gắn với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi của làng nghề; nghề chỉ có 01 hộ tham gia chủ yếu nhập nhôm dẻo để làm đồ giả bạc, sản phẩm chủ yếu được đặt theo yêu cầu khách hàng.
Sau khi thẩm định hồ sơ và đi kiểm tra thực tế tại 04 nghề trên địa bàn 03 xã thuộc huyện Bảo Yên, đoàn đã thống nhất và tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để đề nghị Hội đồng xét duyệt xem xét và trình UBND tỉnh công nhận 03 nghề truyền thống trong thời gian tới, gồm: Nghề Đan lát truyền thống dân tộc Tày xã Nghĩa Đô; Nghề làm cốm truyền thống dân tộc Tày xã Việt Tiến; Nghề Thêu dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Dao họ xã Cam Cọn.
Với những nghề truyền thống đang được bảo tồn và phát triển trên địa bàn huyện Bảo Yên những năm qua, mong rằng sẽ nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành trong thời gian tới để các nghề truyền thống của huyện Bảo Yên nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung ngày càng phát triển bền vững, ổn định, nâng cao thu nhập cho nhân dân, góp phần bảo tồn các giá trị đặc sắc văn hóa của các địa phương trên địa bàn.