Nông thôn mới Lào Cai

http://nongthonmoilaocai.vn


Đến năm 2050 thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 85 triệu đồng/ người/năm

Đó là mục tiêu mà Đảng bộ tỉnh Lào Cai đã xác định trong Nghị quyết số 10-NQ/ TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, mục tiêu giai đoạn 2021-2025: Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất đạt khoảng 5,5%/năm. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp (theo giá so sánh 2010) đến năm 2025 đạt 12.000 tỷ đồng, tăng 3.300 tỷ đồng so với năm 2020. Tạo việc làm tăng thêm cho trên 16.000 lao động, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 35 triệu đồng/người/năm.

Giai đoạn 2026-2030: Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản  xuất đạt từ 6 - 7%/năm. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp (theo giá so   sánh 2010) đến năm 2030 đạt 16.000 tỷ đồng, tăng 4.000 tỷ đồng so với   năm 2025. Tạo việc làm tăng thêm cho 14.000 lao động, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 45 triệu đồng/người/năm.

Định hướng đến năm 2050: Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất khoảng 5%/năm. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp (theo giá so sánh 2010) đến năm 2050 đạt 23.000 tỷ đồng, tăng 7.000 tỷ đồng so với năm 2030. Tạo việc làm tăng thêm cho trên 7.000 lao động, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 85 triệu đồng/ người/năm.

Để đạt  được các mục tiêu đó cần thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Lĩnh vực trồng trọt: Duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành trồng trọt từ 4 - 5%/năm, giá trị sản xuất trồng trọt đến năm 2030 đạt 6.800 tỷ đồng, đến năm 2050 ước đạt 8.000 tỷ đồng. Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế từng vùng. Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Cơ cấu lại sản xuất trồng trọt theo 02 nhóm là nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm chủ lực địa phương gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Lĩnh vực Chăn nuôi: Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đến năm 2030 đạt trên 5.000 tỷ đồng, năm 2050 đạt khoảng 7.500 tỷ đồng. Vùng thấp đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp có quy mô lớn gắn với thu hút đầu tư chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm; chủ động sản xuất giống chất lượng cao; tập trung chuyển đổi hình thức chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại an toàn sinh học để hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hướng đến xuất khẩu; áp dụng công nghệ xử lý phế, phụ phẩm theo hướng nông nghiệp tuần hoàn. Vùng cao tập trung phát triển vật nuôi bản địa bảo đảm quy trình sản xuất an toàn, tổ chức quản lý theo cộng đồng tối thiểu từ cấp thôn, bản trở lên; xây dựng vùng giống bản địa an toàn dịch bệnh. Tăng cường chế biến các sản phẩm đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP phục vụ du khách và mở rộng thị trường.

Lĩnh vực Thủy sản: Phát triển thủy sản theo đối tượng nuôi bảo đảm phát huy lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Giá trị sản xuất ngành thủy sản đến năm 2030 đạt 1.400 tỷ đồng, năm 2050 đạt 3.000 tỷ đồng. Tiếp tục phát triển nuôi hiệu quả các đối tượng truyền thống và các loài thủy sản có giá trị kinh tế, cá đặc sản, cá nước lạnh gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao năng lực quản lý và sản xuất nuôi trồng thủy sản, sử dụng nguồn nước lạnh hiệu quả, an toàn dịch bệnh gắn với phát triển du lịch. Điều tra, đánh giá nguồn lợi, môi trường sống các loài thủy sản; bổ sung, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản trên các lưu vực sông, suối, hồ chứa; thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Lĩnh vực lâm nghiệp: Phát triển sản xuất lâm nghiệp, kinh tế   đồi rừng theo hướng bền vững. Tập trung quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn nước, tăng nguồn sinh thủy, bảo đảm các mục tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường. Điều chỉnh quy hoạch 03 loại rừng phù hợp với yêu cầu sản xuất; gắn bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai với phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững. Quản lý, bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên; phục hồi và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên để bảo tồn đa dạng sinh học. Hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cho thuê rừng gắn với cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, bảo đảm đủ các điều kiện để tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Vùng thấp, phát triển rừng trồng tập trung cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến lâm sản; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư vào phát triển rừng thông qua các cơ chế, chính sách khuyến khích về đất đai, tín dụng, thị trường. Đối với khu vực vùng cao, nghiên cứu lựa chọn các loại cây trồng bản địa, cây đa mục đích, phát triển lâm sản ngoài gỗ. Cơ giới hóa trồng rừng tập trung đạt trên 30% tại khu vực vùng thấp. Phấn đấu ít nhất 70% diện tích rừng được trồng từ giống cây lâm nghiệp đã được công nhận; phấn đấu có ít nhất 20% diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng bền vững, chứng chỉ hữu cơ vào năm 2025, đạt 35% vào năm 2030 và 70% vào năm 2050. Phát huy tối đa các dịch vụ lâm nghiệp, dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái, tín chỉ Các bon rừng... để tạo nguồn thu, tái đầu tư cho phát triển.

Tác giả bài viết: Kim Cúc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây