Ða dạng hóa nguồn lực
- Thứ hai - 03/07/2017 22:04
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thiếu vốn do tập trung xây dựng hạ tầng
Thôn Làng Cung, xã Phong Niên (Bảo Thắng) đang triển khai thi công 3,7 km đường bê tông theo chương trình nông thôn mới, tuy nhiên, qua thảo luận về mức đóng góp, nhân dân chỉ đăng ký làm 2,3 km vì nếu theo đúng kế hoạch sẽ phải đóng góp nhiều. Với 2,3 km đường đổ bê tông, trung bình mỗi nhân khẩu đóng góp 400.000 đồng, như vậy có hộ phải đóng vài triệu đồng - khoản tiền khá lớn so với thu nhập của các hộ dân nông thôn.
Năm 2017, xã Phong Niên đặt mục tiêu về đích nông thôn mới. Trong số các tiêu chí cần hoàn thành từ nay đến cuối năm còn một số tiêu chí cần nguồn vốn lớn, như giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, trường học… Riêng tiêu chí giao thông, xã Phong Niên phải hoàn thành 15,85 km đường bê tông và 10 km đường cấp phối, với kinh phí hơn 15 tỷ đồng, trong đó phần huy động từ nhân dân không nhỏ. Chủ tịch UBND xã Phong Niên Phạm Viết Hưng cho biết: Người dân đều đồng tình ủng hộ chủ trương xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên, không phải hộ dân nào cũng có điều kiện đóng góp kinh phí. Ông Hưng cho biết, nếu có cơ chế ứng một phần vốn cho doanh nghiệp thi công các công trình trên địa bàn để doanh nghiệp cho người dân nợ phần kinh phí thuộc về huy động sức dân thì sẽ bớt khó khăn hơn.
Thời gian qua, nguồn vốn chủ yếu để đầu tư xây dựng hạ tầng.
Khó khăn về nguồn vốn cũng đang khiến tiến độ hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở xã Lương Sơn (Bảo Yên) chậm hơn dự kiến. Đến hết tháng 4/2017, xã hoàn thành 16/19 tiêu chí, còn 3 tiêu chí chưa hoàn thành, gồm giao thông, thu nhập, môi trường và an toàn thực phẩm. Trong đó, để hoàn thành tiêu chí giao thông, nhân dân trong xã đang ứng vốn thi công trước 4 tuyến đường giao thông (bê tông xi măng), gồm tuyến Chiềng 3 dài 1,5 km, tuyến Chiềng 1 dài 1,9 km, tuyến Chiềng 2 - Vuộc dài 2,3 km, tuyến Phia 1 dài 1,2 km. UBND xã đã đề nghị tỉnh, huyện cho thi công và có cơ chế hỗ trợ xã hoàn thiện tuyến đường trục xã, đảm bảo 100% đường trục xã được cứng hóa theo tiêu chí; xin chủ trương cho phép ứng vốn thi công trước tuyến đường cấp phối Phia 2 - Sài 1...
Theo tổng hợp từ Văn phòng Điều phối nông thôn mới của tỉnh, trong 8 xã đăng ký về đích năm 2017, còn nhiều xã cần đầu tư nguồn lực lớn để hoàn thành các tiêu chí liên quan đến hạ tầng nông thôn. Ngoài 2 xã nói trên, xã Khánh Yên Hạ (Văn Bàn) còn 2 tuyến đường trục xã chưa hoàn thành; xã Mường Vi (Bát Xát) còn trường tiểu học và THCS, nhà văn hóa xã cần đầu tư xây dựng; xã Na Hối (Bắc Hà) cần đầu tư công trình cấp điện lưới quốc gia cho 2 thôn Chỉu Cái và Ly Chư Phìn; xã Võ Lao (Văn Bàn) còn 6 km đường trục thôn, 4 km đường nội đồng, khu thể thao xã cần đầu tư...
Tình hình chung ở các địa phương cho thấy, một trong những nguyên nhân khiến nguồn lực đầu tư thiếu hụt là do trong cơ cấu đầu tư xây dựng nông thôn mới, đa phần các xã đều tập trung vào xây dựng hạ tầng, ít chú ý đến đầu tư cho sản xuất và văn hóa.
Huy động tổng hợp các nguồn lực
Chính phủ đã đưa ra phương thức hướng dẫn là vốn đóng góp từ dân khoảng 10%, doanh nghiệp 20%, tín dụng 30% và ngân sách nhà nước 40%. Trong đó, giai đoạn đầu, vốn ngân sách đóng vai trò rất quan trọng, có ý nghĩa tạo đà và niềm tin để huy động các khoản đóng góp khác. Tuy nhiên, vốn ngân sách trung ương hiện còn rất thấp. Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, tổng kế hoạch vốn dự kiến thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2017 là 1.260,8 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương 188,9 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 335,1 tỷ đồng, vốn lồng ghép 392,7 tỷ đồng, vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân, nhân dân đóng góp 70 tỷ đồng; vốn khác (ODA, KoiCa…) 274 tỷ đồng. Kết quả giải ngân đến hết tháng 3/2017 là 78,1 tỷ đồng.
Căn cứ Quyết định phân bổ kinh phí của Trung ương (tổng kinh phí là 188,9 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển 156 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 32,9 tỷ đồng), Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 323/QĐ-UBND ngày 25/01/2017 về việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển kinh phí (156 tỷ đồng) cho các huyện, thành phố.
Đối với vốn sự nghiệp thuộc nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (32,9 tỷ đồng), Văn phòng Điều phối nông thôn mới đã phối hợp với Sở Tài chính và các ngành liên quan tham mưu để UBND tỉnh phân bổ; HĐND tỉnh đã có Văn bản số 15/HĐND-TT ngày 16/3/2017 về thỏa thuận thống nhất giao kế hoạch vốn sự nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Ông Bùi Công Khanh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới cho biết, nguồn vốn của trung ương ngày càng khó khăn, nhưng Lào Cai luôn chủ động thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn; huy động tối đa nguồn lực của địa phương để tổ chức triển khai chương trình. Từ năm 2017, thực hiện Quyết định số 1600/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã chỉ đạo để lại ít nhất 80% cho ngân sách xã số thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng hoặc cho thuê đất trên địa bàn xã để thực hiện nội dung xây dựng nông thôn mới…