Nông thôn mới Lào Cai

http://nongthonmoilaocai.vn


Ðổi thay Mản Thẩn

Xã Mản Thẩn được huyện chọn làm điểm trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2016, Mản Thẩn là xã đầu tiên của Si Ma Cai hoàn thành chương trình này.

Nỗ lực hoàn thành xây dựng nông thôn mới

Trước khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Mản Thẩn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Si Ma Cai. Xã có 7 thôn, bản với 360 hộ, gần 2.000 nhân khẩu là đồng bào Mông. Năm 2010, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, xã mới đạt 3/19 tiêu chí, trong đó tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 40%. Để về đích đúng thời hạn, cấp ủy đảng, chính quyền xã đã tổ chức nhiều cuộc họp, thống nhất và đưa ra các phương án, lộ trình xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, xã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ xã phụ trách từng thôn, bản; tổ chức ký giao ước thi đua xây dựng nông thôn mới giữa các thôn, bản; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, xã xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; huy động xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, nhất là trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng y tế, giáo dục, văn hoá; lồng ghép, bố trí, sử dụng hợp lý, hiệu quả, đúng mục đích các nguồn vốn và các Chương trình 135, 30a của Chính phủ. Cùng với đó, xã thực hiện phương châm “lấy sức dân để lo cho dân” và phát huy tốt quy chế dân chủ, công khai, minh bạch; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh những sai sót, qua đó tạo niềm tin trong nhân dân…
 

man than
Lãnh đạo xã Mản Thẩn kiểm tra vườn cây đương quy.

Sau 6 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, với sự quyết tâm, nỗ lực cao, xã đã huy động được nguồn lực trị giá trên 25 tỷ đồng, trong đó, người dân đóng góp trên 8,8 tỷ đồng. Xã đã đổ bê tông được 31 km đường liên xã, liên thôn; kiên cố hóa 16,8 km hệ thống thủy lợi, từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đúng tiến độ và chất lượng đạt chuẩn theo quy định. Trong sản xuất, được sự hỗ trợ giống, vật tư của Nhà nước và thông qua các lớp tập huấn, người dân chủ động áp dụng tiến bộ khoa học và chuyển đổi cây trồng năng suất cao; thâm canh cây tam thất, đương quy, rau an toàn và mở rộng chăn nuôi trâu, bò... Từ đó, thu nhập người dân ngày càng được nâng lên, năm 2016 đạt trên 22 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11%; có 3 trường học đạt chuẩn quốc gia; 7/7 thôn có điểm truy cập Intenet; 91% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; hệ thống tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh; quốc phòng, an ninh được giữ vững…

Điểm sáng trong duy trì các tiêu chí

Nói về việc duy trì bền vững các tiêu chí nông thôn mới, đồng chí Giàng Seo Châu, Chủ tịch UBND xã cho biết: Kinh tế của người dân Mản Thẩn chủ yếu vẫn phụ thuộc vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Trong khi đó, địa hình chia cắt, việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật chưa nhiều, vì thế, việc nâng cao thu nhập cho người dân gặp không ít khó khăn. Do đó, người dân càng phải nỗ lực và quyết tâm cao hơn.

Đưa chúng tôi đi trên con đường bê tông qua những cánh đồng chuẩn bị thu hoạch, Chủ tịch UBND xã Giàng Seo Châu giới thiệu: Quyết tâm nâng cao thu nhập của Mản Thẩn có thể kể đến như đưa giống lúa chất lượng cao Bắc thơm vào sản xuất  vụ mùa, với sản lượng bình quân trên 50 tạ/ha, cao hơn giống cũ 7 tạ/ha/vụ. Bên cạnh đó, người dân trồng rau an toàn với diện tích 30 ha tại các thôn Say Sán Phìn, Sảng Mản Thẩn, Chu Liền Chải, mang lại thu nhập cao hơn so với trồng ngô. Nhờ địa hình núi đá vôi xen đất bằng, khí hậu mát mẻ quanh năm phù hợp với cây dược liệu, người dân đã bỏ vốn đầu tư trồng và chăm sóc 4,2 ha cây tam thất và 3,5 ha cây đương quy ở các thôn Chu Lìn Chải, Sảng Mản Thẩn và Ngã Ba. Ngoài ra, người dân còn chủ động mở rộng quy mô chăn nuôi. Đến nay, tổng đàn trâu của xã trên 1.000 con, đàn lợn gần 3.000 con. Đây là nguồn thu nhập hiệu quả của các hộ dân, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân trên địa bàn.

Với hướng đi từ sản xuất nông nghiệp, Mản Thẩn hy vọng tạo được sinh kế bền vững và tăng thu nhập cho người dân địa phương, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Điều này khẳng định quyết tâm của chính quyền và người dân nơi đây trong xây dựng nông thôn mới bền vững, để Mản Thẩn luôn là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Si Ma Cai.

Nguồn tin: Báo Lào Cai

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây