Nông thôn mới Lào Cai

http://nongthonmoilaocai.vn


Độc đáo Chè Shan tím Mường Khương

Trên thị trường chè (trà) với phong phú về chủng loại, đa dạng về cách chế biến, có lẽ ít người biết đến chè Shan tím. Đối với những người trong ngành chè, đây có thể coi là một sản phẩm tuy “cũ mà mới”. “Cũ” bởi loại chè này vốn có từ lâu nhưng rất “mới” khi được chế biến thành một sản phẩm hàng hóa riêng biệt.
Chè Shan tím là một giống chè Shan, có nguồn gốc từ những cây chè cổ thụ trong rừng tự nhiên. Tuy nhiên, thay vì có những búp to màu xanh lục thì chè Shan tím có búp non màu tím (tía), lá nhỏ, nhiều răng cưa và rãnh sâu hơn so với chè Shan thường. Khi lá già hơn, màu tím giảm dần và ngả sang màu xanh đậm.
Tại Lào Cai, chè Shan tím được phát hiện rải rác, lẫn trong các nương chè Shan thường và được tìm thấy nhiều nhất tại khu vực xã Lùng Vai (Mường Khương). Đây cũng là một trong những địa phương đầu tiên nhân giống và đưa cây chè thành cây trồng hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
 
1 (6)
Chè Shan tím chủ yếu được thu hái tại xã Lùng Vai (Mường Khương).

Chị Vương Thị Mai, thôn Na Hạ, xã Lùng Vai cho biết: Tại thôn chúng tôi, đồi chè trồng năm 1973 chủ yếu là chè trung du, đồi chè trồng năm 1974, 1975 chủ yếu là chè Shan. Trên các nương chè Shan, thi thoảng xuất hiện những cây có búp màu tím rất lạ mắt. Chè Shan tím không có nhiều, chúng tôi vẫn thu hái lẫn với các loại chè khác chứ chưa tìm hiểu cụ thể về giống chè này.

Cũng theo chị Mai, cũng có những người tò mò về hương vị của những búp chè đặc biệt này nên đã chế biến riêng để uống thử. Kết quả cho thấy chè tím có màu sắc “không được đẹp lắm” vì không có màu nước xanh ngả vàng đặc trưng mà có màu hơi thẫm, vị chè tím đắng hơn so với chè thường, ngọt hậu. Có những người thích hương vị đặc biệt này vẫn thường hái chè tươi để hãm nước uống.

Theo anh Bùi Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, người từng thực hiện đề tài nghiên cứu về chè Shan tím thì vị đắng đặc trưng trong loại chè này xuất phát từ một số chất có khả năng chống oxy hóa thường có trong cây chè. Sở dĩ chè Shan tím có vị đắng hơn là bởi các thành phần này (nhất là hàm lượng Catechin) trong chè tím cao hơn so với chè thường khoảng 14%. Bởi vậy, chè Shan tím có thể khai thác để chế biến thành một loại trà đặc biệt có công dụng hỗ trợ sức khỏe cho người dùng.

Cũng theo ông Tuấn, chè Shan tím chưa được trồng thành vùng với quy mô tập trung (chỉ có một sản lượng nhỏ trồng và thu hái tập trung tại xã Lùng Vai). Người dân vẫn thường thu hái và bán lẫn loại chè đặc biệt này với các loại chè khác, chưa khai thác được tối đa giá trị của sản phẩm. “Hiện nay, chúng tôi đang tiến hành nhân giống để mở rộng diện tích trồng chè Shan tím trong thời gian tới. Chè Shan tím có thể được trồng tạo cảnh quan trong các điểm du lịch, kết hợp thu hái búp để chế biến các sản phẩm tốt cho sức khỏe người tiêu dùng” – ông Tuấn chia sẻ.

Thực hiện đề tài nghiên cứu về chè Shan tím, loại chè độc đáo này được nhân giống và trồng tập trung hơn 1 ha tại thôn Bản Làn, xã Lùng Vai. Kết quả nghiên cứu cho thấy chè Shan tím phù hợp với các nương chè có cao độ khoảng 500 m trở lên (so với mực nước biển). Dòng chè Shan tím lá nhỏ có hàm lượng Catechin cao nhất trong các dòng thử nghiệm. Theo kết quả phân tích của Viện Dược liệu (Bộ Y tế), về hàm lượng EGCG (Catechin là thành phần) của chè Shan tím lá nhỏ cao hơn chè thường. Đây là hợp chất có tác dụng chống oxy hóa rất cao, là căn cứ cho thấy sản phẩm này có tác dụng trong việc phòng chống oxy hóa, chống phóng xạ nguyên tử và ngăn ngừa ung thư như các nghiên cứu về hợp chất Cetachin.
 
2 (7)
Du khách trải nghiệm tại vườn chè Shan tím.

Hiện nay, bên cạnh việc chế biến thông thường, chè Shan tím lá nhỏ được Công ty TNHH MTV TraphacoSapa chế biến thành sản phẩm bột chè Shan tím (phun sương), phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Ông Đỗ Tiến Sỹ, Giám đốc Công ty cho biết: Doanh nghiệp chúng tôi quan tâm phát triển những sản phẩm có lợi cho sức khỏe. Với sản phẩm trà Shan tím, người tiêu dùng không đơn thuần là “thưởng trà” mà còn sử dụng sản phẩm bổ trợ cho sức khỏe. Tuy nhiên, vùng sản xuất chè Shan tím còn có quy mô quá nhỏ, sản lượng chè nguyên liệu không nhiều. Theo tôi, hoàn toàn có thể mở rộng diện tích chè để tạo vùng nguyên liệu phục vụ chế biến. Chè Shan tím là sản phẩm độc đáo, có thể phát triển các mô hình nông nghiệp gắn với trải nghiệm du lịch để nâng cao giá trị kinh tế từ loại chè này”.

Chè Shan tím hiện nay có quy mô sản xuất nhỏ trong khi có nhiều tiềm năng để phát triển. Cây chè được xác định là sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của tỉnh Lào Cai, việc khai thác được những ưu thế độc đáo của chè tím sẽ góp phần để đa dạng hóa các sản phẩm chè, đẩy mạnh khả năng chế biến sâu các sản phẩm từ chè trên địa bàn tỉnh.

Tác giả bài viết: Mai Dương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây