Nông thôn mới Lào Cai

http://nongthonmoilaocai.vn


Động lực giúp vùng cao Bắc Hà xóa nghèo bền vững

Khép lại năm 2019, huyện vùng cao Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, tất cả các chỉ tiêu của năm đều thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra, đáng chú ý nhất là tổng sản phẩm GRDP bình quân đầu người đạt 47,57 triệu đồng/ năm, bằng 158,5% kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 28,25% năm 2018 xuống còn 18,82%, giảm 9,43%, như vậy đã có gần 1000 hộ dân thoát nghèo, đã có điều kiện vui xuân, ăn tết nguyên Đán cổ truyền Canh Tý 2020 đầy đủ, ấm cúng hơn mọi năm...
Đóng góp vào thành công chung ấy, phải kể đến những nỗ lực tạo “bứt phá” của ngành Nông nghiệp huyện, bởi Bắc Hà là huyện vùng cao, thuộc diện khó khăn của tỉnh, đời sống của đại đa số người dân vẫn chủ yếu dựa vào sản xuất nông lâm nghiệp là chính.

Những kết quả đáng mừng.

Trao đổi cùng chúng tôi, Ông Nguyễn Xuân Giang- Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: “Năm 2019, Bắc Hà được mùa toàn diện với năng xuất và giá trị các loại cây trồng đều đạt cao. Các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng kinh tế, nuôi trồng thủy sản đều có những động thái phát triển. Đó là kết quả từ những nỗ lực phấn đấu trong thực hiện cơ cấu cây trồng hợp lý, điều chỉnh thời vụ kịp thời; Chú trọng áp dụng các biện pháp thâm canh tăng vụ, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, khuyến khích thu hút nhiều cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng xuất, chất lượng, giá trị sản phẩm”.
 
Cây dược liệu đang mở ra nhiều triển vọng thoát nghèo, làm giàu chính đáng cho bà con
Cây dược liệu đang mở ra nhiều triển vọng thoát nghèo, làm giàu chính đáng cho bà con
 
Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 36.234 tấn, vượt hơn 1000 tấn so với 2018, cao nhất từ trước đến nay. Các lĩnh vực phát triển cây ăn quả ôn đới (Mận, Đào, Lê); cây dược liệu địa phương cho thu nhập khá cao. Riêng cây ăn quả ôn đới được mùa, bà con thu hái trên 4000 tấn, mang về nguồn thu không nhỏ cho người dân địa phương. Hiện nay các diện tích cây ăn quả ôn đới đang được huyện chỉ đạo tiếp tục trồng mở rộng diện tích tại các khu vực có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, Sử dụng nguồn vốn  chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ bà con tại các xã nghèo, góp phần nâng cao “sinh kế”. Năm 2019, huyện trồng mở rộng được trên 110 ha cây ăn quả ôn đới với chủ yếu là cây lê xanh địa phương, mận Tả Van. Huyện cũng tái trồng lại những cây Mận Tam Hoa già cỗi, trồng thêm 23 ha Mận chín sớm có tác dụng giải vụ thu hoạch tại các xã Tà Chải, Na Hối, thị trấn Bắc Hà

Cây dược liệu được bà con rất tích cực, hăng hái tham gia các chương trình, dự án trồng Cát Cánh, Đương Quy cho thu nhập kinh tế cao, nổi bật là tại các xã khu vực thượng huyện như Tả Văn Chư, Bản Già, Lùng Cải.. đã, đang hình thành nên những cánh đồng dược liệu quý hiếm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra những triển vọng thoát nghèo, làm giàu chính đáng cho bà con. Còn với các cây đa dụng khác như cây quế, diện tích quế toàn huyện hiện nay có trên dưới 9.500 ha và đang được trồng mở rộng, thì được giá bán rất cao, mọi năm trung bình chỉ từ 32-38 nghìn đồng/kg, nhưng năm nay có thời điểm lên tới 63.000 đồng/kg, mang vể nguồn thu kỉ lục gần 300 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, đây là dấu hiệu “khởi sắc” rõ rệt với bà con vùng thấp của huyện, các xã Nậm Đét, Cốc Lầu, Cốc Ly, Bảo Nhai... Với diện tích chè, hiện nay đã phát triển ổn định, hình thành các vùng chè hàng hóa chất lượng cao, nổi bật nhất tại các xã Bản Liền, Tả Củ Tỷ. Sản phẩm Chè shan hữu cơ Bản Liền cũng vừa vinh dự được chứng nhận đạt chuẩn 5 sao cấp tỉnh, mở ra nhiều cơ hội mới nâng cao giá trị. Đến nay, huyện quan tâm định hướng bà con trồng dày lại mật độ để nâng cao hiệu quả sử dụng đất; Chăm sóc cây chè theo hướng hữu cơ, an toàn để hiệu quả kinh tế ngày càng cao. Cùng với đó, công tác trồng rừng kinh tế hiện nay cũng đang là một hướng đi phù hợp, giúp người dân Bắc Hà sớm thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng từ đồng đất quê hương, năm 2019 toàn huyện trồng mới được 454/250ha rừng, đạt 181% kế hoạch, chủ yếu là rừng quế và sa mộc, trong đó diện tích trồng quế mở rộng trên 255ha.

Về chăn nuôi, mặc dù có một số khó khăn nhất định, như từ tháng 9-11/2019, trên địa bàn huyện xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi, việc tăng đàn, phát triển đàn lợn chững lại, buộc phải tiêu hủy khoảng 33 tấn thịt lợn tuy nhiên huyện đã sớm dập được dịch hoàn toàn, công bố hết dịch, đảm bảo tốt nguồn cung hàng hóa thịt lợn dịp tết nguyên Đán Canh tý 2020. Mặt khác, huyện đã tập chung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng tổng đàn đại gia súc lớn như trâu, bò, ngựa; Thực hiện tốt các chính sách về hỗ trợ chăn nuôi đối với huyện 30A… Đến nay, bà con đã chuyển đổi nhận thức, từ chăn nuôi nông hộ, manh mún sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa tập chung, quy mô lớn hơn, khu vực Bắc Hà- Si Ma Cai hiện nay đang được xem như “sàn giao dịch Trâu” lớn của cả nước, do vậy lĩnh vực này hứa hẹn nhiều triển vọng…Với lĩnh vực phát triển chăn nuôi thủy sản, Bắc Hà cũng đã, đang tận dụng tốt điều kiện mặt nước tại các lòng hồ, nhất là lòng hồ thủy điện như Cốc Ly.. Với cá nước lạnh, hiện nay các xã khu vực thượng huyện như Tả Củ Tỷ, Lùng Cải đã phát triển cá hồi cá tầm, cá đặc sản, qua khảo sát, thấy hiệu quả kinh tế mang lại rất khả quan.

Nỗ lực tạo “bứt phá”

Ông Nguyễn Xuân Giang- trưởng phòng NN và PTNT huyện Bắc Hà cho biết thêm: Phát huy kết quả đạt được trong năm 2019, bước sang năm mới 2020, ngành nông nghiệp huyện xác định cần nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, góp phần hoàn thành, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bắc Hà khóa XXIII đã đề ra, trước tiên là việc ổn định sản xuất lương lực, đảm bảo an ninh lương thực, tiếp đó cần quan tâm nhiều hơn đến nâng cao giá trị sản phẩm thu được, lựa chọn phát triển các cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, phát huy được tiềm năng, lợi thế của từng xã và các khu vực trong huyện.

Những “khởi sắc” đến từ ngành nông nghiệp Bắc Hà, từ đôi bàn tay cần cù, siêng năng trong lao động, sản xuất của bà con nhân dân các dân tộc địa phương, từ sự sáng tạo, vượt khó của ngành Nông nghiệp… sẽ là những động lực, bước đệm quan trọng giúp ngành nông nghiệp huyện vùng cao Bắc Hà vững bước đi lên trên chặng đường đổi mới, để mỗi năm lại có thêm những mùa xuân no ấm, không ít những hộ dân thoát nghèo, để ngày tết cổ truyền đến với các gia đình thêm chọn vẹn, đủ đầy, ý nghĩa hơn từ những nỗ lực sau một năm phấn đấu, nỗ lực                                

Tác giả bài viết: Khuất Linh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây