Nông thôn mới Lào Cai

http://nongthonmoilaocai.vn


Hiệu quả các mô hình quần chúng bảo vệ an ninh trật tự

Lào Cai có vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng phía Tây Bắc Tổ quốc, gồm 08 huyện, 01 thành phố với 25 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 64,1%. Là tỉnh có tiềm năng về phát triển công nghiệp, du lịch và dịch vụ, cùng với việc xây dựng nông thôn mới đã góp phần đưa diện mạo tỉnh Lào Cai hôm nay có nhiều khởi sắc, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện và nâng cao; tình hình an ninh, trật tự được giữ vững ổn định.
Tuy nhiên, với đặc thù là địa bàn biên giới với 182,086km đường biên, cửa khẩu quốc tế Hà Khẩu và hàng chục lối mở với nước bạn Trung Quốc, có 2/3 số xã là vùng núi, tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn toàn tỉnh nói chung, tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số và khu vực giáp bên giới nói riêng có những diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo để tuyên truyền hoạt động đạo trái pháp luật, tuyên truyền lập “Nhà nước Mông”; các loại tội phạm ở nước ngoài và các địa phương khác câu kết với tội phạm hình sự trên địa bàn hoạt động gây án giết người, trộm cắp tài sản, mua bán người, buôn bán vận chuyển trái phép các chất ma tuý, tình trạng công dân xuất, nhập cảnh trái phép đi làm thuê thời vụ, phụ nữ đi Trung Quốc lấy chồng; các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, khiếu kiện... có chiều hướng gia tăng phức tạp.

 Xác định việc xây dựng các mô hình quần chúng bảo vệ an ninh trật tự là cơ sở, nền tảng quan trọng thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Lào Cai phát triển ngày càng sâu rộng, bền vững. Trong những năm qua, lực lượng Công an đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành Nghị quyết, kế hoạch, chương trình, văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong đó tập trung nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động phổ biến giáo dục pháp luật; chú trọng công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo phương châm tự phòng, tự quản, tự bảo vệ. Đến nay, sau hơn 10 năm tổ chức triển khai thực hiện công tác xây dựng mô hình tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: tính đến tháng 11/2021, đã xây dựng, nhân rộng và duy trì 69 loại mô hình, triển khai tại 1.370 điểm thôn, bản, khu dân cư, đơn vị, trường học; năm 2021, xây dựng mới 34 loại mô hình tịa 180 điểm, thanh loại 125 điểm; củng cố 1.311 Tổ, đội dân phòng, 1.214 Tổ ANND, 1.568 Tổ hòa giải, 1.626 Tổ liên gia tự quản, 122 Ban an ninh, trật tự. Một số mô hình mới, hoạt động hiệu quả ở cơ sở như: “Khu dân cư an toàn về PCCC”, “Trường học an toàn về ANTT”, “Cổng trường an toàn giao thông”, “Tổ tự quản về ANTT và phòng chống dịch Covid 19”... nhiều mô hình tổ chức quần chúng đã và đang tiếp tục được xây dựng, nhân rộng ra các cơ sở, địa bàn trong tỉnh và được nhiều địa phương trong cả nước học tập, nghiên cứu vận dụng, tiêu biểu như mô hình “Dòng họ tự quản”, mô hình “Thôn bản bình yên, gia đình hạnh phúc”, mô hình “Tổ tự quản đường biên, mốc giới”, mô hình “Năm không, ba quản”... Các mô hình được xây dựng đáp ứng nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, phù hợp với tình hình thực tiễn ở từng địa bàn; giải quyết được nhu cầu, lợi ích chính đáng của nhân dân; tên mô hình, nội dung mô hình, quy ước, quy chế dễ hiểu, dễ nhớ, tạo sức lan tỏa rộng khắp.
 
728469e359dc9382cacd
Lễ ra mắt mô hình khu dân cư đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ
 
Một trong những điểm sáng về mô hình tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Lào Cai đó là mô hình “Tổ tự quản đường biên mốc giới” được triển khai tại các địa bàn các xã biên giới thuộc các huyện Bát Xát, Mường Khương. Từ khi mô hình ra mắt và đi vào hoạt động đã góp phần làm chuyển biến về nhận thức của các tầng lớp nhân dân, các hộ gia đình trong khu vực biên giới đã phát huy tinh thần làm chủ tham gia tự quản về an ninh, trật tự, tích cực đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, chủ động giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh, giữ vững an ninh, trật tự khu vực biên giới. Các Tổ tự quản phối hợp với lực lượng dân quân và nhân dân các xã biên giới tham gia các hoạt động tuần tra, phát quang đường biên giới, cột mốc, vận chuyển vật liệu xây dựng hệ thống mốc quốc giới, các biển báo, công trình trong khu vực biên giới; tăng cường phối hợp giữ vững trật tự, trị an trên biên giới hai nước, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi xuất, nhập cảnh trái phép; bảo vệ đường biên, mốc quốc giới luôn được nguyên trạng; nhân dân hai bên biên giới thường xuyên phối hợp duy trì, bảo vệ an ninh biên giới, không để xảy ra tranh chấp, mất đoàn kết. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, quần chúng nhân dân khu vực biên giới đã cung cấp trên 1000 nguồn tin có giá trị phục vụ cho việc đề ra các đối sách kịp thời xử lý, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả các hoạt động của địch và các loại đối tượng ở khu vực biên giới, vi phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong khu vực biên giới.

Mô hình “Dòng họ tự quản” cũng là một đặc trưng tiêu biểu trong các mô hình tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Với đặc thù là địa bàn tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, các dòng họ luôn có tính cộng đồng, kế thừa, phát triển từ đời này qua đời khác, có sự ràng buộc, tôn kính lẫn nhau. Từ đặc điểm đó, mô hình “Dòng họ tự quản” ra đời, được điều chỉnh bằng hương ước, quy ước trong dòng họ; hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 107 điểm mô hình “Dòng họ tự quản”, một số dòng họ là những điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc như “Dòng họ Lục tự quản về an ninh, trật tự” xã Bản Lầu, huyện Mường Khương; Dòng họ Vàng tự quản về an ninh, trật tự xã Quang Kim, huyện Bát Xát... 

Với những mô hình thiết thực, hiệu quả và cách thức triển khai đúng hướng, có thể thấy, các mô hình quần chúng bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh đã đạt được những thành công đáng kể. Kết quả từ thực hiện các mô hình sẽ là nguồn sức mạnh tổng hợp xây dựng thế trận an ninh liên hoàn chống lại mọi dấu hiệu, hành vi phạm tội, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân cũng như tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tác giả bài viết: Ngọc Hùng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây