Nông thôn mới Lào Cai

http://nongthonmoilaocai.vn


Hiệu quả công tác giảm nghèo ở Mường Khương

Mạnh mẽ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đưa cây trồng mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, hình thành vùng chuyên canh với quy mô hàng hoá, dẫn dắt người nông dân thích ứng với nền kinh tế thị trường… đó là những cách làm hay của Mường Khương trong giải bài toán giảm nghèo cho người dân.
Từ tỷ lệ hộ nghèo trên 60% năm 2015 đến nay giảm còn 26%, thu nhập đầu người năm 2019 đạt 28,7 triệu đồng/người/năm, tăng gấp đôi so với năm 2015 là những con số ấn tượng của xã Nậm Chảy. Có được kết quả trên là nhờ cấp ủy đảng, chính quyền xã đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tích cực vận động nhân dân tái cơ cấu ngành nông nghiệp bằng cách đưa những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Xã chỉ đạo, vận động các thôn chuyển đổi diện tích trồng ngô, lúa nương, vườn tạp kém hiệu quả sang trồng cây ăn qủa như chuối, quýt, cam... Hiện vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hoá của xã đã hình thành với trên 350 ha chuối, 53,6 ha quýt, hơn 10 ha cam, 22 ha thảo quả, 350 ha sa nhân… Bên cạnh đó còn một số cây mới được đưa vào trồng như cây ba kích tím, cây bơ hiện đang sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn đem đến triển vọng trong tương lai gần.
 
1 (6)
Người dân xã Thanh Bình thu hái chè
 
Về chăn nuôi, nhờ được hỗ trợ về con giống, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi lợn đen bản địa, chính quyền xã khuyến khích nhân dân đầu tư chuồng trại, duy trì diện tích trồng ngô và rau xanh hợp lý làm thức ăn. Hiện nay, tổng đàn lợn đen của xã đạt trên 1.500 con, nhiều hộ đã có nguồn thu ổn định từ chăn nuôi.

Trao đổi với chúng tôi, ông Tẩn Khái Phủ, Chủ tịch UBND xã Nậm Chảy cho biết: Nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân là vấn đề cốt lõi và là bài toán khó nhất đối với cấp uỷ, chính quyền địa phương. Đây cũng là ưu tiên trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới của xã. Cùng với vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với quy mô hàng hóa, thì việc sản xuất theo nhu cầu của thị trường cũng được chú trọng. Xã chủ động liên hệ với các ngân hàng trên địa bàn huyện giúp các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ mới thoát nghèo vay vốn phát triển sản xuất. Ngoài ra chính quyền xã còn chỉ đạo cán bộ chuyên môn và các tổ chức hội, đoàn thể trực tiếp hướng dẫn người dân lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế, từ đó nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.

Còn tại xã Thanh Bình, địa phương được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, những vùng sản xuất chuyên canh với quy mô hàng hoá từ chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã được hình thành rõ nét và mang lại hiệu quả. Hiện toàn xã có diện tích chè trên 571 ha, diện tích chuối 107 ha, quýt 20 ha, mía 30 ha… Nhờ đó đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt  31,5 triệu đồng, tăng 21,5 triệu đồng so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 65,16% năm 2015 xuống còn 9,7% năm 2019. Tổng sản lượng lương thực có hạt hết năm 2019 đạt 2.602 tấn, bình quân đầu người đạt 738,7kg/người/năm. Sự khấm khá của người dân hiển hiện rõ trong từng ngõ, xóm, từng hộ gia đình.

Để thực hiện được mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện Mường Khương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, huyện tập trung chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cảnh hai lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt. Chú trọng kết hợp tiềm năng, thế mạnh của địa phương với nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh để tìm ra hướng đi với từng cây trồng, vật nuôi, đảm bảo sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương cho biết, những năm qua sản xuất nông nghiệp của địa phương đã từng bước xóa bỏ tập quán manh mún bằng việc xây dựng được các vùng sản xuất chuyên canh như: Vùng trồng chè 3.171 ha, giá trị sản lượng ước đạt trên 80,7 tỷ đồng/năm; diện tích trồng chuối trên 1.300 ha, giá trị sản lượng ước đạt 166,8 tỷ đồng/năm; diện tích quýt 653 ha, ước giá trị sản lượng đạt 30,3 tỷ đồng/năm; diện tích dứa 786 ha, giá trị sản lượng ước đạt 63,8 tỷ đồng/năm; diện tích ớt 200 ha, giá trị sản lượng ước đạt 25 tỷ đồng/năm… Những thành công trên đã giúp tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 giảm 7,89%, vượt 43% kế hoạch, hiện số hộ nghèo của huyện còn dưới 20%, trên địa bàn chỉ còn 1 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 40% (xã Tả Thàng); thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 27,8 triệu đồng, tăng hơn 14 triệu đồng so với năm 2015.

Gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, huyện đã thực hiện nhiều chính sách thu hút các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, bao tiêu, chế biến sản phẩm. Hiện trên địa bàn có 2 doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè cho nông dân (một tại xã Thanh Bình và một tại xã Cao Sơn); toàn huyện có 21 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn; trong năm 2020, sẽ có thêm 2 doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ chè được xây dựng tại xã Lùng Vai và Tả Thàng; một nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu (chủ yếu sản phẩm chuối, dứa, quýt..) tại xã Bản Lầu … góp phần nâng cao giá trị nông sản, giúp người dân yên tâm sản xuất.

Năm 2020, huyện Mường Khương phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 6%/năm trở lên, riêng các xã đặc biệt khó khăn phấn đấu giảm trên 9%. Để đạt được mục tiêu này, cùng với thực hiện hiệu quả các chính sách, dự án giảm nghèo, huyện yêu cầu các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương thực hiện rà roát, nắm rõ nguyên nhân nghèo của từng hộ, từ đó đưa ra giải pháp cụ thể, hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất; đồng thời chú trọng công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, lao động thuộc hộ nghèo, để công tác giảm nghèo thực sự bền vững.

Tác giả bài viết: Kim Thoa - Báo Lào Cai

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây