Nông thôn mới Lào Cai

http://nongthonmoilaocai.vn


Hội nghị đánh giá kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững 6 tháng đầu năm 2021.

Sáng ngày 07/7, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tỉnh đã tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững 6 tháng đầu năm 2021.
Đồng chí chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tỉnh chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị còn có các thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tỉnh và Ban Chỉ đạo của 09 huyện, thị xã, thành phố tại 09 điểm cầu.

SAM 0689
Quang cảnh hội nghị

Trong 6 tháng qua, Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp đã tập trung thể hiện quyết tâm chính trị cao, chỉ đạo quyết liệt triển khai Chương trình một cách toàn diện, đồng bộ, lồng ghép các chương trình, dự án một cách hợp lý tạo hiệu quả trong đầu tư, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã đăng ký về đích nông thôn mới năm 2021. Công tác tuyên truyền được quan tâm, đẩy mạnh. Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” tiếp tục được đông đảo các tầng lớp tích cực hưởng ứng, phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục trở thành một phong trào thi đua với khí thế mạnh mẽ. Trong 6 tháng đầu năm 2021, UBND tỉnh đã công nhận 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 04 xã so với năm 2020, đạt 26,6% kế hoạch năm. Đến nay, toàn tỉnh đã có 61/127 xã duy trì và công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 01 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao. Bình quân tiêu chí đạt 15,49 tiêu chí/xã (theo đánh giá của các huyện, thị xã, thành phố), tăng 0,24 so với năm 2020, đạt 24% kế hoạch năm. Công nhận thêm 07 thôn kiểu mẫu, 03 thôn nông thôn mới; lũy kế đến nay toàn tỉnh công nhận được 141 thôn kiểu mẫu, 126 thôn nông thôn mới.
  
Đối với công tác giảm nghèo, theo báo cáo của các huyện, thành phố, thị xã, ước 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh giảm 2.619 hộ nghèo, tương ứng tỷ lệ giảm nghèo là 1,5%/3%, đạt 50% kế hoạch năm; số hộ nghèo còn lại 11.703 hộ, chiếm 6,7% so với tổng số hộ trên địa bàn. Ước 6 tháng cuối năm 2021, toàn tỉnh giảm 5.238 hộ, tỷ lệ giảm nghèo là 3%, đạt 100% kế hoạch năm.
 
Bên cạnh các kết quả tích cực đã đạt được vẫn còn những khó khăn, tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới 6 tháng đầu năm 2021. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên việc phát động các phong trào thi đua tại các địa phương được tổ chức với quy mô nhỏ, chưa sôi nổi. Nguồn vốn phục vụ cho Chương trình MTQG cho năm 2021 và cả giai đoạn chưa được phê duyệt, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh. Vẫn còn một số ít cấp ủy, chính quyền, một bộ phận người dân chưa nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước.
 
Tại Hội nghị các đại biểu cũng tập trung thảo luận các khó khăn khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực II, khu vực III, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, theo đó nhiều chính sách khi các xã đạt chuẩn nông thôn mới không được hỗ trợ sẽ tác động rất lớn đến người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các khu vực này.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường nhấn mạnh: trong thời gian tới, việc đánh giá các xã hoàn thành nông thôn mới phải nghiêm túc, không chạy theo thành tích; cần nghiên cứu, có cách làm mới, mang tính đột phá. Cần nghiên cứu cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ cho 61 xã đã đạt chuẩn, để các xã này “không bị bỏ lại phía sau”. Ưu tiên hàng đầu là đảm bảo thu nhập cho người dân trong đó chú trọng công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Tiếp tục đẩy mạnh phát động các phong trào thi đua trong xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng, trong đó tập trung vào 4 nội dung: Đường giao thông, điện lưới, viễn thông, nhà ở dân cư. Về nguồn lực đầu tư, tỉnh chỉ quản lý về đầu danh mục, còn ngân sách do các huyện trực tiếp quản lý, triển khai và chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư. “Trong điều kiện các chính sách của Trung ương thay đổi, nguồn lực hỗ trợ bị cắt giảm, chúng ta cần xác định phải tự chủ, tự khắc phục, tự vươn lên để triển khai thực hiện”.

Tác giả bài viết: Đình Thuận

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây