Khắc phục khó khăn trong xây dựng nông thôn mới
- Thứ năm - 09/02/2023 15:00
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chủ động gỡ khó
Năm 2022 là năm đầu tiên triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn của Trung ương về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Để tháo gỡ khó khăn và chủ động trong việc hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn cho giai đoạn tới, với tinh thần chủ động, không chờ đợi, UBND tỉnh, Thường trực UBND tỉnh sớm ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện chương trình, đồng thời bổ sung, hoàn thiện các kế hoạch cho phù hợp với các hướng dẫn của Trung ương. Trong đó có Kế hoạch 283/KH-UBND ngày 15/8/2022 về việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2022, Kế hoạch 282/KH-UBND ngày 15/8/2022 về triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2022-2025; Ban hành Bộ tiêu chí nông thôn mới cấp xã, thôn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2022-2025; căn cứ vào nguyên tắc phân bổ vốn ngân sách trung ương, UBND tỉnh Lào Cai đã xây dựng kế hoạch phân bổ nguồn vốn triển khai thực hiện chương trình cho các địa phương năm 2022 và giai đoạn 2022-2025 theo quy định.
Công tác kiện toàn bộ máy tham mưu giúp việc để triển khai chương trình ở các cấp được khẩn trương thực hiện. Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh (Ban Chỉ đạo tỉnh) phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố; đồng thời chỉ đạo cơ quan thường trực, các sở, ban, ngành phụ trách các chỉ tiêu, tiêu chí thường xuyên kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình tại địa phương, xây dựng kế hoạch và tổ chức phát động phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững năm 2022, tạo sự đồng thuận, tinh thần tích cực trong Nhân dân, góp phần triển khai thực hiện chương trình hiệu quả; chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra sát sao việc thực hiện chương trình tại các xã, đề xuất các danh mục đầu tư công trình hạ tầng cơ sở; duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã hoàn thành, chỉ đạo quyết liệt đối với các xã phấn đấu hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới và xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh thông tin: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh nên việc triển khai các văn bản, quy định hướng dẫn của Trung ương kịp thời, tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện chương trình tại cơ sở. Đặc biệt, tỉnh Lào Cai được Trung ương đánh giá là địa phương đầu tiên ban hành Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp và các quy định, hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.
Các địa phương nỗ lực triển khai nhiệm vụ
Xác định xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, vì vậy, Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Bảo Thắng lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra mục tiêu "Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lấy phát triển nông, lâm nghiệp xây dựng nông thôn mới là trọng tâm" và phấn đấu đến năm 2025, huyện có ít nhất 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, huyện Bảo Thắng đạt chuẩn huyện nông thôn thôn mới nâng cao. Năm 2022, huyện Bảo Thắng tiếp tục đẩy mạnh các phong trào trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt, tổ chức tuyền truyền, phát động phong trào mở rộng đường, làm đường điện, đường hoa với khẩu hiệu "Đường rộng sáng điện nhiều hoa, nhân dân đồng lòng, nông thôn phát triển", "Đường rộng hè thoáng văn minh, xóm, thôn không rác nhà nhà chung tay"; duy trì tổng vệ sinh môi trường định kỳ vào ngày thứ Bảy tuần cuối cùng hằng tháng; chung sức xây dựng nông thôn mới. Phong trào mở rộng nền đường giao thông nông thôn từ 4m lên 6m được Nhân dân tích cực hưởng ứng và đã thực hiện được 117 km.
Năm 2022, mặc dù huyện Bảo Yên không có xã đạt chuẩn nông thôn mới, thôn nông thôn mới, thôn kiểu mẫu (do nhiều chỉ tiêu và tiêu chí nâng cao hơn so với trước) , nhưng Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào được cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia bằng các hành động, việc làm cụ thể và bước đầu đạt được một số kết quả tích cực. Tổng số ủng hộ xây dựng nông thôn mới quy ra tiền đạt trên 20 tỷ đồng, Nhân dân hiến 597.325 m2 đất để thi công các công trình hạ tầng nông thôn và tham gia 14.285 công ngày công lao động. Năm 2022, toàn huyện nâng cấp chất lượng nhà ở chưa đạt chuẩn được trên 300 nhà và xây dựng được 410 nhà tiêu hợp vệ sinh, 31 chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, 272 hố thu gom, xử lý rác thải gia đình, 17,7 km đường hoa nông thôn, 25,67 km đường thắp sáng làng quê.
Cũng trong năm qua, huyện Bảo Yên chỉ đạo tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật gắn sản xuất với thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; xây dựng và tham gia chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ nông sản gắn với thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm”. Trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa như: Vùng quế với trên 24.347 ha, vùng chè trên 559 ha, cây hồng không hạt 142,1 ha, thanh long ruột đỏ 26,6 ha, bưởi 45,2 ha… Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2022 đạt 40,19 triệu đồng/người/năm, tăng bình quân 4,07 triệu đồng/người/năm so với năm 2021.
Là một trong ba huyện nghèo theo Nghị quyết 30a, Bắc Hà xác định để hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, nhu cầu về vốn là rất lớn nên huyện đã thực hiện lồng ghép hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới với các chương trình mục tiêu quốc gia. Từ nguồn lực đầu tư, các xã trên địa bàn huyện đang dần hoàn thiện mạng lưới giao thông nông thôn, trường lớp học và phát triển mạnh kinh tế du lịch, nông - lâm nghiệp.
Có thể thấy, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước, song xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương của tỉnh vẫn luôn nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra.
Đến nay, toàn tỉnh có 62 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã nông thôn mới nâng cao, 237 thôn thôn kiểu mẫu, 177 thôn nông thôn mới, trong đó có 20 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới thuộc 11 xã đặc biệt khó khăn miền núi và biên giới.
Năm 2023, tỉnh Lào Cai phấn đấu có thêm 10 xã được công đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới lên 72/127 xã; phấn đấu có thêm 6 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao lên là 10/72 xã; phấn đấu có thêm 40 thôn nông thôn mới, 16 thôn kiểu mẫu.
Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các giải pháp của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của Nhân dân, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục gặt hái được những kết quả quan trọng, hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra trong năm 2023, để nông thôn Lào Cai ngày càng đổi mới và phát triển bền vững.