Nông thôn mới Lào Cai

http://nongthonmoilaocai.vn


Khó khăn trong thực hiện tiêu chí Văn hóa trong xây dựng nông thôn mới

Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM), văn hóa giữ vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Xây dựng tiêu chí văn hóa trong NTM không đơn thuần chỉ là đầu tư xây dựng cở sở vật chất văn hóa khang trang, rộng hơn, mà phải kết hợp với xây dựng con người mới trong xã hội NTM. Xây dựng văn hóa NTM chính là kế thừa và phát huy những tinh hoa văn hóa dân tộc trong cuộc sống hiện đại, mọi công việc tiến hành đều phải bảo đảm bộ mặt văn hóa, hồn cốt của bản làng vùng cao Tây Bắc Việt Nam trải qua hàng nghìn năm lịch sử.
Truyền dạy nghề thêu thổ cẩm của phụ nữ người dân tộc Hà Nhì tại nhà Văn hóa thôn Choẳn Thèn – xã Ý Tý – huyện Bát Xát
Xong thực tế ở các xã vùng nông thôn, thuộc các huyện hiện nay đa số chỉ còn người già, phụ nữ và trẻ em ở nhà, trong khi lớp trẻ đi làm ăn xa, đã và đang bị du nhập từ nhiều nguồn “văn hóa lai căng”, hương ước thôn, xã bị xem nhẹ… Vì vậy,  xây dựng đời sống văn hóa dựa trên nền tảng truyền thống trở nên vô cùng cấp thiết. Tuy những năm qua tỷ lệ gia đình văn hóa luôn được nâng lên cả về chất lượng và số lượng giai đoạn 2011 – 2018 có 58 xã/143 xã đạt chuẩn tiêu chí số 16 Văn hóa  (đạt 41%), trong đó có 45 xã hoàn thành chương trình xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững.

Tuy đạt được kết quả tích cực như trên xong với 1.336 nhà văn hóa thôn, bản trên 1.530 thôn (chiếm 87,3% thôn có nhà văn hóa)  nhiều nhà văn hóa ít khi hoạt động và thường khóa cửa… phần lớn thời gian thì “nằm im”, sân nhà văn hóa trở thành nơi thả trâu bò, tập kết vật liệu xây dựng,  tập kết các sản phẩm nông sản… Có nhiều lý do để giải thích viếc quản lý, tổ chức hoạt động kém hiệu quả trên 700 nhà văn hóa cộng đồng khu dân cư, trong đó trên 300 nhà không đạt chuẩn về diện tích và quy mô xây dựng theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trên 400 nhà chưa được cấp trang thiết bị âm thanh, hoặc cấp từ năm 2010 trở về trước đã bị xuống cấp, hỏng không sử dụng được, phần lớn số người trong độ tuổi lao động đi làm ăn sa dài ngày, không cư trú thường xuyên ở địa phương, một số địa phương chỉ quan tâm xây dựng quy mô to đẹp, nhưng không chú ý nội dung hoạt động bên trong, trang thiết bị…, chỉ lo cái vỏ để chạy theo thành tích. Nội dung hoạt động của các nhà văn hóa còn rất nghèo nàn, kém hấp dẫn. Bên cạnh đó, do đội ngũ cán bộ văn hóa xã còn thiếu và yếu, chủ yếu sử dụng cán bộ kiêm nhiệm trái ngành nghề, không sáng tạo được những hoạt động phong phú, gần gũi cuộc sống, được người dân yêu thích…
 
image005
Nhà văn hóa – khu thể thao thôn Cô Đông – xã Dền Thàng – huyện Bát Xát

Trong khi đó, nguồn kinh phí cho hoạt động văn hóa rất eo hẹp, các trung tâm văn hóa, thể thao ở cấp xã phụ thuộc vào điều kiện khả năng thu ngân sách của địa phương. Nguồn tài chính hoạt động ở các nhà văn hóa, thể thao thôn, bản chủ yếu do nhân dân đóng góp. Như vậy, khi xây dựng thiết chế văn hóa nông thôn mới, bên cạnh việc xây dựng cơ sở vật chất, phải tiến hành đồng thời việc đầu tư, xây dựng bộ máy, con người, trang thiết bị để vận hành thiết chế đó có hiệu quả.

Nhân tố quyết định trong xây dựng nông thôn mới, văn hóa là một trong những tiêu chí khó khăn nhất. Nhận thức về văn hóa và tiêu chí về văn hóa của một số cán bộ, người dân nhiều nơi còn đơn giản, phiến diện, dẫn đến cách làm việc không đúng, một số Ban chỉ đạo ở địa phương chưa thật sự quan tâm đến thực hiện tiêu chí văn hóa nông thôn mới, chưa huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, có những biểu hiện giao khoán cho các cơ quan chức năng. Việc đầu tư kinh phí cho các hoạt động quản lý, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào ở địa phương còn ít so với yêu cầu thực tế. Công tác tuyên truyền, vận động ở địa phương còn yếu, chưa phát huy được ý thức tự nguyện, tự giác, chưa thay đổi được nhận thức của các tầng lớp nhân dân, nhất là nhận thức về quyền lợi của người dân sẽ được hưởng, khi triển khai xây dựng văn hóa NTM. Còn nhiều biểu hiện chạy theo thành tích, “háo danh”.

Điều quan trọng là lãnh đạo một số địa phương chỉ lo về hình thức, bề nổi trong xây dựng NTM, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng trụ sở, đường sá, cầu cống, mà quên đi cải tạo nâng cấp và xây dựng mới các công trình văn hóa, nếu có chỉ tập trung xây cái vỏ thật to, không đầu tư kinh phí và con người cho nó hoạt động. Việc lập quỹ đất cho các công trình văn hóa, thể thao ở  nông thôn vùng cao không dễ dàng, do quy đất bị hạn chế, địa hình bị chia cắt, nhiều đá…., thực tế cho thấy, ở nơi nào có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương thì văn hóa mới có cơ hội phát triển.

Trước  những khó khăn, tồn tại trên tỉnh Lào Cai đã đề ra những chính sách về hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng khu dân cư trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016 – 2020, ban hành quy chế Tổ chức hoạt động và quản lý nhà văn hóa cộng đồng khu dân cư trên địa bàn tỉnh Lào Cai… Để thực hiện tiêu chí về Văn hóa thật sự hiệu quả, thời gian tới, tiếp tục cần đến những nỗ lực vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhân dân địa phương./.

Tác giả bài viết: Phạm Thanh Đồng – Sở VHTT&DL Lào Cai

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây