Nông thôn mới Lào Cai

http://nongthonmoilaocai.vn


Khơi dậy sức dân

Bảo Yên với những cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tế, đã khơi dậy sức dân để tạo nên phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới sôi nổi, rộng khắp.

5 thôn hỗ trợ 1 thôn

Nhà văn hóa thôn Khuổi Vèng vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng, không chỉ đáp ứng địa điểm tổ chức các cuộc họp của thôn, mà còn trở thành nơi lý tưởng cho các hoạt động sinh hoạt cộng đồng của bà con trong thôn. Bí thư Chi bộ Khuổi Vèng, ông Hoàng Văn Sổ cho biết, đây là nhà văn hóa rộng nhất xã Vĩnh Yên đến thời điểm này, điều đặc biệt ở chỗ, ngoài nguồn kinh phí do bà con trong thôn đóng góp và tham gia công lao động, nhà văn hóa còn được hỗ trợ 20 triệu đồng từ quỹ nông thôn mới của xã.
 

NT11 1
Người dân thôn Chiềng 3 (xã Lương Sơn) vui mừng về thành quả xây dựng nông thôn mới.

Cùng với thôn Khuổi Vèng, từ đầu năm đến nay, quỹ nông thôn mới xã Vĩnh Yên đã hỗ trợ làm nhà văn hóa cho 4 thôn khác gồm: Khuổi Phường, Tổng Kim, Nà Pồng, Tạng Què. Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Yên Nguyễn Sỹ Hồng cho biết: Quỹ nông thôn mới được xã khởi động cách đây 2 năm, vừa thực hiện, Đảng ủy, chính quyền xã vừa lắng nghe ý kiến nhân dân để điều chỉnh một số điểm chưa hợp lý, đến nay việc huy động quỹ đã cơ bản ổn định và được nhân dân đồng thuận cao. Theo đó, hằng năm mỗi người dân trong độ tuổi lao động trên địa bàn xã sẽ đóng góp 50.000 đồng vào quỹ, tiền thu được sẽ chuyển về xã quản lý. Khi có công việc cần thiết, UBND xã sẽ trình ra HĐND xin ý kiến để chi tiêu. Năm 2016, Quỹ nông thôn mới của xã thu được 90 triệu đồng.

Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Sỹ Hồng chia sẻ, trong điều kiện nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước gặp nhiều khó khăn và thiếu kịp thời như hiện nay, cấp ủy đảng, chính quyền xã cũng rất trăn trở việc huy động sức dân sao cho hợp lý và qua thời gian thực hiện Quỹ nông thôn mới được nhân dân ủng hộ thì thực sự đáng mừng. Quỹ nông thôn mới do xã quản lý, nhưng tất cả các khoản thu chi đều được công khai cho nhân dân biết và quan trọng nhất là đều dùng vào những công trình phục vụ nhu cầu của bà con.

Anh Hồng cho biết, nguồn quỹ này làm được hai việc quan trọng, một là khi xã quản lý quỹ thì sẽ có một khoản “ra tấm ra món” để hỗ trợ các thôn, bản làm những công trình lớn mà huy động ngay tại chỗ không thể đáp ứng nổi. Để dễ hình dung, mỗi thôn ở Vĩnh Yên trung bình có khoảng 60 - 70 người trong độ tuổi lao động, tức là nếu đóng góp đầy đủ thì chỉ được khoảng 4 - 5 triệu đồng, khó làm được việc gì đáng kể, nhưng lấy 5 thôn gộp vào thì sẽ được con số kha khá.

Hai là tạo động lực lớn cho thôn, bản được hỗ trợ, ví dụ như thôn Khuổi Phường khi biết được hỗ trợ 20 triệu đồng làm nhà văn hóa từ nguồn quỹ này, bà con trong thôn đã hiến đất, huy động nguồn lực, ngày công xây dựng nhà văn hóa với tổng kinh phí lên tới gần 300 triệu đồng. Từ đó tạo ra phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới sôi nổi giữa các thôn trong xã. Bí thư Nguyễn Sỹ Hồng tiết lộ, có những thôn, khi thấy thôn khác làm nhà văn hóa, làm đường giao thông mà thôn mình chưa thấy “động”, người dân đã “ép” trưởng thôn, bí thư chi bộ phải nhanh chóng lên xã xin nguồn hỗ trợ này về để triển khai các công việc ở xã.

Dân bàn, dân quản lý

Từ trụ sở UBND xã Lương Sơn, chúng tôi rẽ qua cây cầu nhỏ vào thôn Chiềng 3. Thôn nằm dưới thung lũng, nhìn từ trên cao có thể thấy con đường bê tông uốn lượn nối liền các khu liên gia, cuối con dốc là đường lên nhà văn hóa thôn cũng vừa mới hoàn thành cách đây một tháng. Đặc biệt hơn, dọc con đường bê tông là hệ thống điện thắp sáng kéo dài từ đầu thôn đến cuối thôn.

NT22 1

Người dân Lương Sơn tích cực sản xuất cải thiệnthu nhập.

Ba công trình gồm nhà văn hóa, đường giao thông và đường điện thắp sáng của thôn đều được thực hiện trong năm 2016, ngoài nguồn lực của Nhà nước thì đều huy động nguồn đóng góp từ nhân dân. Và cách làm để người dân đồng thuận cao đó là mọi công việc, mọi khoản đóng góp đều được bàn đến khi thống nhất cao mới thực hiện. Ông Lục Văn Kích, Trưởng thôn Chiềng 3 cho biết: Người dân trong thôn đều đóng góp ngày công lao động thực hiện các công trình, nên khoản đóng góp bằng tiền mặt giảm đáng kể, tuy nhiên, một đồng đóng góp cũng là mồ hôi của bà con, nên phải quản lý thật chặt. Để tiết kiệm kinh phí, trong quá trình xây dựng các công trình, Trưởng thôn Lục Văn Kích còn vận động người dân không được để lãng phí vật liệu xây dựng. Bởi vậy mới có chuyện người dân thôn Chiềng 3 nhặt từng viên sỏi, gom từng xô cát rơi vãi từ đoạn đường vừa thi công xong để tiếp tục thi công đoạn đường tiếp theo.

Thấy sự ngạc nhiên của chúng tôi về câu chuyện thần tốc xây dựng hạ tầng nông thôn mới ở thôn Chiềng 3, Bí thư Đảng ủy xã Lương Sơn Trần Công Thức cho biết, ở Lương Sơn còn nhiều thôn điển hình như thế. “Kinh nghiệm ở đây không có gì khác ngoài việc phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân, phương châm của xã là người dân đồng thuận cao mới làm”, ông Thức chia sẻ. Minh chứng cho sự đồng thuận của người dân Lương Sơn là những con số “biết nói”: Trong năm 2016, nhân dân đã đóng góp hơn 3.000 ngày công lao động, hơn 100 triệu đồng làm đường giao thông; đóng góp 1,2 tỷ đồng, 700 ngày công, hiến 700 m2  đất làm nhà văn hóa…

Cách làm ở Vĩnh Yên và Lương Sơn cũng chính là mô hình đang được triển khai tại các xã trên địa bàn huyện Bảo Yên để thực hiện xây dựng nông thôn mới theo lộ trình đề ra. Những chuyển biến từ các địa phương là thước đo chính xác nhất về tính hiệu quả của các giải pháp này. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Bảo Yên, năm 2016, bình quân số tiêu chí đạt chuẩn là 10,47 tiêu chí/xã, tăng 1,82 tiêu chí so với năm 2015. Huyện xây dựng được một thôn được công nhận “Thôn kiểu mẫu” và 4 thôn được công nhận “Thôn nông thôn mới”.

Theo: Báo Lào Cai

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây