Nông thôn mới Lào Cai

http://nongthonmoilaocai.vn


Kinh nghiệm từ phong trào xây dựng nông thôn mới tại xã Lương Sơn

Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) xã Lương Sơn (huyện Bảo Yên) đến nay, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. Diện mạo làng quê ở Lương Sơn hôm nay được đổi mới, văn minh hơn, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, mạng lưới giao thông được cứng hóa thuận tiện cho việc đi lại và phát triển kinh tế của nhân dân. Hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, thu nhập và điều kiện sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao.

Về thăm Lương sơn lần này đúng vào những ngày đầu bước sang năm 2018, chúng tôi được tận mắt chứng kiến những đổi thay từ một xã nghèo vượt khó với nhiều nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới. Ấn tượng đầu tiên là những con đường giao thông nông thôn được bê tông như dải lụa, trải dài đến từng thôn, bản. Với gần 19 km đường nông thôn được đổ bê tông, đảm bảo những chiếc ô tô tải có thể đi lại thuận lợi ngay cả trong mùa mưa. Giao thông được đầu tư, việc vận chuyển vật liệu phục vụ thi công dễ dàng hơn, nhiều công trình hạ tầng được xây dựng, nhiều gia đình đã đầu tư tu sửa, xây mới nhà ở khang trang sạch đẹp; việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, giao thương giữa xã Lương Sơn và các địa phương lân cận trở nên dễ dàng hơn đã mang lại cho xã Lương Sơn một diện mạo mới. Điều vui mừng và phấn khởi nhất ở đây là ngày 14/12/2017 Lương Sơn là một trong 7 xã được Hội đồng thẩm định các xã về đích năm 2017 của tỉnh bỏ phiếu công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2017. Đây là niềm vinh dự, phần thưởng cao quý dành cho xã sau hơn 6 năm vượt khó nỗ lực phấn đấu để đạt danh hiệu xã chuẩn NTM.

Những con đường giao thông nông thôn được bê tông như dải lụa, trải dài đến từng thôn, bản.

Trao đổi về thành quả đạt được trong phong trào xây dựng NTM ở địa phương, đồng chí Trần Công Thức - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã cho biết: Lương Sơn là một xã khó khăn, có được như ngày hôm nay trước hết là nhờ những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; sự đoàn kết, thống nhất, cố gắng nỗ lực của cấp ủy, chính quyền đã tạo cho nhân dân niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, khơi dậy tính tiên phong của cán bộ đảng viên với phương châm “Cán bộ, đảng viên gương mẫu làm trước, nhân dân tiếp bước làm theo”, rồi “làm nhà làm bếp, xếp sau làm đường”, việc gì dễ làm trước khó làm sau lắng nghe tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân gắn với quan điểm chậm nhưng phải chắc, không nóng vội, không chạy theo thành tích, mà phải linh hoạt... Bám sát vào chủ trương kế hoạch chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, của huyện, hàng năm Đảng ủy xã đều ban hành nghị quyết chuyên đề, kế hoạch năm về xây dựng NTM, chỉ đạo các chi bộ ra nghị quyết thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, phân công cán bộ phụ trách từng thôn, bản, phụ trách cụ thể các tiêu chí thực hiện trong năm và cả giai đoạn. Hàng tháng, hàng quý ban chỉ đạo xã tổ chức đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện và phản ánh những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện để kịp thời tháo gỡ. Bộ máy quản lý điều hành thường xuyên được củng cố, kiện toàn, duy trì hoạt động hiệu quả, đi vào nề nếp; những khó khăn vướng mắc được kịp thời phản ánh và báo cáo với lãnh đạo huyện, các phòng ban chuyên môn của huyện, cơ quan phụ trách giúp đỡ xã để tháo gỡ, giải quyết ngay.

Từ sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc mạnh mẽ, tích cực của các đoàn thể xã hội, sự tham gia nhiệt tình của người dân, tích cực thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với các tiêu chí xây dựng NTM, thông qua các buổi lễ phát động, các hoạt động của Mặt trận tổ quốc, Ban tuyên vận và các tổ chức đoàn thể xã với nhiều hình thức, biện pháp triển khai cụ thể, sâu rộng, thiết thực; thông qua các hoạt động văn hóa thể dục thể thao chào mừng các ngày lễ, ngày kỷ niệm có lồng ghép tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới được tổ chức trang trọng và có ý nghĩa, đã khơi dậy phát huy vai trò của người uy tín trong cộng đồng dân cư, khối đại đoàn kết dân tộc được nâng lên...nhận thức và tinh thần trách nhiệm của người dân với cộng đồng làng xã được thay đổi rõ rệt: Lúc đầu thực hiện xây dựng NTM, một bộ phận dân cư còn bảo thủ, ỷ lại, cho rằng xây dựng NTM là việc của các cấp ủy Đảng, chính quyền chứ không phải của người dân, nguồn vốn xây dựng NTM là do Nhà nước cấp…Đến nay, người dân đã xác định rõ vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM và những kết quả đạt được là phục vụ cho chính cuộc sống của người dân. Chính vì vậy, bà con nhiệt tình đóng góp tiền của, công sức để thực hiện các tiêu chí, do đó hệ thống các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn như điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa và các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường được xây dựng và nâng cấp.  Phong trào thi đua sôi nổi trong phát triển sản xuất được thể hiện rõ nét, trên địa bàn xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế như: mô hình trồng cây Cam Vinh, Mít Thái và Bưởi Da xanh; mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản, gà đồi, nuôi cá Bỗng, phát triển trồng chè, trồng quế, trồng rừng kinh tế...,Điển hình là mô hình trồng Cam Vinh, Cam Sành, Cam V2 của hộ ông Bùi Văn Tuấn, thôn Lương Hải 2 với tổng diện tích đã cho thu hoạch lên tới 6,8ha; mô hình nuôi cá Bỗng hộ ông Hoàng Trung Sứ ở thôn Phia 1...theo thông kê năm 2017 xã Lương Sơn đã có trên 100 hộ xuất bán cả tấn cá bỗng thành phẩm, mang lại nguồn thu vài tỷ đồng, với giá bán trung bình 500 nghìn/kg...hiệu quả từ nhưng mô hình kinh tế trên đã góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế xã hội của địa phương, tăng thu nhập cho người dân, tăng thu nhập GDP cho xã, nâng mức thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 26,1 triệu đồng.

Có được kết quả và thành công trong xây dựng NTM như hôm nay, xã Lương Sơn rút ra một số kinh nghiệm sau: Thứ nhất là xây dựng nông thôn mới phải gắn với thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thứ hai là phải phát huy vai trò chủ thể của người dân, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng phải là giải pháp quan trọng hàng đầu. Thứ ba là phải làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng bằng sự tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp công, của và chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình. Thứ tư là phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên sâu sát, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể, trong đó, người đứng đầu cấp ủy và chính quyền có vai trò quan trọng; khi triển khai thực hiện phải hợp với điều kiện của địa phương thông qua lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên...Thứ năm là phải thường xuyên kiện toàn bộ máy chỉ đạo, điều hành đồng bộ đảm bảo hiệu quả đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn. Thứ sáu là phải lồng ghép sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn lực khác; việc huy động, đóng góp của người dân phải được thực hiện trên cơ sở thực sự tự nguyện, bàn bạc dân chủ, công khai minh bạch, không quá sức dân.

Nguồn tin: laocai.gov

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây