Nông thôn mới Lào Cai

http://nongthonmoilaocai.vn


MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ BẢO HIỂM Y TẾ TẠI CÁC XÃ ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI

Lào Cai là một tỉnh miền núi, biên giới là nơi cư trú của 25 dân tộc anh em chung sống. Là một tỉnh có địa hình chia cắt phức tạp, đời sống kinh tế, xã hội của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo sâu sát của Tỉnh ủy, sự giám sát của HĐND và sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, toàn tình Lào Cai đã có 55 xã  đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM)/143 xã (sau khi điều chính địa giới còn lại 51 xã đạt chuẩn NTM/127 xã). Trong đó năm 2019 có 7 xã đạt NTM và 6 tháng đầu năm 2020 có thêm 5 xã NTM. Tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo thực hiện có hiệu quả những chính sách về an sinh xã hội cho đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có chính sách về về bảo hiểm y tế (BHYT). Những năm qua, số người tham gia BHYT tăng theo từng năm. Tính đến 30/6/2020 ước tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn tình đạt được 97,13%. Việc đóng BHYT của đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã vùng II (xã đạt chuẩn nông thôn mới) và xã vùng III, thôn đặc biệt khó khăn do ngân sách nhà nước đảm bảo theo Quyết định số 1010/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng khó khăn. 
 
Đoàn khảo sat tại xã Bản Lầu huyện Mường khương, xã đã đạt NTM
Đoàn khảo sat tại xã Bản Lầu huyện Mường khương, xã đã đạt NTM
 
Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách BHYT đã được các cơ quan, đơn vị và UBND các huyện, thành phố, thị xã chủ động triển khai trên địa bàn, bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; qua các hội nghị; hội thảo; qua các bản tin nội bộ của các ngành, các huyện, thành phố, thị xã... đảm bảo phù hợp với từng nhóm đối tượng. Thông qua công tác tuyên truyền đã nâng cao nhận thức của người dân tham gia BHYT, chế độ, quyền lợi, chính sách BHYT của người dân được bảo đảm. Công tác tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ phụ trách công tác BHYT tại các xã (chuyên viên văn hóa – xã hội tại các xã, phường, thị trấn), cho những người tham gia làm đại lý BHYT được ngành BHXH coi trọng.Từ năm 2019 đến 30/6/2020 trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 234 Hội nghị tuyên truyền, trang bị kiến thức kỹ năng tuyên truyền cho đại lý thu và cán bộ tuyên truyền về BHYT.

Tính đến 30/6/2020, số người tham gia BHYT tại tỉnh Lào Cai là 712.350 người, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế  6 tháng đầu năm đạt 97,13%. Trong đó số thẻ BHYT đã cấp người người DTTS là 288.637 người, với kinh phí là 114.546 triệu đồng; còn lại là các đối tượng khác. Số người tham gia BHYT hộ gia đình là 53.176 người (bao gồm cả người dân tộc thiểu số ở xã vùng I đã ra khỏi vùng khó khăn). Tổng số trẻ em được cấp thẻ BHYT miễn phí là 91.359 người. Việc vận động người dân tham gia BHYT tự nguyện được tích cực trỉn khai. Tính đến 6/2020 toàn tỉnh có 49 đại lý thu, tổng số điểm thu là 243, tổng số nhân viên đại lý thu là 291 người, trong đó:  (Đại lý thu Bưu điện tỉnh có 75 điểm thu với 120 nhân viên; Đại lý thu các xã, phường, thị trấn có 57 điểm thu với 60 nhân viên; Đại lý thu Hội nông dân có 111 điểm thu và 111 nhân viên). Hệ thống đại lý thu trên địa bàn tỉnh đã bao phủ 107/164 xã phường, mỗi điểm thu luôn được bố trí ít nhất một nhân viên thường trực tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đến tham gia. Những xã còn lại không có đại lý thu BHYT hầu hết thuộc xã đặc biệt khó khăn, người dân đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT. Hiện nay, ngành bảo hiểm đã triển khai thực hiện giao dịch điện tử đối với thủ tục cấp mới, cấp lại, cấp đổi thẻ BHYT và dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục cấp lại thẻ BHYT do mất, hỏng, gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình; nhận thẻ BHYT qua dịch vụ bưu chính công ích. Ngoài ra người dân có thể trực tiếp đến bộ phận tiếp nhận của BHXH để nộp hồ sơ cấp lại, cấp đổi và nhận kết qủa. Nhìn chung Công tác cấp, đổi thẻ BHYT được thực hiện theo đúng Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/04/2017 của BHXH Việt Nam ban hành Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT. Trong đó cấp mới thẻ BHYT không quá 05 ngày, cấp lại do thay đổi thông tin không quá 03 ngày, cấp lại thẻ do mất, mờ thông tin được thực hiện trong ngày.

Qua khảo sát. Ban Dân tộc HĐND tỉnh nhận thấy việc thực hiện các chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, trong đó có chế độ chính sách về BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã đã hoàn thành NTM. Việc triển khai BHYT cho đồng bào các DTTS tại các xã hoàn thành NTM thuộc xã khu vực II được triển khai kịp thời, đúng quy định đáp ứng tốt việc chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng tham gia BHYT theo đúng quy định, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn; hệ thống bán BHYT cho người dân được đặt tại các xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu mua thẻ BHYT.  Trong những năm qua ngành Bảo hiểm tỉnh đã không ngừng cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin được tăng cường góp phần giảm thời gian thực hiện các thủ tục hồ sơ về thẻ BHYT và KCB BHYT, hạn chế phiền hà cho người bệnh và nhân dân. Việc thực hiện cấp mã định danh cho người dân đã giúp việc cấp thẻ BHYT được thuận lợi, tránh được tình trạng chồng chéo. Việc thực hiện liên thông các thủ tục hành chính trong đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, đã tạo điều kiện cho trẻ em ngay khi được khai sinh đã được cấp thẻ BHYT, tránh được tình trạng sai sót về thông tin trên thẻ và bỏ sót đối tượng. Việc thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh tại tuyến huyện và cho phép một số phòng khám khu vực được chuyển tuyến đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia khám chữa bệnh BHYT được thuận lợi.

Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại gây khó khăn cho công tác BHYT tại các xã đã đạt chuẩn NTM, đó là:  Tại một số xã khu vực II đã hoàn thành Chương trình NTM,  tỷ lệ bao phủ BHYT thấp, điển hình như xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng tỷ lệ 90,8%; xã Tân An huyện Văn Bàn tỷ lệ 91%. Người dân tộc thiểu số tại các xã khu vực I xã đạt nông thôn mới, hiện nay do không được ngân sách nhà nước hỗ trợ bảo hiểm y tế miễn phí, người dân phải mua BHYT hộ gia đình nên hàng năm số lượng người tham gia bảo hiểm y tế bị giảm và tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên địa bàn sẽ khó khăn trong việc hoàn thành chỉ tiêu Trung ương giao hàng năm; Việc chuyển thẻ BHYT đến tay người dân tại một số xã hiện nay còn chậm; một bộ phận người dân tộc thiểu số chưa quan tâm đến việc lấy thẻ khi có thông báo mà chỉ đến khi có bệnh cần thẻ BHYT, nên không phát hiện được sai sót về thông tin trên thẻ để điều chỉnh kịp thời. Một bộ phận người dân tộc thiểu số tại các xã khu vực I chưa tham gia mua thẻ BHYT tự nguyện; đến thời điểm 6 tháng đầu năm 2020 mới vận động được 7.649 người tham gia tham gia mua thẻ BHYT tự nguyện, còn 6.436 người chưa tham gia. Bên cạnh đó, đối tượng người có thu nhập trung bình làm nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp theo quy định của Nghị định số 146/2018/NĐ – CP, ngày 17/10/2018 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sẽ được hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng bảo hiểm y tế. Nhưng hiện nay, quy định này chưa được triển khai trên địa bàn (chủ yếu triển khai việc bán thẻ BHYT hộ gia đình). Bởi Ngành Lao đông, Thương binh và Xã hội của tỉnh  chưa thực hiện điều tra hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo Thông tư số 02/2016/TT – BLĐTBXH, ngày 25/3/2016 của Bộ Lao động Thương binh và xã hội về hướng dẫn quy trình xác định hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2016 -2020 để thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng này khi mua BHYT tự nghuyện.

Để bao phủ BHYT đến 100% người dân trên địa bàn tỉnh, cần có những giải pháp đồng bộ, căn cơ để người dân tích cực tham gia BHYT. Trước hết đó là sự vào cuộc của các cấp chính quyền, nhất là đối với những xã vùng I, vùng II (theo quy định của Chính phủ) đã đạt chuẩn NTM, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách BHYT đến với người dân. Sở Lao động và Thương binh xã hội hàng năm chỉ đạo thực hiện điều tra hộ nghèo gắn với điều tra hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo Thông tư số 02/2016/TT – BLĐTBXH, ngày 25/3/2016 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để làm cơ sở cho các hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình ít khẩu được hưởng hỗ trợ bảo hiểm y tế bằng 30% theo đúng quy đinh tại Nghị định số 146/2018/NĐ – CP, ngày 17/10/2018 của Chính phủ. Tỉnh cần có chính sách hỗ trợ BHYT hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình thêm 20% để đối tượng này được hưởng mức hỗ trợ là 50% khi mua BHYT, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với người dân tại các xã hoàn thành NTM, từ đó điều kiện cho người dân tộc thiểu số tiếp cận dần với việc cắt giảm chính sách khi ra khỏi vùng khó khăn và đặc biệt khó góp phần nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn.   

Tác giả bài viết: Ngô Quyền - PTB Dân tộc tỉnh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây