Nông thôn mới Lào Cai

http://nongthonmoilaocai.vn


Người dân có nghề và thu nhập ổn định là tiêu chí hàng đầu xây dựng NTM bền vững

Người dân địa phương vừa là đối tượng, vừa là chủ thể xây dựng nông thôn mới (NTM). Vì vậy, quan tâm giải quyết việc làm cho người lao động nói chung và lao động vùng cao vùng dân tộc thiểu số nói riêng là mối quan tâm hàng đầu của Đảng bộ và chính quyền các cấp trong tỉnh Lào Cai hiện nay, bằng các giải pháp thực hiện chính sách lao động, việc làm, đào tạo nghề gắn với các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, từ năm 2015 đến nay công tác giải quyết việc làm tại địa phương đạt nhiều kết quả và vượt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn miền núi nói chung và xây dựng NTM nói riêng theo hướng tích cực.
 
image001
Lào Cai chú trọng nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề
  • Thực hiện hiệu quả các chính sách lao động, việc làm
Song song với việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn, từ năm 2016 đến tháng 8/2019, toàn tỉnh Lào Cai đã đào tạo nghề cho 56.602 lao động, trong đó có 33.396 lao động là dân tộc thiểu số (chiếm 59%), nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh từ 43,1% (năm 2015) lên 51,68% (năm 2019).

Giai đoạn 2016 - tháng 9/2019, Lào Cai đã tạo việc làm cho 51.260 lao động, trong đó 30.000 lao động là người dân tộc thiểu số. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên chiếm trên 90%, trong đó lao động là người dân tộc thiểu số chiếm 67%.
Song song với tạo việc làm trong nước, trong tỉnh, công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (gọi tắt là xuất khẩu lao động) được coi là giải pháp đáp ứng nhu cầu việc làm và thu nhập của người lao động, đặc biệt đối với lao động ở các huyện đặc biệt khó khăn, lao động là người dân tộc thiểu số. Giai đoạn 2016 - 2018 và 9 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có 300 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,… trong đó có 110 lao động là người dân tộc thiểu số. Thu nhập bình quân của người lao động đạt từ 10-30 triệu đồng/người/tháng tùy vào từng thị trường.

Công tác quản lý lao động qua biên giới đã góp phần tạo việc làm cho lao động của các địa phương, đặc biệt lao động là người dân tộc thiểu số. Từ năm 2017 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai đã tuyển chọn và đưa 947 lao động của tỉnh sang làm việc tại Công ty Hữu hạn Khoa học Kỹ thuật Huệ Hồng, Vân Nam, Trung Quốc, trong đó 820 lao động là người dân tộc thiểu số(chiếm 86,6%) với tiền lương bình quân đạt từ 6 đến 10,5 triệu đồng/người/tháng và được Công ty hỗ trợ toàn bộ tiền ăn, chỗ ở,…
  • Bộ mặt nông thôn đổi mới nhờ cách nghĩ và làm mới.
Chuyển dịch cơ cấu lao động, đặc biệt lao động dân tộc thiểu số từ nông nghiệp sang các lĩnh vực phi nông nghiệp thông qua hệ thống 10 Trung tâm Dịch vụ việc làm tại 9/9 huyện, thành phố, thị xã, kết nối thông tin thị trường lao động đáp ứng cung cầu lao động. Từ đó, góp phần tạo việc làm cho người lao động, dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị đồng thời góp phần giảm tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp tại các địa phương từ 62,61% năm 2015 xuống còn 59,38% năm 2019; tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng từ 17,77% năm 2015 lên 18,12% năm 2019; Du lịch Dịch vụ từ 19,62% năm 2015 lên 22,5% năm 2019.

Từ nay đến năm 2025, Lào Cai phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 65%; số lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 493.320 người, trong đó 66% lao động là người dân tộc thiểu số ở các vùng nông thôn mới. Đây chính là chiến lược xây dưng và phát triển NTM một cách dài hơi, bền vững nhất. Theo đó, từ nay đến 2025, Lào Cai đặt mục tiêu chuyển dịch cơ cấu lao động mạnh mẽ với 20.120 lao động từ lĩnh vực nông nghiệp chuyển sang lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai sẽ đẩy mạnh tiến độ xây dựng NTM đi đôi với việc tăng cường đối mới nâng cao chất lượng đào tạo, ưu tiên đào tạo cho lao động địa phương , lao động là người dân tộc thiểu số, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động, phục vụ các dự án phát triển kinh tế của tỉnh và địa phương, bổ sung nguồn vốn vay giải quyết việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động dịch vụ việc làm, mở rộng thị trường lao động, quan tâm giải quyết việc làm và thu nhập cho lao động vùng giải phóng mặt bằng và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động.

Lào Cai hiện đang tăng cường đầu tư phát triển kinh tế xã hội, chuyển đổi cơ cấu sản xuất ở nông thôn, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số; tiếp tục đầu tư chương trình giảm nghèo bền vững, trợ giúp thiết thực cho các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân cư còn nhiều khó khăn; đầu tư phát triển các thành phần kinh tế tư nhân, tăng cường phát triển các mô hình hợp tác xã; xây dựng Chương trình NTM. Đồng thời, tăng cường liên kết bốn nhà trong sản xuất nông nghiệp, ứng dưng khoa khọc kỹ thuật, ưu tiên đầu tư giống cây trồng, vật nuôi tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm đảm bảo các tiêu chí trong chương trình NTM có những bước tiến bộ đồng đều, nhất là tiêu chí thu nhập, ổn định lâu dài đời sống người dân khu vực nông thôn, nhất là nông thôn vùng cao.

Tác giả bài viết: Lục Văn Toán

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây