Nông thôn mới Lào Cai

http://nongthonmoilaocai.vn


Nhân rộng mô hình chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường

Thời gian qua, mô hình nuôi lợn bản địa trên nền đệm lót sinh học đã khẳng định hiệu quả với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại vùng cao. Mô hình được thực hiện theo nhu cầu của nhân dân về chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển chăn nuôi theo quy trình đảm bảo vệ sinh môi trường, sản xuất lợn thịt chất lượng, tăng thu nhập đồng thời hoàn thành mục tiêu xây dựng Nông thôn mới và làm cơ sở nhân rộng những năm tiếp theo.
Mô hình nuôi lợn bản địa trên đệm lót sinh học
Trải qua thời gian dài mất giá, ngành chăn nuôi đang phục hồi. Hiện tại, chỉ một số ít hộ ở các huyện vùng thấp như Bảo Thắng, Bảo Yên, thành phố Lào Cai chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại tập trung sử dụng chủ yếu là các giống lợn lai giá bán thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người chăn nuôi. Thực tế cho thấy, dù giữa “tâm bão”, khi giá lợn thịt xuống thấp kỷ lục thì giá lợn bản địa vẫn giữ ở mức tương đối cao, đủ để người chăn nuôi có lãi. Nhận thấy những lợi thế đó, nhiều hộ chăn nuôi quy mô nhỏ có xu hướng quay về với những phương thức nuôi truyền thống, đặc biệt là chăn nuôi các giống lợn bản địa. Thế nhưng, việc nuôi lợn bản địa chủ yếu có quy mô nhỏ, manh mún, không đảm bảo vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và vật nuôi. Bên cạnh đó, việc vệ sinh môi trường nông thôn không đảm bảo (tiêu chí số 17) cũng trở thành một trong những lực cản, khiến việc xây dựng nông thôn mới tại một số địa phương vùng cao gặp nhiều khó khăn.

Mô hình chăn nuôi lợn thịt bản địa trên nền đệm lót sinh học gắn với vệ sinh môi trường nông thôn được Trung tâm Khuyến nông Lào Cai thực hiện với quy mô 240 con/60 hộ/3 xã (xã Tả Phìn, huyện Sa Pa; xã Dền Thàng, huyện Bát Xát; xã Xuân Thượng, huyện Bảo Yên, với số lượng 80 con/20 hộ/xã). Mô hình được thực hiện nhằm khắc phục vấn đề vệ sinh môi trường nông thôn, đồng thời khai thác được tiềm năng sẵn có trong chăn nuôi của địa phương. Tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ 100% con giống, thức ăn hỗn hợp, men vi sinh, vắc xin, hóa chất sát trùng và tập huấn kỹ thuật; hộ mô hình đối ứng kinh phí sửa chữa chuồng trại và đệm lót.

Nuôi lợn bản địa trên nền đệm lót sinh học đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng thịt, giảm công chăm sóc, giảm lượng nước sử dụng (do không phải rửa chuồng), tăng giá trị thu nhập cho các hộ chăn nuôi. Do toàn bộ chất thải chăn nuôi được xử lý bằng đệm lót sinh học, nên lợn sinh trưởng tốt, khỏe mạnh, tạo sản phẩm an toàn cho cộng đồng. Đặc biệt, việc sử dụng đệm lót sinh học giúp chuồng luôn khô ráo, không có mùi hôi thối, hạn chế ruồi, muỗi và dịch bệnh phát sinh gây hại. Đệm lót còn được tận dụng làm phân bón an toàn cho cây trồng do đã được xử lý bằng men vi sinh. Bên cạnh đó, chất thải được xử lý nên vấn đề vệ sinh môi trường được cải thiện đáng kể, góp phần vào xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, phòng, chống dịch bệnh.
Tại xã Tả Phìn (Sa Pa), mô hình mang lại những chuyển biến rõ rệt trong cải thiện chất lượng vệ sinh môi trường, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tả Phìn là xã vùng cao còn nhiều khó khăn, người dân vẫn giữ thói quen chăn nuôi theo phương thức truyền thống, nhiều hộ thả rông gia súc. Với cách nuôi này, chất thải chăn nuôi không qua xử lý được xả trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan. Tham gia mô hình chăn nuôi lợn thịt bản địa trên nền đệm lót sinh học gắn với vệ sinh môi trường nông thôn, các hộ nuôi đối chứng giữa chăn nuôi trên nền đệm lót và chăn nuôi thông thường không qua xử lý. Đàn lợn được nuôi trên nền đệm lót sinh học sinh trưởng tốt, mẫu mã đẹp, chất lượng thịt cao hơn đàn nuôi đối chứng. Bên cạnh đó, chuồng nuôi bằng đệm lót luôn khô ráo, sạch sẽ, không gây mùi hôi ảnh hưởng đến những hộ xung quanh. Nhận thấy những hiệu quả đó, nhiều hộ ở xã Tả Phìn đã chủ động tìm hiểu để nhân rộng mô hình chăn nuôi này.

Ông Đặng Danh Bộ, Trưởng Phòng Kỹ thuật và Chuyển giao, Trung tâm Khuyến nông Lào Cai đánh giá: Chăn nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học không chỉ giải quyết vấn đề môi trường mà còn mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với chăn nuôi truyền thống. Thời điểm thực hiện dự án, giá lợn hơi dù xuống thấp, ở mức chưa đến 30.000 đồng/kg, nhưng với lợn chăn nuôi bằng phương thức này, lợn có mẫu mã đẹp, chất lượng thịt tốt, nên giá bán luôn đạt từ 45.000 đồng đến 47.000 đồng/kg. Trong năm 2018, trung tâm tiếp tục khuyến khích nhân rộng mô hình này và thực hiện thêm 1 mô hình thí điểm tại huyện Văn Bàn.

Mô hình chăn nuôi lợn bản địa trên nền đệm lót sinh học là mô hình thích hợp đối với những hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, không đầu tư các công trình khí sinh học và cần được khuyến khích nhân rộng trong thời gian tới. Đây là mô hình mang lại những hiệu quả rõ rệt về kinh tế cũng như bảo vệ tốt môi trường nông thôn, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới bền vững.

Tác giả bài viết: Thúy Phượng - Báo Lào Cai

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây