Phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi
- Thứ tư - 04/07/2018 20:46
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Năm 2000, toàn bộ hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng trên địa bàn huyện Si Ma Cai là kênh đất, năng lực tưới tiêu hạn chế vì nước bị thất thoát trong quá trình đến dẫn các khu sản xuất, khiến cây trồng sinh trưởng không đảm bảo, năng suất thấp. Không những vậy, tất cả các đập thủy lợi đầu mối trên địa bàn huyện cũng chỉ được đắp tạm bằng đất, kè đá nên thường bị mưa lũ cuốn trôi.
Để khắc phục những hạn chế trên, những năm qua, huyện Si Ma Cai đã chủ động lồng ghép nhiều nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án như chương trình 135, 30a, xây dựng nông thôn mới... và sự ủng hộ của nhân dân để xây dựng kiên cố hệ thống thủy lợi, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Nhờ đó, đến nay, 13/13 xã của huyện đã hoàn thành tiêu chí thủy lợi, với tổng số 124 công trình đập đầu mối và 238 km kênh mương nội đồng được kiên cố hóa. Người dân chủ động được nguồn nước cho 2.998 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích đất sản xuất lúa nước là 1.700 ha.
Ông Viên Đình Hiệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Si Ma Cai cho biết: Hệ thống thủy lợi được kiên cố đã giúp dẫn nước vượt qua nhiều đoạn địa hình bị chia cắt và không bị thất thoát, nên bà con khai hoang thêm khoảng 1.000 ha đất ruộng bậc thang để trồng lúa nước. Qua đó, năng suất và sản lượng lương thực có hạt trên địa bàn huyện tăng nhanh. Đồng thời, hạn chế được tình trạng xói mòn đất sản xuất khi vào mùa mưa.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, hiện nay, huyện Si Ma Cai có 1.700 ha đất ruộng bậc thang, chủ yếu sản xuất lúa nước 1 vụ. Theo tính toán, 1 ha đất trồng lúa nương thì chỉ thu được khoảng 11 tạ thóc/vụ, nhưng khi chuyển đổi sang trồng lúa nước thì đạt bình quân 46 tạ/vụ. Do đó, tổng sản lượng lương thực có hạt trên địa bàn huyện Si Ma Cai năm 2017 đạt trên 23.500 tấn, tăng 11 lần so với năm 2000. Đặc biệt, nhờ chủ động nguồn nước, những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã đưa vào sản xuất các loại rau màu trên đất ruộng sau thu hoạch.
Đơn cử, tại xã Cán Cấu, hiện người dân trồng khoảng 10 ha rau bắp cải và rau đậu Hà Lan trái vụ trên đất ruộng bậc thang. Với giá bán 10.000 đồng/kg rau bắp cải, 20.000 đồng/kg rau đậu Hà Lan, sau khi trừ chi phí, bình quân 1 ha rau trái vụ đem lại nguồn thu từ 80 - 120 triệu đồng. Anh Tráng Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Cán Cấu chia sẻ: Hệ thống thủy lợi được hoàn thiện đã phát huy hiệu quả giúp người dân thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất cây trồng và nâng cao thu nhập. Năm 2017, thu nhập bình quân của người dân xã Cán Cấu đạt gần 27 triệu đồng/năm. Đó là cơ sở để xã đặt mục tiêu hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trong năm 2018, với thu nhập bình quân đạt trên 30 triệu đồng/người/năm.
Tương tự, tại các xã khác trên địa bàn huyện Si Ma Cai, nhờ ưu tiên đầu tư kiên cố hệ thống thủy lợi đã mở ra cơ hội cho người dân khai hoang, phục hóa đất nông nghiệp và chuyển đổi cây trồng, thâm canh, tăng vụ. Được biết, thu nhập bình quân người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai năm 2017 đạt 22,4 triệu đồng/người, tăng hơn 2 lần so với năm 2011 là 9,5 triệu đồng/người.
Để tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi, huyện Si Ma Cai đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, như kiện toàn các tổ thủy nông, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong việc chung tay bảo vệ các công trình thủy lợi, tổ chức trồng rừng và bảo vệ rừng để tạo nguồn sinh thủy. Đồng thời, huyện tiến hành quy hoạch các địa điểm xây dựng hồ treo trên núi để dự trữ nước sản xuất, sinh hoạt và điều hòa không khí.