Phát triển du lịch cộng đồng trong lộ trình xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai
- Thứ năm - 21/12/2017 14:56
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Phát triển mạnh du lịch cộng đồng
Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới, có nhiều đồng bào dân tộc anh em cùng chung sống với những nét văn hóa đặc trưng đậm đà bản sắc dân tộc. Ðây chính là lợi thế, tiềm năng để Lào Cai khai thác, phát huy các giá trị văn hóa bản địa nhằm phát triển du lịch theo hướng bền vững, đồng thời góp phần bảo tồn nền văn hóa bản địa và mang lại lợi ích thiết thực về kinh tế cho người dân địa phương.
Du khách trải nghiệm du lịch làng bản ở Sa Pa. |
Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh, hiện nay toàn tỉnh hiện có 9 điểm du lịch cộng đồng thuộc các huyện Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát và Thành phố Lào Cai với 189 cơ sở lưu trú homestay, đảm bảo việc làm cho 495 lao động là đồng bào địa phương tại các huyện Sa Pa, Bắc Hà và Bát Xát. Doanh thu du lịch tại các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch khá cao, bình quân đạt từ 25 - 30 triệu đồng/năm.
Theo ý kiến một số chuyên gia về du lịch cho rằng: Phát triển du lịch cộng đồng và xây dựng nông thôn mới có mối quan hệ tương tác với nhau, cùng phát triển. Việc phát triển du lịch cộng đồng đã đóng góp thiết thực vào các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, ngược lại xây dựng nông thôn mới cũng tạo nên hệ thống giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, góp phần thu hút khách du lịch đến Việt Nam trong những năm gần đây.
Thực tế cho thấy, du lịch cộng đồng được biết đến nhiều nhất tại huyện Sa Pa, bởi loại hình này đang được coi là thế mạnh của địa phương; không chỉ khách trong nước mà hầu hết du khách nước ngoài mỗi khi đến Sa Pa đều lựa chọn loại hình du lịch này. Ông Lê Mạnh Hảo, Phó chủ tịch UBND huyện Sa Pa cho biết, những năm qua phát triển du lịch cộng đồng trên cơ sở giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên là hướng phát triển du lịch bền vững của huyện. Hiện toàn huyện có 168 cơ sở lưu trú homestay (chiếm 84,8% so với toàn tỉnh), tập trung nhiểu nhất tại các xã Tả Van, Hầu Thào, Bản Hồ, Tả Phìn,... Trong đó, Tả Van đang là một trong 9 điểm du lịch cộng đồng được công nhận trong toàn tỉnh và là một trong 6 điểm được định hướng phát triển du lịch cộng đồng của huyện Sa Pa.
Mặc dù xã Tả Van có diện tích không lớn nhưng lại ẩn chứa tiềm năng du lịch to lớn về cả tự nhiên và văn hóa xã hội, hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng. Điểm du lịch cộng đồng xã Tả Van hiện có 51 cơ sở lưu trú homestay (chiếm trên 30% cơ sở lưu trú homestay trên toàn huyện; chiếm 26,9% CSLT homestay trên toàn tỉnh). Doanh thu du lịch bình quân tại các hộ xã Tả Van 25 - 30 triệu đồng/hộ/năm,… Bên cạnh đó, du lịch cộng đồng phát triển kéo theo hàng loạt các loại hình dịch vụ khác phục vụ nhu cầu du khách, đem lại những nguồn lợi quan trọng cho bà con dân tộc thiểu số cũng như làm thay đổi bộ mặt làng bản, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội địa phương đồng thời góp phần tạo thêm nguồn lực cho việc xây dựng nông thôn mới ngay tại địa phương.
Gắn với xây dựng nông thôn mới
Điều đáng quan tâm là hiện nay việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Lào Cai còn nhiều bất cập, chưa khai thác hết tiềm năng thế mạnh, lượng khách đến tham quan, lưu trú tại các thôn, bản còn rất ít, chưa kéo dài được thời gian lưu trú của du khách, nguồn thu từ dịch vụ du lịch chưa đáng kể. Đặc biệt, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ phát triển nông nghiệp sang làm du lịch còn chậm; hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng xuống các thôn bản, cơ sở vật chất lưu trú tại gia, công trình vệ sinh chưa đảm bảo, công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch cộng đồng chưa được đầu tư nghiêm túc, công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên và nhân viên phục vụ tại các gia đình chưa được quan tâm đúng mức,... đang là những thách thức lớn trong quá trình phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai.
Để giải quyết vấn đề thực tiễn này, tỉnh Lào Cai đã phê duyệt dự án Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017 – 2020; Qua đó, đầu tư xây dựng mô hình thí điểm du lịch cộng đồng tại xã Tả Van, huyện Sa Pa với cơ sở vật chất phù hợp, hoạt động mang tính chuyên nghiệp, đảm bảo tương đối đầy đủ các điều kiện và hoạt động hiệu quả trong đầu tư, phát triển du lịch cộng đồng để nhân rộng trong toàn tỉnh. Thực hiện thành công sẽ đạt được mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, trở thành loại hình du lịch đặc trưng có tính chuyên nghiệp với hệ thống cơ sở vật chất tương đối đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện với môi trường và đảm bảo phát triển du lịch bền vững.
Theo đó, để đến năm 2020, điểm du lịch cộng đồng tại xã Tả Van về cơ bản đáp ứng đầy đủ các tiêu chí nông thôn mới, trở thành các điểm đến hấp dẫn của khu vực Tây Bắc và cả nước; là mô hình mẫu để lan tỏa triển khai diện rộng trên địa bàn tỉnh đòi hỏi các cơ quan chuyên ngành nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách ưu tiên đầu tư cho phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, cần được sự quan tâm của của các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn và sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp du lịch cũng như người dân sở tại trong việc huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như: hệ thống giao thông nông thôn; xây dựng Nhà du lịch cộng đồng, công trình vệ sinh công cộng, khu vực bán sản phẩm địa phương, khu vui chơi, giải trí...
Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch cộng đồng thông qua việc tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn nhằm nâng cao kỹ năng và kiến thức về du lịch cộng đồng tại các thôn bản cho người dân về các nội dung lưu trú tại gia, thuyết minh và hướng dẫn tham quan tại địa phương, chế biến món ăn, phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, tiếng Anh giao tiếp; bồi dưỡng, hướng dẫn hoạt động cho đội văn nghệ, câu lạc bộ thể thao dân tộc... để giao lưu, giới thiệu văn hóa truyền thống với du khách. Đồng thời xây dựng bộ tiêu chí chung cho du lịch cộng đồng trong tỉnh; thành lập mô hình ban quan lý du lịch cộng đồng thí điểm, tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho du khách...
Đặc biệt, cần quản lý, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch về bảo tồn không gian làng bản, giữ nguyên các kiến trúc nhà cổ để hạn chế việc thay đổi diện mạo của bản làng dân tộc; Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và môi trường đặc biệt trong vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm, an ninh trật tự; đặt các thùng đựng rác trên đường đi và trong hộ gia đình, giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan; tái tạo cảnh quan môi trường phục vụ du lịch; tổ chức các đợt tuyên truyền về du lịch cộng đồng cho đối tượng là những người quản lý và trực tiếp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, chính quyền và bà con các dân tộc nơi diễn ra các hoạt động du lịch, du khách trong và ngoài nước,... nhằm nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng.
Xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới là một trong những hướng đi quan trọng, đã và đang được các tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng ưu tiên thực hiện nhằm bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương, đồng thời góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Với định hướng và giải pháp đúng đắn, phù hợp, chắc chắn trong thời gian tới việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh sẽ có những bước bứt phá ngoạn mục.