Nông thôn mới Lào Cai

http://nongthonmoilaocai.vn


Phát triển giá trị ngành hàng quế

Nhằm nâng cao giá trị thu nhập từ cây quế, những năm qua, ngành nông nghiệp Lào Cai có chủ trương khuyến khích nhân dân mở rộng diện tích cây quế để đảm bảo nguồn nguyên liệu lâu dài, quan tâm đến việc sơ chế, chế biến để phát triển ngành hàng quế ổn định, bền vững.
Quế là cây có chu kỳ kinh doanh dài, sống lâu năm và đang mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Tại Lào Cai, quế được trồng thành rừng cách đây hơn 40 năm tại các huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, Bắc Hà và Văn Bàn. Trước đây quế chủ yếu được trồng để thu hoạch gỗ và vỏ. Những năm gần đây, do công nghiệp sơ chế, chế biến quế phát triển, hầu như tất cả các bộ phận của cây quế đều mang lại giá trị kinh tế. Vỏ quế là sản phẩm chính, chiếm 73% doanh thu từ rừng quế, tinh dầu chưng cất từ lá chiếm 20%, gỗ quế chiếm 7%. Mỗi ha quế cho thu hoạch khoảng 6-8 tấn vỏ quế khô; 80-10 tấn lá, cành dùng chưng cất tinh dầu; 80 – 100m3 gỗ. Với mỗi ha, giá trị kinh tế mang lại cho người trồng quế ước tính ở cuối chu kì kinh doanh (khai thác trắng năm thứ 13 – 15) đạt trên 500 triệu đồng. Lợi nhuận trung bình mỗi năm người trồng quế thu được là trên 30 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với các loại cây gỗ khác như mỡ, keo trong khi chi phí đầu tư là tương đương. Hơn nữa, từ năm thứ 5, người dân có thể thu tỉa cây, cành, lá bán dần, mỗi năm thu về 30 – 40 triệu đồng.
 
28297397600 d0b68dac02 o
Cây quế đang mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân
 
Xã Nậm Đét (Bắc Hà) được biết đến với sản phẩm quế hữu cơ nổi tiếng trong nước và quốc tế. Cây quế đã góp phần giúp người dân nơi đây giữ đất, giữ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Nhờ hiệu quả kinh tế rõ rệt từ cây quế mang lại, vùng trồng quế liên tục được mở rộng từ xã Nậm Đét sang hầu hết các xã lân cận như Nậm Lúc, Bản Liền, Bản Cái, Nậm Khánh… Hiện diện tích quế toàn huyện đạt gần 8.600 ha, trong đó có hơn 1.000 ha quế đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Nhờ đó, giá quế tại Bắc Hà năm 2019 đạt 63.000 đồng/kg, mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng quế. Đây là giá bán cao nhất được ghi nhận từ trước đến nay nên người dân rất ủng hộ chủ trương mở rộng diện tích.

Tại Bảo Yên, cây quế cũng là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Nhiều diện tích đất trồng sắn, đất đồi, núi trọc được người dân phủ xanh bằng cây quế. Nhìn thấy giá trị từ cây quế mang lại, Anh Lương Văn Chuyền, thôn Trĩ Trong, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) đã mạnh dạn tìm hiểu, học tập kỹ thuật sản xuất quế giống, tự tay ươm được hơn 1 vạn bầu quế đã đủ điều kiện đem trồng. Anh Chuyền chia sẻ: “Khoảng tháng 7, tháng 8, khi cây quế cứng cáp và thời tiết thuận lợi, gia đình sẽ trồng quế thay thế nương ngô, nương sắn trước đây. Hiện nay cây quế rất được giá, có nhiều đơn vị thu mua nên gia đình tôi rất yên tâm khi đầu tư vào loại cây này”.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 26.600 ha quế, vượt mục tiêu năm 2025 là 1.600 ha. Hiện có 6 nhà máy, cơ sở tham gia chế biến quế; 2 hợp tác xã và 7 cơ sở thu mua, buôn bán quế; 1 cơ sở chế biến quế thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Toàn tỉnh có khoảng 28.000 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức đầu tư phát triển ngành hàng quế, tạo công ăn, việc làm cho ít nhất 56.000 người, góp phần không nhỏ trong việc ổn định an sinh xã hội. Ngành hàng quế đang dần tạo thành một nghề mới cho người dân trong tỉnh. Hiện nay, mỗi năm cây quế mang lại giá trị kinh tế khoảng 500 tỷ đồng. Thời gian tới, khi ngành hàng quế phát triển, thị trường mở rộng, giá trị thu nhập từ quế ước đạt hơn 1.000 tỷ đồng/năm.

Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đánh giá: Cây quế phù hợp với đất đai, sinh thái của những khu vực đã được quy hoạch. Sản phẩm quế tại Lào Cai cho chất lượng khá tốt, đứng thứ 3 trong nước về chất lượng, hàm lượng tinh dầu. Cây quế đã được người dân lựa chọn là cây lâm nghiệp chính trong phát triển kinh tế rừng, diện tích trồng quế hàng năm liên tục được mở rộng. Bên cạnh đó, thị trường quế vẫn đang rộng mở được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến, thương mại, phát triển ngành hàng quế tại Lào Cai. Sản phẩm quế tại Lào Cai cũng đã khẳng định được chất lượng với những sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ, có thể xâm nhập vào các thị trường cao cấp như các nước châu Âu, Mỹ,… Đến năm 2030, diện tích quế toàn tỉnh dự kiến sẽ đạt khoảng 40.000 ha. Ngành nông nghiệp và các cơ quan chuyên môn đang nỗ lực xây dựng, khẳng định thương hiệu, xúc tiến thương mại để nâng cao giá trị ngành hàng quế.

Tác giả bài viết: Đình Thuận

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây