Nông thôn mới Lào Cai

http://nongthonmoilaocai.vn


Phát triển sản xuất ở xã vùng sâu Bản Liền

Vừa qua, chúng tôi có dịp về thăm xã vùng cao Bản Liền, địa phương được ghi nhận dẫn đầu toàn huyện Bắc Hà trong năm 2019 về tỷ lệ tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Nơi đây còn được biết đến với một “tiếng vang” về sản phẩm (OCOP) 5 sao đầu tiên của tỉnh, đã khẳng định được chỗ đứng vững chắc trên thị trường và xuất khẩu sang trời Âu, mang lại giá trị kinh tế lớn cho Doanh nghiệp và người dân cùng liên kết sản xuất.
Chính những triển vọng kinh tế từ cây chè Shan hữu cơ đã, đang mang đến sức sống mới cho vùng đất này, để bà con thiểu số người Tày, người Mông địa phương đón mùa xuân mới và ăn tết cổ truyền Canh Tý 2020 sung túc, ấm cúng hơn mọi năm.

Những đổi thay kì diệu

Tuyến đường 28 km từ trung tâm huyện Bắc Hà đến trụ sở hành chính xã Bản Liền như gần hơn, bởi có thêm nhiều ngôi nhà xây mới mọc lên, nhất là tại khu vực trung tâm cụm xã Bản Liền đang được quy hoạch, kiến thiết. Chia sẻ về những chuyển mình, đổi thay của địa phương, Phó chủ tịch UBND xã Bản Liền - Vàng A Sự, phấn khởi cho biết: “Năm 2019 đi qua, ghi dấu nhiều nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Bản Liền, khi đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch nhà nước giao trong phát triển kinh tế- xã hội, nhất là trong lĩnh vực phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và thực hiện mục tiêu giảm nghèo “bền vững” cho nhân dân.
 
Đường về Bản Liền như gần hơn bởi có thêm nhiều nếp nhà xây mới khang trang
Nhiều ngôi nhà mới được mọc lên thay thế những ngôi nhà tạm
 
Minh chứng là, thu nhập của người dân Bản Liền đã tăng lên rõ rệt, hiện đạt 25,88 triệu đồng/ người/ năm, tăng 9,92 triệu đồng so với cùng kì 2018; Giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác đạt 38 triệu đồng/ha, tăng 5,8 triệu đồng/ha so với năm 2018. Đáng mừng nhất, là tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh, hiện chỉ còn 27,98%, trước đây là trên 40%, toàn xã còn 136 hộ nghèo, đã giảm được 69 hộ nghèo so với năm 2018, như vậy tết này đã có nhiều hộ thoát nghèo, có điều kiện ăn tết đầy đủ, ấm cúng hơn. Trong xây dựng NTM, với sự nỗ lực, Bản Liền cũng đã đạt 10/19 tiêu chí, nhờ đó diện mạo thôn quê đã có nhiều đổi thay, rõ nét nhất ở các thôn, như thôn đội 2, đội 3, đội 4, pắc kẹ, Sà Phìn... thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào cây chè, còn thôn Sà Phìn có thêm cây Thảo Quả.

Năm 2019, bà con nhân dân Bản Liền thu hái được trên 1.200 tấn chè búp tươi, doanh thu từ cây chè ước đạt trên 19,8 tỷ đồng. Mấy năm nay, chè được mùa, được giá, trung bình từ 12-15 nghìn đồng/kg, có thời điểm lên tới 19.000 thậm chí có cao nhất 22.000/kg nên bà con rất phấn khởi, đã có nhiều hộ thoát nghèo và đang làm giàu từ chuyển đổi các diện tích ngô, lúa kém hiệu quả sang trồng chè Tuyết San, làm chè hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP để bán cho HTX chè hữu cơ Bản Liền.

          Phát huy thế mạnh từ cây chè Shan Tuyết…

Góp sức đổi thay diện mạo NTM Bản Liền hôm nay, không thể không nói đến cây chè Shan hữu cơ và những triển vọng từ hơn 500 ha chè thuần giống Tuyết Shan mang lại, trong đó có tới 422,6 ha đã được chứng nhận “hữu cơ quốc tế”. Đây là thế mạnh của địa phương mà không nơi nào ở Lào Cai có được.
 
Cây chè shan hữu cơ đang góp phần đổi thay cuộc sống của đồng bào vùng cao xã Bản Liền
Cây chè Shan hữu cơ đang góp phần đổi thay cuộc sống của đồng bào vùng cao xã Bản Liền
 
Sau sáp nhập, xã Bản Liền còn 7 thôn với 486 hộ dân, có đến 310 hộ dân tham gia liên kết sản xuất cùng HTX chè hữu cơ Bản Liền, chiếm hơn 70% dân số toàn xã. Còn vùng chè Shan hữu cơ Bản Liền trải rộng trên địa bàn 4 thôn Pắc kẹ, thôn đội 2, đội 3, đội 4. Đó không phải là những thảm chè xanh ngát, thẳng hàng lối… mà là những dẫy chè cổ kính, rêu phong, rất khẳng khiu, có mật độ rất thưa thớt khoảng 3.000 cây/ha, nhưng đây lại là nguồn “sinh kế” chính, mang đến đổi thay “kì diệu” tại mảnh đất này.

Đến thăm xưởng chế biến của HTX chè hữu cơ Bản Liền, đúng dịp cơ sở đang tổ chức tập huấn cho bà con địa phương xã Bản Liền về cách trồng, chăm sóc cây dược liệu dưới tán rừng chè, góp phần tạo sinh kế lâu dài, bền vững. Có dịp trò chuyện cùng chị Lê Giang Nhung- Vợ giám đốc Phạm Quang Thận, chúng tôi hiểu thêm về những định hướng phát triển của HTX trong tương lai gần, đặc biệt là việc xây dựng vùng nguyên liệu hữu cơ, tạo mối liên kết bền chặt với người dân bản địa cùng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, lâu bền. Chị Nhung cho biết: “HTX đang xây dựng, mở rộng xưởng để chuẩn bị làm một số sản phẩm mới cho năm tới. Mới đây nhất, đơn vị tiến hành đăng kí chứng nhận hữu cơ cho cây dược liệu, cụ thể là Cây Dâu Mèo, sẽ trồng xen dưới tán cây Chè, diện tích ban đầu khoảng 30 ha.. để giúp bà con nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác”.

Để có thêm những mùa xuân no ấm.

Phát huy thế mạnh địa phương gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững, xã Bản Liền luôn xác định: Chè là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp, do vậy cần tập trung chỉ đạo chăm sóc đúng quy trình kĩ thuật, trồng dặm thêm tại những diện tích mất khoảng theo từng khu để bảo đảm quy đông đặc của chè; Vận động bà con mua thêm dây thép gai, cọc gia cố để bảo vệ tốt các diện tích chè hiện có, tránh để trâu bò vào phá hoại. Xã cũng đã chú trọng đề ra nhiều giải pháp tạo đột phá trong phát triển chăn nuôi, trồng trọt để sớm đạt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 12%. Thu nhập người dân đạt trên 50 triệu đồng/người/ năm... như tăng cường vụ Đông Xuân từ 20-22ha trở lên; triển khai từ 10-20 ha lúa xuân theo mô hình “cánh đồng một giống”

Đồng bào người Tày, người Mông Bản Liền hôm nay.. đã biết làm chè hữu cơ thoát nghèo, biết chăm sóc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của HTX chè Bản Liền đưa ra về sản xuất chè sạch, hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, trừ cỏ trong sản xuất, canh tác. Sản phẩm “Chè shan hữu cơ Bản Liền” vừa vinh dự được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 5 sao đầu tiên của tỉnh đã mở ra nhiều cơ hội mới phát triển, nâng cao vị thế vùng chè Bản Liền. Tại các thôn như Đội 1, đội 2, Pắc Kẹ.. bà con chú trọng trồng dặm thêm tại những diện tích chè mất khoảng. Song hành cùng bà con, HTX đã hỗ trợ trên 9 tấn quả giống để trồng dày lại mật độ, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây chè. Và sau tết này, bà con lại tiếp tục trồng thêm hơn 30 ha cây dược liệu dưới tán Chè, mở rộng thêm từ 20-25 ha rau màu vụ đông; từ 10 đến 20 ha lúa xuân theo mô hình cánh đồng một giống...

Và, từ triển vọng của vùng chè Shan Tuyết hữu cơ, từ tinh thần đoàn kết, cần cù lao động, sản xuất của bà con nhân dân cùng những định hướng đúng đắn của cấp ủy, chính quyền địa phương, chúng tôi tin, sẽ có thêm những thành tựu mới trên mảnh đất vùng cao này./.   

Tác giả bài viết: Khuất Linh - Đài PTTH Bắc Hà

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây