Nông thôn mới Lào Cai

http://nongthonmoilaocai.vn


Quýt Mường Khương tiêu thụ ổn định trong bối cảnh dịch bệnh

Quýt là loại cây ăn quả thế mạnh và làm một trong những đặc sản của huyện Mường Khương. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, trái với lo lắng sẽ gặp khó trong tiêu thụ, quýt Mường Khương vẫn khẳng định độ “hot” của mình khi loại nông sản này có những bước đi thuận lợi trong tìm kiếm thị trường.
Thời điểm này, quýt Mường Khương bắt đầu bước vào giai đoạn cuối vụ nhưng tình hình tiêu thụ vẫn khá sôi động. Giá quýt được bán tại Mường Khương giao động từ 18 – 20 nghìn đồng/kg, đây là mức giá khá cao so với cùng kì năm 2020. Theo nhận định chung của người trồng quýt, giá quýt đầu vụ và chính vụ được giữ tương đương với năm trước, giao động 15-20 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, việc tiêu thụ được đánh giá là thuận lợi hơn những năm trước dù dịch bệnh vẫn đang có những ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông hàng hóa.
 
1
Nông dân thị trấn Mường Khương thu hoạch quýt
 
Từ đầu vụ quýt đến nay, chị Ma Thị Chú, Xóm Chợ, thị trấn Mường Khương đã kết nối, tiêu thụ được hơn 100 tấn quýt. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các tiêu thương từ những địa phương khác hạn chế di chuyển dẫn tới việc không thể lên cắt quýt tại vườn như trước kia. Vận dụng những kĩ năng sử dụng mạng xã hội, chị Chú thường xuyên đăng bài viết, hình ảnh, video giới thiệu, phát trực tiếp tại vườn quýt lên mạng xã hội Zalo, Facebook để tiếp cận người dùng. Chị Chú chia sẻ: “Quýt Mường Khương là sản phẩm đặc sản, ngon nổi tiếng trên thị trường, được nhiều người ưa chuộng nên rất dễ bán. Vụ quýt năm nay tiêu thụ rất thuận lợi, giá thành ổn. Trong bối cảnh dịch bệnh, việc lưu thông khó khăn và quýt cũng khó bảo quản nhưng người dân Mường Khương hoàn toàn không phải đổ bỏ một cân quýt nào và cũng không cần kêu gọi giải cứu. Đấy là điều rất đáng mừng với người trồng quýt tại Mường Khương chúng tôi”.

Thương lái không thể đến thu mua trực tiếp, nhiều người trồng quýt đã chủ động tiếp cận khách hàng thông qua nền tảng mạng xã hội. Đây cũng chính là cách làm sáng tạo, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy tiêu thụ quýt Mường Khương trong năm nay. Ngoài ra, qua các kênh kết nối, thương mại điện tử, giới thiệu sản phẩm từ những vụ quýt trước cũng có nhiều cửa hàng, điểm bán, siêu thị trong và ngoài tỉnh kết nối để tiêu thụ quýt cho người dân. Sản phẩm quýt được kí kết hợp đồng tiêu thụ với nhiều cửa hàng, siêu thị lớn thông qua những chương trình kết nối, quảng bá giới thiệu sản phẩm từ những mùa quýt trước. Thương hiệu mà quýt Mường Khương khẳng định được đối với người tiêu dùng đã tạo cơ sở cho việc duy trì kết nối lâu dài.

Bên cạnh việc mở rộng thị trường qua các kênh kết nối thương mại điện tử, vụ quýt năm nay, một phần sản lượng đã được người dân liên kết với hợp tác xã để chế biến sâu, thuận tiện cho việc bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ. Cụ thể, trong mùa quýt này, ngoài việc kết nối để bán sản phẩm quýt tươi, Hợp tác xã Cộng đồng Mường Khương đã thu mua hơn 70 tấn quýt phục vụ cho chế biến.
 
2
Quýt được Hợp tác xã Cộng đồng Mường Khương chế biến thành nhiều sản phẩm
 
Anh Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Hợp tác xã Cộng đồng Mường Khương cho biết: “Hợp tác xã liên kết với người dân, thu mua quýt để chế biến thành các sản phẩm như tinh dầu quýt, siro quýt, trần bì quýt và rượu quýt. Các sản phẩm này cũng đang được hợp tác xã hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để xây dựng thành sản phẩm OCOP. Chúng tôi quan tâm đến việc chế biến sâu với mong muốn đa dạng hóa các sản phẩm từ quýt, nâng cao giá trị gia tăng. Quýt qua chế biến sẽ tăng thời gian bảo quản, giảm áp lực tiêu thụ tại thị trường tươi, thuận tiện hơn trong vận chuyển. Bên cạnh sản phẩm quýt, Hợp tác xã cũng có dự định sẽ liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến sâu một số loại quả khác như xoài, dứa, chuối…để nâng cao giá trị kinh tế cho người dân”.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, huyện Mường Khương hiện có 815 ha quýt, trong đó diện tích cho thu hoạch 356 ha, năng suất ước đạt 10,5 tấn/ha, sản lượng ước đạt 3.738 tấn. Việc tiêu thụ quýt diễn ra thuận lợi, thậm chí khi bước sang giai đoạn cuối vụ sản xuất, sản phẩm quýt bắt đầu “khan hàng”, giá tăng nhẹ. Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương đánh giá: “Trong bối cảnh dịch bệnh, ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương và chính người dân đã chuẩn bị tinh thần và có nhiều phương án chủ động từ khâu sản xuất đến tiêu thụ để có một vụ quýt thắng lợi. Trên cơ sở những mối liên kết từ hoạt động xúc tiến thương mại những năm trước, vụ quýt năm nay Mường Khương tiếp tục nhận được những đơn hàng từ những đối tác là các siêu thị, cửa hàng trong và ngoài tỉnh. Quýt cũng được đưa lên các sàn thương mại điện tử, tiếp cận quảng bá tới người dùng cả nước. Người dân cũng rất chủ động, sáng tạo trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ trên nền tảng mạng xã hội. Đến thời điểm này, có thể đánh giá vụ quýt năm nay người dân thắng lợi lớn dù dịch bệnh Covid vẫn có nhiều tác động tiêu cực tới sản xuất và lưu thông hàng hóa”.

Tác giả bài viết: Thuý Phượng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây