Sín Chéng đang “chạm đích”
- Chủ nhật - 03/12/2017 09:22
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Diện mạo nông thôn khởi sắc, đường bê tông kiên cố chạy dài đến từng thôn, bản là những điều dễ nhận thấy ở xã Sín Chéng thời điểm này. Để có kết quả ấy, không thể không nhắc đến sự đóng góp của người dân trong xây dựng nông thôn mới.
Tuyến đường liên thôn Đập Tràn - Sín Chải là một trong nhiều công trình được xây dựng dựa trên sự đóng góp, ủng hộ của nhân dân. Ngay khi xã có chủ trương xây dựng tuyến đường, người dân trong thôn đồng tình, ủng hộ cao. Mỗi hộ dân trong thôn đóng góp 1 triệu đồng để làm đường. Bên cạnh đó, nhiều hộ tích cực hiến đất mở đường, như các gia đình, ông Hầu A Giáo (thôn Mào Sao Chải) hiến gần 850 m2, ông Ma A Náo (thôn Bản Kha) hiến 520 m2, ông Thào A Sáng (thôn Sín Chải) hiến 200 m2, ông Sùng Văn Sưởng (thôn Bản Giáng) tự nguyện di chuyển ngôi nhà bán kiên cố trị giá gần 70 triệu đồng và hiến đất ruộng làm đường giao thông nông thôn... Đến nay, 100% đường trục xã, liên xã (8 km) đã được rải nhựa và bê tông hóa; 19,79 km đường liên thôn được cứng hóa, trong đó đã đổ bê tông xi măng được 12,3 km; đường ngõ xóm, đường nội đồng cũng được cứng hóa.
Không chỉ đóng góp kinh phí, người dân còn tình nguyện tham gia ngày công lao động, giám sát xây dựng công trình… Ông Thào A Chứ, Trưởng thôn Sín Chải cho biết: Bà con trong thôn đều hiểu rõ ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là lợi ích của đường giao thông nông thôn, nên tích cực tham gia ủng hộ để hoàn thành tiêu chí giao thông và nhiều tiêu chí khác. Ngoài đường giao thông, những năm qua, bà con còn tham gia đóng góp công lao động và hiến đất để xây dựng nhà văn hóa.
Để thay đổi diện mạo nông thôn cũng như tập trung nguồn lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân trên địa bàn xã đẩy mạnh thi đua lao động sản xuất, nâng cao thu nhập. Đối với một xã vùng cao như Sín Chéng, trước đây, người dân trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa chú trọng sản xuất hàng hóa. Nhưng đến nay, bà con đã mạnh dạn chuyển từ cây trồng truyền thống sang một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, như sa nhân tím (7 ha), rau trái vụ (4,8 ha) hay một số cây ăn quả như lê, mận Tả Van, hồng không hạt…
Trong chăn nuôi, trước đây, bà con chủ yếu dựa vào lợi thế của địa phương có đồng cỏ tự nhiên rộng, nên chưa mạnh dạn đầu tư thức ăn chăn nuôi. Nhờ được tuyên truyền, người dân tích cực chuyển đổi từ chăn thả sang nuôi nhốt, kết hợp trồng cỏ VA06, cỏ voi và tận dụng thức ăn tự nhiên, đồng thời áp dụng các biện pháp để chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi trong mùa đông. Hiện, Sín Chéng có 1.195 con trâu, gần 200 con bò. Việc phát triển giống vịt Sín Chéng theo hướng hàng hóa cũng được duy trì và đẩy mạnh. Bên cạnh đó, xã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi gà đen, gà thả đồi, lợn đen bản địa, lợn cắp nách… cho hiệu quả kinh tế cao. Thu nhập bình quân của người dân tăng từ 22,17 triệu đồng/năm (năm 2016) lên 26,1 triệu đồng/năm (năm 2017). Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, hiện chỉ còn 11,47%.
Theo ông Cư Seo Chúng, Phó Chủ tịch UBND xã Sín Chéng, nhờ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập mà người dân đã mạnh dạn đóng góp tiền, cùng Nhà nước xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2011 - 2017, xã Sín Chéng đã huy động được hơn 86 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới (ngân sách nhà nước là 78,1 tỷ đồng, nhân dân đóp góp hơn 7,9 tỷ đồng). Nguồn ngân sách được phân bổ hợp lý cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng; trong đó tập trung làm đường giao thông nông thôn (39,59 tỷ đồng); xây dựng, tu sửa trường học (15,52 tỷ đồng); đầu tư hệ thống thủy lợi (11,98 tỷ đồng); hơn 18 tỷ đồng đầu tư cho cơ sở vật chất văn hóa, chợ và cải tạo môi trường, văn hóa - xã hội.
Đến thời điểm này, xã Sín Chéng, đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới, hiện chờ đánh giá và thẩm định của các cấp, ngành để công nhận xã “về đích” nông thôn mới.