Sử Pán: Khó khăn trong giữ vệ sinh môi trường
- Thứ tư - 24/01/2018 15:40
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sử Pán là xã đặc biệt khó khăn, cách trung tâm huyện hơn 10 km. Xã có 4 thôn, bản với 459 hộ, hơn 2.000 nhân khẩu. Năm 2011, khi bắt tay vào thực hiện xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm 70%; hệ thống giao thông trên địa bàn chủ yếu là đường đất, nhỏ hẹp, nên việc đi lại của bà con rất khó khăn; điện lưới chỉ có ở thôn trung tâm, song cũng chỉ cấp được cho hơn 100 hộ... Phó Chủ tịch UBND xã Châu A Quả cho biết: Để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy, chính quyền xã đã họp bàn, thống nhất và đưa ra các phương án, lộ trình. Theo đó, Đảng ủy xã phân công đảng viên phụ trách các chi bộ; tăng cường công tác giám sát, nắm tình hình tại cơ sở, kịp thời đôn đốc, lãnh đạo nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, xã kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân quyên góp, ủng hộ tiền, ngày công, vật liệu để xây dựng các công trình công cộng, như điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa thôn; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hộ gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập. Từ đó đến nay, xã đã hoàn thành 11/19 tiêu chí.
Đồng bào thôn Hòa Sử Pán 1 san mặt bằng xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt. |
Tuy nhiên, việc thực hiện những chỉ tiêu về vệ sinh môi trường thuộc tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm nhìn chung rất khó khăn. Nguyên nhân là do kinh tế của xã chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, quy mô nhỏ lẻ, phân tán; nhu cầu về xây dựng hạ tầng lớn, trong khi nguồn kinh phí hạn chế; việc huy động đóng góp gặp khó khăn do thu nhập của người dân còn hạn chế; một số tập quán lạc hậu vẫn tồn tại… Mặc dù, xã đã quy hoạch diện tích đất làm khu xử lý, cấp nước sinh hoạt tập trung cho thôn Hòa Sử Pán 1, tuy nhiên, do thiếu kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng và mua trang - thiết bị, máy móc, nên đến nay công trình vẫn chưa được triển khai. Ngoài ra, đập đầu mối lấy nước ở thôn Hòa Sử Pán 2, Vạn Dền Sử 1 đã bị hỏng, chưa được đầu tư nâng cấp, khiến nguồn nước không bảo đảm phục vụ sinh hoạt cho hộ dân và tưới cho trên 100 ha đất nông nghiệp.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, thời gian qua, ở xã Sử Pán, nếu gia đình nào có người chết thì tự tìm nơi mai táng trên diện tích đất của gia đình (xã chưa có nghĩa trang theo quy hoạch), chưa phù hợp với quy hoạch nông thôn mới, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Ngoài yếu tố khách quan ảnh hưởng đến việc thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, còn có yếu tố chủ quan, như chính quyền còn buông lỏng quản lý việc người dân sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp; nhiều hộ dân chưa làm được lò đốt rác, nên phần lớn rác thải bị vứt bừa bãi quanh nhà và ngoài vườn, không được xử lý; nước thải sinh hoạt từ các hộ xả thải trực tiếp ra suối, làm ảnh hưởng tới môi trường nước trên địa bàn… Đây là những “rào cản” trên đường về đích nông thôn mới của xã.
Để giải “bài toán” về môi trường, trong thời gian tới, xã Sử Pán xác định rõ nhiệm vụ và đề ra các giải pháp, trong đó, huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ môi trường. Phân công nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên tổ chức thực hiện, gắn mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường đến các tổ chức, người dân với nhiều hình thức và phương pháp phù hợp. Đồng thời, kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân xã hội hóa trong lĩnh vực xây dựng, nhất là việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung ở thôn Hòa Sử Pán 1 và xây dựng nghĩa trang nhân dân ở khu vực thôn Vạn Dền Sử 1. Cùng với đó, làm tốt công tác thu gom, xử lý đối với từng loại rác thải, chất thải; phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, an toàn sinh học; thành lập tổ tự quản về bảo vệ môi trường tại các khu dân cư; xây dựng hương ước bảo vệ môi trường để nâng cao hơn nữa ý thức của người dân…