Sức sống mới Văn Sơn
- Thứ năm - 26/10/2017 09:17
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Phát triển sản xuất và giảm nghèo bền vững
Là xã đầu tiên của huyện Văn Bàn về đích nông thôn mới cuối năm 2014, đến nay, các tiêu chí của Văn Sơn không chỉ được duy trì bền vững, mà nhiều tiêu chí đi vào chiều sâu bằng việc nâng cao chất lượng. Trong đó phải kể đến các tiêu chí thu nhập, hộ nghèo, môi trường và an toàn thực phẩm, nhà ở dân cư... Để nâng cao thu nhập và đời sống người dân, Văn Sơn tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh từ sản xuất nông, lâm nghiệp. Xã chỉ đạo nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao vào sản xuất. Bên cạnh đó, xã khuyến khích người dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt như: Sử dụng phân nén dúi sâu, mô hình cánh đồng một giống, thay đổi giống lúa, ngô địa phương bằng các giống mới có năng suất, chất lượng cao. Mô hình cánh đồng 100 triệu đồng/ha, cánh đồng một giống... được triển khai đã làm thay đổi đời sống của người dân và diện mạo nông thôn.
Trong chăn nuôi, xã vận động nhân dân phát triển chăn nuôi quy mô gia trại, trang trại. Vật nuôi được lựa chọn là thế mạnh của địa phương gồm cá, gà, dê... chủ yếu được người dân nuôi theo phương thức truyền thống, tận dụng thức ăn tự nhiên sẵn có. Các sản phẩm làm ra có chất lượng cao, đầu ra ổn định. Toàn xã có trên 5.000 con gia súc, 53.500 con gia cầm, hơn 25 ha ao nuôi cá, tổng sản lượng thịt hơi đạt 410 tấn/năm. Rừng được xác định là hướng đi mũi nhọn để phát triển kinh tế địa phương. Những diện tích đất trống, đồi trọc hay đất trồng ngô, sắn, cọ, rừng tạp kém hiệu quả được chuyển đổi và phủ xanh bởi quế và mỡ. Nhờ phát triển kinh tế rừng mà nhiều hộ đã xây nhà, mua xe máy, sắm sửa tiện nghi sinh hoạt đầy đủ, có điều kiện chăm lo con cái học hành.
Đường vào các thôn của Văn Sơn đã được bê tông phong quang, sạch đẹp. |
Hiện, trên địa bàn có hơn 50 hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ, vật liệu xây dựng; 10 hộ kinh doanh dịch vụ vận tải, vận chuyển hàng hóa. Nhân dân trong xã thành lập được 13 tổ xây dựng, mỗi tổ từ 5 - 7 người, chuyên cung cấp vật liệu và nhận thi công các công trình xây dựng. Nhờ đó, xã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất kinh, doanh giỏi. Thu nhập bình quân đầu người đạt 31 triệu đồng/năm (tăng 3 triệu đồng so với năm 2015), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5%, số hộ có nhà ở kiên cố đạt hơn 80%.
Tạo sự đồng thuận trong nhân dân
Việc phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới đã khó, nhưng duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí còn khó hơn. Đồng chí Trần Văn Thành, Bí thư Đảng ủy xã Văn Sơn cho biết: Để duy trì xã nông thôn mới, nhất là với các tiêu chí “mềm” như giáo dục và đào tạo, văn hóa, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm… xã ban hành các nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có kế hoạch chi tiết để nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới.
Để triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả nghị quyết đã đề ra, Đảng ủy xã xác định yếu tố quan trọng là nâng cao năng lực lãnh đạo, trong đó chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của các chi bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Để đảm bảo các buổi sinh hoạt chi bộ diễn ra nghiêm túc, chất lượng, Đảng ủy xã phân công các đồng chí cấp ủy viên phụ trách từng chi bộ và cùng dự sinh hoạt để nắm tình hình cơ sở. Vào sáng thứ 2 hằng tuần, lãnh đạo Đảng ủy xã tổ chức giao ban, nghe các đồng chí phụ trách chi bộ thông báo tình hình và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ tuần tới. Qua đó, nhiều vấn đề vướng mắc, phát sinh được chỉ đạo giải quyết kịp thời. Đối với nghị quyết chuyên đề về nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, Đảng ủy xã triển khai sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, giáo viên, người dân có con em trong độ tuổi đến trường. Các gia đình đã quan tâm cho con em đi học đầy đủ, tích cực ủng hộ quỹ khuyến học. Do vậy, chất lượng giáo dục của xã luôn đứng tốp đầu trong toàn huyện.
Kết quả duy trì tiêu chí lao động có việc làm và thu nhập cũng xuất phát từ việc minh bạch, dân chủ, tạo đồng thuận trong nhân dân về các dự án, kế hoạch, chỉ tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngoài số lao động có sức khỏe làm việc ở các nhà máy trong Khu Công nghiệp Tằng Loỏng (Bảo Thắng), xã kết nối với các đơn vị, địa phương tạo việc làm cho lao động trong độ tuổi từ 40 - 50 (thuộc các tổ nhóm xây dựng)… Đối với tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, việc duy trì các hố đựng rác tại gia đình, định kỳ vệ sinh đường làng, ngõ xóm, giữ gìn vệ sinh trong chăn nuôi được các thôn đưa vào quy ước và tạo thành nếp sống trong cộng đồng dân cư. Các thôn cũng đưa ra nhiều giải pháp và ký cam kết với từng hộ về chăn nuôi an toàn, đảm bảo vệ sinh. Để người dân được chăm sóc sức khỏe tốt nhất, xã tích cực vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế (đạt gần 80%). Sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền và người dân đã giúp Văn Sơn hôm nay “khoác” trên mình “áo mới”.