Nông thôn mới Lào Cai

http://nongthonmoilaocai.vn


TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CHO NTM XÓA NGHÈO BỀN VỮNG

Ngoài cơ sở chính là trường Cao đẳng dạy nghề, Lào Cai còn có 42 trung tâm đào tạo cấp cơ sở huyện, thành phố và các doanh nghiệp. Đây là những đơn vị đã đóng góp đáng kể vào công tác hướng nghiệp dạy nghề cho lao động tại chỗ và công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chuyển dịch linh hoạt từ nông lâm nghiệp sang phi nông nghiệp tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động ở các vùng nông thôn còn khó khăn trong tỉnh.
Nhìn từ thực tế các địa phương trong tỉnh, trước đây sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, thanh niên nông thôn không ra khỏi lũy tre làng thì nay phần đông sau khi học hết phổ thông trung học đã theo học nghề sửa chữa cơ khí, nghề điện, nấu ăn và các dịch vụ sửa chữa khác, biến họ từ nông dân thành thị dân có nhiều nguồn thu nhập cao từ lao động phi nông nghiệp. Ngay như sản xuất nông nghiệp cũng có nhiều thay đổi. Thứ nhất là quan niệm độc canh, độc con không còn mà thay vào đó là những cây con giống mới. Thứ hai là lối canh tác cũ cấy chay, bừa chùi, được chăng hay chớ bị phá vỡ mà thay vào đó là những cánh đồng chuyên canh, những nhà lưới, nhà kính trồng rau, những trang trại chăn nuôi quy mô lớn, sạch bệnh, năng suất cao, giá trị lớn gấp nhiều lần như: gạo chất lượng cao Séng Cù, đặc sản miến đao, rượu Sim San của huyện Bát Xát, rượu Bản Phố (Bắc Hà) rau sạch Sa Pa, Quang Kim, chè Bảo Thắng; lợn cắp nách Si Ma Cai, gà bản Văn Bàn, thịt trâu sấy Bảo Yên, trồng hoa, trồng cây ăn quả có múi ở Sa Pa, Bảo Thắng, Mường Khương, thêu dệt thổ cẩm ở các huyện vùng cao… đã đáp ứng ngày càng cao nhu cầu người tiêu dùng.
 
IMG 1758
Đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn

Chuyển biến từ các địa phương
 
Theo bà Ma Thị Thúy Lan - Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Bát Xát: Hiện nay Bát Xát có 44.639 người trong độ tuổi lao động đang làm việc trên địa bàn huyện. Trong đó, lĩnh vực nông lâm nghiệp chiếm 82,73%, công nghiệp - xây dựng chiếm 2,86%, dịch vụ 14,26%. Trong đó, số lao động có tay nghề chiếm tỷ lệ dưới 50%. Theo thống kê, giai đoạn 2016 – 2018, Bát Xát có gần 3.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề, nâng tỷ lệ người lao động qua đào tạo lên 40,57% tăng 4,37% so với giai đoạn 2010-2015.

Các huyện Bảo Thắng, Bắc Hà, Mường Khương, Văn Bàn, Sa Pa, Bảo Yên, TP. Lào Cai cũng là những địa phương tích cực làm công tác hướng nghiệp dạy nghề và đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ngoài các lĩnh vực: Xây dựng, điện xí nghiệp, lắp ráp ô tô, du lịch, kỹ thuật, các cơ sở đào tạo đặc biệt chú ý tới một số ngành nghề đặc thù của địa phương như: Thú y, nuôi trồng thủy sản, kỹ thuật trồng lúa năng suất chất lượng cao, trồng ngô lai, trồng cây ăn quả, cây dược liệu, chăn nuôi...

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn UBND các huyện đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho lao động nông thôn về vai trò, ý nghĩa của công tác đào tạo nghề đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về dạy nghề cho lao động nông thôn từ đó huy động sự vào cuộc của các ngành đoàn thể ở địa phương tích cực tuyên truyền, vận động hội viên tham gia học nghề, tham gia vào công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Với con số trên 75% lao động qua đào tạo được giải quyết việc làm, điều đó khẳng định việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn tại các địa phương trong tỉnh trong những năm qua đã đem lại hiệu quả đáng kể góp phần đảm bảo nhu cầu cuộc sống và giảm áp lực việc làm cho thanh niên nông thôn, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn vùng cao.

Tác giả bài viết: Lục Văn Toán

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây