Tháo “nút thắt” trong thực hiện vệ sinh môi trường nông thôn. Bài cuối: Tháo “nút thắt”
- Thứ tư - 27/06/2018 09:52
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sau 7 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Lào Cai có 35 xã đạt tiêu chí môi trường. Năm 2018, tỉnh phấn đấu có thêm 10 xã đạt tiêu chí này. Có thể kể đến một số nguyên nhân khiến tiêu chí môi trường khó hoàn thành tại các địa phương, như: Một bộ phận không nhỏ dân cư còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa tích cực tham gia và hưởng ứng phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới; nhận thức, thói quen, phong tục, tập quán, điều kiện kinh tế của người dân, nhất là ở các xã vùng cao còn gặp nhiều khó khăn...
Người dân thôn Cóc 2, xã Tả Phời (thành phố Lào Cai) vận chuyển xi măng đổ bê tông đường giao thông nông thôn. |
Xác định bảo vệ môi trường chính là bảo vệ, nâng cao sức khỏe của mỗi người dân, do đó, dù còn nhiều khó khăn, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt vào cuộc. Cụ thể, Ủy ban MTTQ và các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Chỉ tính riêng trong quý I/2018, hội nông dân các cấp trong tỉnh đã tổ chức 1.296 buổi tuyên truyền cho trên 45.000 lượt cán bộ, hội viên; Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức 5 lớp tập huấn về thực hiện “5 không, 3 sạch”; Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức 286 buổi tuyên truyền đến các chi hội với trên 8.800 lượt người tham gia; Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức 1.864 buổi tuyên truyền cho trên 12.500 lượt người; Tỉnh đoàn tổ chức 23 lớp tập huấn, tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới…
Theo ông Bùi Công Khanh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh, khó khăn lớn nhất của Lào Cai khi thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm không phải nằm ở nguồn lực đầu tư, mà cần phải thay đổi tập quán sinh hoạt, chăn nuôi của người dân. Xác định đây là nội dung khó và phải thực hiện thường xuyên, lâu dài, ngay từ đầu năm, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh đã tham mưu cho tỉnh ban hành kế hoạch vệ sinh môi trường nông thôn; giao đoàn thanh niên chủ trì, phối hợp với hội nông dân, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh các cấp trong tỉnh triển khai thực hiện phong trào thi đua “Vệ sinh môi trường nông thôn”. Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; phát động nhân dân thực hiện vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh hằng tuần. Việc vận động nhân dân ăn, ở sạch, xây dựng các công trình phụ hợp vệ sinh, làm chuồng nuôi nhốt gia súc ra xa nhà, xây lò đốt rác mini, không thả rông gia súc... cũng thường xuyên được triển khai. Đến hết quý I/2018, toàn tỉnh làm mới 867 nhà tiêu hợp vệ sinh; 343 chuồng trại chăn nuôi; đào 750 hố rác gia đình; nâng cấp, sửa chữa và làm mới 252 nhà ở...
Bên cạnh những giải pháp kể trên, tỉnh đặc biệt coi trọng việc nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo của các địa phương trong thực hiện tiêu chí này. Có thể kể đến một số mô hình hiệu quả như thu gom rác thải, hình thành khu nhốt gia súc tập trung tại Quang Kim (Bát Xát); hoạt động “Ngày Chủ nhật xanh” của đoàn thanh niên các cấp; mô hình “Phụ nữ tự quản đường giao thông nông thôn” do hội phụ nữ các cấp triển khai…
Người dân xây tường bao, quy hoạch vườn rau xanh. |
Trên tinh thần chỉ đạo chung của tỉnh, các địa phương lại có cách làm riêng, sáng tạo, phù hợp với thực tế, tất cả vì mục tiêu cải thiện môi trường sống. Chính vì thế, dù là tiêu chí khó thực hiện, nhưng tại một số địa phương, nhờ làm tốt việc huy động sự vào cuộc của nhân dân, nên đã biến hạn chế thành lợi thế, sớm hoàn thành tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm.
Những năm gần đây, thôn Cóc 2, xã Tả Phời (thành phố Lào Cai) được đánh giá thực hiện tốt công tác giữ gìn vệ sinh môi trường. Trước thời điểm xã triển khai xây dựng nông thôn mới, Cóc 2 cũng giống nhiều thôn bản vùng cao trong tỉnh, thường xuyên xuất hiện tình trạng gia súc phóng uế bừa bãi. Nhưng giờ điều đó đã thay đổi nhờ chính quyền xã tích cực tuyên truyền, đồng thời phát huy vai trò tiên phong của đảng viên, người có uy tín trong thực hiện giữ gìn môi trường sống. Do đó, dù diện tích đất sử dụng không nhiều, nhưng các hộ đã chủ động quy hoạch khu chuồng nuôi nhốt gia súc, đầu tư đào hầm biogas để xử lý chất thải và tận dụng làm khí đốt. Bà con dần làm quen, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng các loại phân đã qua xử lý thân thiện với môi trường. Hiện, 100% hộ trong thôn đã có nhà vệ sinh đạt chuẩn, có hố xử lý rác thải đúng quy định. Các hộ chủ động chỉnh trang nhà ở, quy hoạch vườn trồng rau xanh để đạt tiêu chí “Nhà sạch, vườn đẹp”; tham gia vệ sinh đường nội thôn, liên thôn mỗi dịp cuối tuần...
Có thể nói, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các ngành hữu quan thì việc giữ gìn môi trường tại các vùng nông thôn phụ thuộc vào chính mỗi người dân. Muốn gỡ nút thắt về tiêu chí môi trường, cần sự chung tay, nâng cao ý thức của những người “buộc nút”.