Ưu tiên phát triển giao thông nông thôn
- Thứ tư - 13/09/2017 08:51
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cũng như Lùng Vai, các xã trên địa bàn huyện Mường Khương đã và đang đẩy mạnh thực hiện tiêu chí giao thông. Ông Đinh Trọng Khôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết: Trong xây dựng nông thôn mới, xác định giao thông là tiêu chí quan trọng, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội và hoàn thành các tiêu chí khác, huyện luôn chú trọng, ưu tiên nguồn lực để cải tạo, nâng cấp, mở mới các tuyến đường. Nhiều nguồn lực được huy động để thực hiện tiêu chí này, trong đó có ngân sách địa phương, nguồn vốn WB, Nghị quyết 30a của Chính phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình Hạnh phúc tỉnh Lào Cai và vận động các đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân cùng góp sức. Nhờ đó, hệ thống giao thông trên địa bàn huyện dần hoàn thiện. Ngoài các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên xã được rải nhựa, đi lại thuận tiện suốt bốn mùa, hệ thống đường trục xã, trục thôn cũng được đầu tư rải cấp phối, rải nhựa và đổ bê tông xi măng. Đến nay, có hơn 200 km đường giao thông nông thôn được rải nhựa và bê tông xi măng, còn lại rải cấp phối. Những tuyến đường được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Còn tại huyện Si Ma Cai, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, do địa hình bị chia cắt mạnh, dân cư ở phân tán, nên trước năm 2010, hầu hết đường giao thông đến các thôn đều là những tuyến đường mòn, dốc núi, đi lại rất khó khăn, vất vả. Ngay khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới vào năm 2011, huyện xác định giao thông là một trong những tiêu chí quan trọng cần ưu tiên đầu tư. Từ nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh và huy động nguồn nội lực trong nhân dân, toàn huyện đã mở mới được trên 180 km đường giao thông nông thôn, rải cấp phối gần 80 km, đổ bê tông xi măng gần 200 km.
Tương tự, mạng lưới giao thông tại các huyện Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, Bảo Yên, Văn Bàn trong những năm gần đây cũng ngày càng hoàn thiện. Các tuyến tỉnh lộ, đường liên xã, đến đường liên thôn, ngõ xóm đều được ưu tiên đầu tư xây dựng, mở mới, nối liền các thôn, xã và từ các xã về trung tâm huyện, giúp việc đi lại, lưu thông hàng hóa của nhân dân thuận tiện hơn.
Theo thống kê của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện đầu tư mới gần 3.500 km đường giao thông nông thôn, trong đó, mở mới trên 700 km, rải cấp phối trên 900 km, đổ bê tông xi măng gần 1.900 km. Đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 31/143 xã đạt chuẩn về tiêu chí giao thông và phấn đấu đến cuối năm 2017 có thêm 8 - 10 xã đạt tiêu chí này.
Với việc ưu tiên nguồn lực trong thực hiện, nhiều tuyến giao thông nông thôn trong tỉnh được đầu tư, mở rộng, góp phần đẩy mạnh giao thương hàng hóa, thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống của người dân, nhất là vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.