Văn Bàn: Huy động sức dân để phát triển giao thông
- Thứ tư - 03/01/2018 13:53
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, lồng ghép nguồn vốn từ các Chương trình 135, dự án ODA của các tổ chức phi chính phủ, nguồn vốn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, sự giúp đỡ của các tổ chức, doanh nghiệp, cùng sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Văn Bàn đã được bê tông hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Để có được sự đồng thuận của người dân, các cấp, ngành trên địa bàn huyện xác định công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa của xây dựng nông thôn mới nói chung, làm đường giao thông nông thôn nói riêng rất quan trọng. Theo đó, kế hoạch mở mới, đổ bê tông các tuyến đường được triển khai đến từng hộ dân, giúp người dân hiểu được trách nhiệm, quyền lợi của mình, những việc cần đóng góp, cũng như sự tham gia giám sát của người dân. Hiểu được lợi ích, ý nghĩa của việc làm đường giao thông nông thôn, người dân đã hiến hàng nghìn m2 đất, hàng chục nghìn ngày công lao động… để thi công các công trình. Cùng đó, huyện tập trung thu hút vốn đầu tư, kêu gọi sự giúp đỡ từ các tổ chức, cá nhân… trong việc cải tạo, nâng cấp, mở mới các tuyến đường.
Người dân Võ Lao tích cực tham gia làm đường giao thông nông thôn. |
Điều dễ nhận thấy tại Văn Bàn, không khí làm đường bê tông nhộn nhịp khắp nơi, ngay từ đầu năm và kéo dài trong cả năm. Các địa phương thường chọn dịp sau Tết Nguyên đán để phát động xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung vào việc làm đường. Có mặt tại buổi phát động làm đường giao thông nông thôn xã Liêm Phú, thi công tuyến đường liên thôn Giằng - Liêm - Him Ban, chúng tôi cảm nhận được không khí sôi nổi, khẩn trương của chính quyền địa phương và người dân. Mỗi người một công việc, người chở cát, sỏi, người trộn bê tông, người cán vữa... tất cả đều mong muốn thi công tuyến đường trong thời gian ngắn nhất. Gạt vội những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, ông Lê Hạnh Xuân, thôn Giằng, xã Liêm Phú chia sẻ: “Đường liên thôn trước đây đi lại khó khăn, nhất là trong mùa mưa. Tuyến đường được đổ bê tông là mong ước từ lâu của người dân 3 thôn, nên khi khởi công, mọi người đều nhiệt tình tham gia, với hy vọng tuyến đường hoàn thành sẽ giúp người dân phát triển kinh tế, trẻ em đến trường thuận lợi”. Để làm tuyến đường này, nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến hàng trăm m2 đất, như hộ các ông La Văn Xuân, Vi Văn Tâm…
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Quốc Ninh, cán bộ Văn phòng điều phối Nông thôn mới huyện Văn Bàn cho biết: Những năm gần đây, phong trào làm đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện phát triển mạnh. Năm 2017 được xác định là “Năm làm đường giao thông nông thôn” ở Văn Bàn. Có được kết quả đó là nhờ “chính quyền quyết tâm, người dân đồng thuận”. Nhiều xã đã hoàn thành tiêu chí giao thông trong năm nay.
Từ đầu năm đến nay, huyện Văn Bàn đã làm được 67,2 km đường giao thông nông thôn (33,8 km đường bê tông xi măng và 32,4 km đường rải cấp phối). Người dân hiến trên 8.200 m2 đất, đóng góp gần 34.000 ngày công lao động (trị giá trên 6,7 tỷ đồng, tăng gần 5 lần so với năm 2016). Trong đó, xã Võ Lao và Khánh Yên Hạ là điển hình về phát triển giao thông nông thôn năm 2017.
Là một trong những hộ dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới tại xã Khánh Yên Hạ, ông Nguyễn Thế Hùng, thôn Pắc Sung cho biết: Không chỉ tôi, mà mọi người dân trong thôn, xã đều nhận thấy lợi ích, ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là việc hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn. Trước đây, khi đường chưa được kiên cố hóa, bà con đi lại vất vả, việc vận chuyển vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản đều gặp khó khăn. Những tuyến đường lần lượt hoàn thành giúp việc đi lại và giao thương trên địa bàn thuận tiện hơn.
Hiện, 22,13 km đường trục thôn, nội thôn của xã Võ Lao được cứng hóa (đổ bê tông 15,57 km, rải cấp phối 6,56 km); tỷ lệ đường ngõ xóm, đường nội đồng được cứng hóa trên 60%. Còn đối với xã Khánh Yên Hạ, tỷ lệ đường trục xã, liên xã được đổ bê tông chiếm 73,6%; 17/21 công trình đường liên thôn, với chiều dài 13,5/17,5 km được bê tông hóa và rải cấp phối; tỷ lệ đường ngõ xóm, đường nội đồng được cứng hóa trên 70%. Hệ thống đường giao thông nông thôn phát triển đã tạo điều kiện thuận lợi để các xã hoàn thành những tiêu chí khác trong xây dựng nông thôn mới. Võ Lao và Khánh Yên Hạ cũng là 2 xã của huyện Văn Bàn về đích nông thôn mới trong năm 2017.
Để tiếp tục phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, thời gian tới, huyện Văn Bàn tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân, doanh nghiệp tham gia, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.