Đây cũng là sản phẩm tiêu biểu của hội viên người DTTS ở huyện vùng cao này, vừa vừa vinh dự đạt giải xuất sắc cấp tỉnh trong ngày hội phụ nữ khởi nghiệp tỉnh Lào Cai và được lựa chọn tiếp tục tham gia ngày hội phụ nữ khởi nghiệp cấp trung ương năm 2022.
Là người con đồng bào dân tộc Phù Lá, hiện đang công tác tại trung tâm y tế huyện Bắc Hà, chị Sải Thị Bích Huế, sinh năm 1989 trú tại thôn Na Pắc Ngam, xã Tà Chải đã lựa chọn “khởi nghiệp” từ quả mận Tam Hoa- một loại nông sản thế mạnh của địa phương. Toàn huyện Bắc Hà hiện đang có khoảng 308 ha diện tích trồng mận tam hoa, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 3.000 tấn quả. Bắc Hà là địa danh du lịch cấp tỉnh, trong khi đó, Mận tam hoa lại là đặc sản của địa phương, có mẫu mã đẹp, giòn, ngon, ngọt, giá trị dinh dưỡng cao, được khách du lịch ưu chuộng. Tuy nhiên hiện nay, việc bảo quản, đóng gói để trở thành sản phẩm hữu cơ mang tính thương hiệu chưa được đề cao.
Từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước và thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều hoạt động văn hóa du lịch phải hủy bỏ, do vậy vắng bóng khách du lịch khiến việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản bản địa nói chung, mận Tam Hoa nói riêng ở Bắc Hà gặp không ít khó khăn. Chị Sải Thị Bích Huế nhận thấy lâu nay, mận Bắc Hà chỉ được bán ở dạng quả tươi. Thời điểm thu hoạch chỉ diễn ra trong vòng hơn 1 tháng. Trái mận là đặc sản song rất khó bảo quản do vỏ mỏng, dễ dập vỡ và hỏng, giá bán cũng không ổn định. Từ thực tế đó, năm 2020 chị đã cùng gia đình mạnh rạn đứng ra thành lập Hợp tác xã Quang Tôm với 7 thành viên để kinh doanh Mận tam hoa. Cũng từ đó, chị bắt tay nghiên cứu và thử nghiệm chế biến sản phẩm mận tam hoa sấy dẻo với mục đích bảo quản được lâu hơn và trở thành hàng thương phẩm, nâng tầm giá trị của quả mận ở Bắc Hà.
Chị Huế tâm sự: Bước đầu thử nghiệm, do còn thiếu về kinh nghiệm nên HTX Quang Tôm gặp không ít khó khăn do quả mận tam hoa tương đối nhiều nước, kích thước và lượng đường trong quả cũng không đều. Vì vậy, để tạo ra được sản phẩm sấy dẻo, quá trình làm đòi hỏi phải rất tỉ mỉ, kì công, nghiên cứu kỹ về quy trình và hàm lượng đường, sau đó là quá trình sấy cho từng mẻ sản phẩm. Thế là, với mục tiêu tạo ra sản phẩm hữu cơ có giá trị kinh tế cao, chất lượng tốt, chị đã quyết tâm chế biến thành công sản phẩm này.
“Các sản phẩm của HTX Quang Tôm rất vui đã được thị trường chấp nhận, tin tưởng. Đó cũng là động lực để sang năm tới, chúng em có niềm tin tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất. Bước đầu thử nghiệm, sản lượng mận sấy thành phẩm của chúng em tuy chưa nhiều do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, nhà xưởng còn hạn chế về máy móc, nhưng trong tương lai gần chúng em kỳ vọng sẽ tiêu thụ lượng lớn mận tam hoa tươi cho bà con trồng mận Bắc Hà. Kế hoạch năm 2022 dự kiến sẽ mở rộng quy mô, tiêu thụ trên 20 tấn mận tươi, dần dần nhân rộng và nâng cao công suất các anh ạ…”- Chị Huế phấn khởi cho biết.
Đến nay, các sản phẩm mận tam hoa của HTX Quang Tom của chị Huế được chế biến từ những quả mận tươi ngon, không sử dụng chất bảo quản, quy trình sản xuất khép kín đảm bảo an toàn thực phẩm. HTX đã được cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, sản phẩm đã được kiểm nghiệm và công bố chất lượng sản phẩm. "Hiện tại HTX đang tiến hành đăng ký đánh giá sản phẩm OCOP đối với sản phẩm mận tam hoa sấy dẻo. Khi đạt tiêu chuẩn OCOP, sản phẩm sẽ được nâng cao giá trị, tạo được niềm tin cho khách hàng và tạo cơ hội hướng đến các thị trường khó tính khác như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh- chị Huế nói:
Sản phẩm “mận Tam hoa sấy dẻo” của chị Sải Thị Bích Huế.
Trao đổi cùng ông Nguyễn Xuân Giang- Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Hà, chúng tôi được biết: HTX Quang Tôm hiện nay đang là đơn vị đi đầu tại huyện Bắc Hà trong hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ mận tam hoa sấy dẻo, chủ thể ở đây chính là người địa phương, gắn bó với địa phương, có định hướng sản xuất kinh doanh rõ ràng và xuyên suốt quá trình hoạt động là đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm và chịu trách nhiệm tới cùng về sản phẩm của mình với bao bì, nhãn mác rõ ràng, được cấp mã QR truy xuất nguồn gốc tới từng lô sản phẩm. Từ những nỗ lực trên, cho thấy quyết tâm rất lớn từ chủ thể- Chị Sải Thị Bích Huế. Ngành nông nghiệp huyện đánh giá, đây là sản phẩm triển vọng, có tính khả thi cao, bởi từ ý tưởng đến sản phẩm cụ thể, đều có tính thực tiễn rất tốt, chủ thể sản xuất lại rất tích cực, quyết tâm cao trong thực hiện chương trình OCOP năm nay.
Hiện nay, HTX Quang Tôm đang bán sản phẩm “mận Tam Hoa sấy dẻo” dưới hình thức bán hàng tại chỗ, thông qua các đại lý tạp hóa, cửa hàng đặc sản nông sản địa phương, các homestay trên địa bàn… Trong thời gian tới, HTX dự kiến, sẽ tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ, thực hiện bán hàng trên các sàn thương mại điện tử giúp người tiêu dùng tiếp cận gần hơn tới sản phẩm. Muốn vậy, sẽ tập trung mở rộng quy mô nhà xưởng, đầu tư thêm các trang thiết bị hiện đại trong việc sấy dẻo, sấy lạnh, chuẩn bị tinh thần, dồn sức cho vụ thu hoạch mận Tam Hoa và hoa quả địa phương năm 2022. Theo tính toán của HTX, trung bình 100 kg thành phẩm sẽ cần 12-15 công lao động, như vậy sẽ cần thuê thêm lao động để đáp ứng kế hoạch năm 2022 sản xuất ra 5 tấn sản phẩm, như vậy khi hoạt động ổn định, HTX chắc chắn sẽ tạo được rất nhiều việc làm cho lao động địa phương lúc nông nhàn./.