Đơn cử như xã Cốc Lầu, từ tháng 3 đến tháng 10, khi xuất hiện mưa nhiều, cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân đã ưu tiên phát triển nông, lâm nghiệp, như triển khai trồng xong 150 ha rừng theo kế hoạch. Trong thời gian này, người dân và địa phương chỉ tập trung vào việc duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường hiện có và tìm kiếm, ký kết với các đơn vị cung ứng vật tư xây dựng, đảm bảo vật liệu làm đường ở thời điểm cuối năm. Cách làm trên của xã Cốc Lầu đã giải quyết được hai vấn đề quan trọng, đó là giúp địa phương có thể huy động tối đa nhân lực tham gia làm đường giao thông khi thời tiết ít mưa (chỉ tính riêng trong tháng 11, nhân dân trong xã đóng góp hơn 651 ngày công làm đường); đồng thời, đảm bảo được nguồn cung ứng vật liệu xây dựng (xi măng, cát, sỏi) không bị gián đoạn. Do vậy, từ đầu năm đến nay, xã Cốc Lầu có thêm 5 km đường GTNT mở mới, 6,5 km đường được đổ bê tông.Qua tìm hiểu chúng tôi thấy, việc xây dựng kế hoạch làm đường GTNT hằng năm ở địa phương luôn được bàn, tính toán và thống nhất cao của người dân, sao cho hoạt động này tập trung vào các tháng ít mưa nhất trong năm. Cụ thể, năm 2016, việc làm đường giao thông được các xã tập trung thực hiện trong 4 tháng đầu năm và 3 tháng cuối năm. Năm 2017 có thêm tháng nhuận, theo quy luật, mưa lớn sẽ xuất hiện sớm và kết thúc muộn. Thực tế, quy luật này đã lặp lại trong năm, khi ngay từ trung tuần tháng 3 đã xuất hiện những trận mưa rào và đến tận cuối tháng 10 vẫn còn mưa to kéo dài. Trong khi năm 2016, mưa xuất hiện vào cuối tháng 4 và đến trung tuần tháng 9 kết thúc. Do đó, ngay từ khâu lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 nói chung, làm đường GTNT nói riêng, cấp ủy đảng, chính quyền và người dân các xã trên địa bàn huyện Bắc Hà đã chủ động đề ra các giải pháp triển khai thuận theo thời tiết nhằm hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Ông Nguyễn Văn Tín, Chủ tịch UBND xã Cốc Lầu chia sẻ: Bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước, cấp ủy đảng, chính quyền và người dân xã Cốc Lầu sớm họp bàn, thống nhất thời điểm và giải pháp triển khai phù hợp nhất với điều kiện thực tế tại địa phương. Trong đó, yếu tố địa hình từng khu vực và hình thái thời tiết từng tháng trong năm là hai yếu tố chúng tôi không xem nhẹ để xây dựng kế hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội cũng như kế hoạch làm đường GTNT hằng năm.
Tìm hiểu tại các địa phương khác trên địa bàn huyện Bắc Hà, chúng tôi thấy các xã đều chủ động theo dõi tình hình thời tiết để làm đường GTNT. Chính sự chủ động trên đã giúp Bắc Hà đẩy nhanh tiến độ làm đường. Nhờ đó, mạng lưới đường giao thông trên địa bàn huyện không ngừng mở rộng, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Một minh chứng cho điều này là đời sống của 64 hộ dân (100% là đồng bào dân tộc Tày) thôn Nậm Xỏm, xã Bản Già đang đổi thay từng ngày kể từ khi đường giao thông được mở. Ông Vàng Văn Thiên, Trưởng thôn Nậm Xỏm phấn khởi cho biết: Từ ngày đường được mở rộng, đời sống của nhiều hộ dân trong thôn được cải thiện, vì sản phẩm nông nghiệp làm ra đã có người tìm đến thu mua. Cần nói thêm rằng, khi chưa có đường, Nậm Xỏm gần như bị cô lập, bởi nằm cách trung tâm xã Bản Già 14 km, cách trung tâm huyện Bắc Hà 34 km, 100% hộ dân thuộc diện nghèo.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Bắc Hà, trong 11 tháng năm 2017, toàn huyện có thêm 90,5 km đường GTNT được mở mới và đổ bê tông. Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Mai Anh Phương, Phó Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Bắc Hà cho biết: Để có được kết quả trên, cả hệ thống chính trị và người dân huyện Bắc Hà đều nỗ lực vào cuộc, bởi hầu như đường GTNT được thực hiện trong điều kiện địa hình có sự chia cắt mạnh, thời tiết khắc nghiệt và đặc biệt là đời sống người dân còn nhiều khó khăn.
Yếu tố quan trọng giúp mạng lưới GTNT trên địa bàn huyện không ngừng mở rộng là cấp ủy đảng, chính quyền các cấp luôn quan tâm, làm tốt công tác xây dựng kế hoạch làm đường GTNT hằng năm, trong đó yêu cầu các xã phải có sự tham vấn, xin ý kiến nhân dân trước khi triển khai. Cách làm này nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của người dân về cách thức và thời điểm triển khai làm đường sao cho phù hợp với địa hình, thời tiết tại địa phương. Đặc biệt khi thực hiện, các tuyến đường đều được nhân dân ủng hộ bằng những việc làm thiết thực, như hiến đất, góp ngày công lao động...
Việc làm đường GTNT là rất cần thiết, nhưng để triển khai đạt kết quả tốt nhất, cơ sở cần xây dựng kế hoạch phù hợp với thực tế của địa phương, trong đó, yếu tố địa hình và thời tiết cần được xem trọng.
Nguồn tin: Báo Lào Cai
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn