Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh: Du lịch, Văn hóa và Thể thao, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Các đại biểu tham dự cuộc họp.
Phát biểu mở đầu cuộc họp, đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chú tịch UBND tỉnh nhấn mạnh trước khi ký ban hành Đề án Phát triển du lịch cộng đồng gắn với việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2030; Thường trực UBND tỉnh mong muốn được nghe thêm một lần nữa ý kiến của đại biểu các sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương đối với những nội dung còn chưa thống nhất, còn vướng mắc nhằm đạt được hiệu quả cao trong quá trình triển khai thực hiện. Xây dựng, phát triển du lịch cộng đồng dựa trên các tiêu chuẩn trong nước, tiêu chuẩn ASEAN phù hợp với đặc trưng riêng có của từng khu vực. Định hướng phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Lào Cai đến năm 2030 phải phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội; chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch, các quy hoạch liên quan về đất đai, hạ tầng giao thông…; đảm bảo an ninh - quốc phòng của tỉnh.
Đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Tiềm năng, thực trạng du lịch cộng đồng tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015 - 2023 và định hướng phát triển đến năm 2030
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Sở Du lịch cho biết: Nhiệm vụ xây dựng, phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Lào Cai đã được xác định từ rất sớm. Lào Cai là một trong những tỉnh đầu tiên của Việt Nam xây dựng, áp dụng mô hình phát triển du lịch cộng gắn với xoá đói, giảm nghèo cho cộng đồng các dân tộc thiểu số. Giai đoạn trước năm 2015, du lịch cộng đồng chủ yếu phát triển tại Sa Pa và phần lớn mang tính tự phát. Sau đó, du lịch cộng đồng từng bước phát triển có hệ thống và đã được đưa vào Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn 2030. UBND tỉnh Lào Cai, thị xã Sa Pa, huyện Bảo Yên đã ban hành các Kế hoạch liên quan đến xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng. Đặc biệt HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025; hiện đã giải ngân được 32 tỷ đồng cho các hộ gia đình làm du lịch cộng đồng tại 06 huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời ban hành Nghị quyết một số nội dung, mức chi thực hiện các chương trình MTQG; trong đó hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông thôn không quá 500 triệu đồng/sản phẩm và hỗ trợ xây dựng, triển khai mô hình thí điểm phát triển du lịch nông thôn không quá 3.000 triệu đồng/mô hình.
Đến nay trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 13 điểm du lịch cộng đồng được công nhận và hệ thống các làng, thôn, bản có thực hiện các hoạt động kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch. Các điểm du lịch cộng đồng tập trung chủ yếu ở thị xã Sa Pa, huyện Bắc Hà và từng bước mở rộng sang huyện Bát Xát, Bảo Yên. Toàn tỉnh có khoảng 2.000 lao động tham gia hoạt động du lịch cộng đồng. Hiện nay Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chưa ban hành quy định hướng dẫn mô hình quản lý du lịch cộng đồng. Để đáp ứng nhu cầu trên địa bàn, thị xã Sa Pa đã ban hành Quy chế và thành lập Ban Quản lý du lịch cộng đồng tại 05 xã; năm 2023, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định quy định một số nội dung về quản lý hoạt động du lịch, khu du lịch, điểm du lịch; trong đó định hướng, hướng dẫn mô hình chung quản lý du lịch cộng đồng…
Đại diện Sở Du lịch báo cáo về việc xây dựng dự thảo Đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với việc xây dựng nông thôn mới
trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2030
Các dịch vụ, sản phẩm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Lào Cai tương đối đa dạng với các sản phẩm, dịch vụ chính: (1) Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) với 466 cơ sở; 3 nhóm cơ sở lưu trú tại gia của đồng bào dân tộc Giáy tại xã Tả Van (thị xã Sa Pa), dân tộc Tày tại xã Tà Chải (huyện Bắc Hà), xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên) được Hiệp hội du lịch các quốc gia ASEAN công nhận đạt chuẩn homestay ASEAN. (2) Du lịch văn hóa - Khách du lịch trải nghiệm “Một ngày làm nông dân Sa Pa”; hái mận, bẻ ngô, hái quýt, lê tại Bắc Hà, Mường Khương; Lễ hội Xuống đồng của người Giáy, Lễ hội Gầu tào của người Mông, Lễ hội nhảy lửa của người Dao... (3) Du lịch tham quan ruộng bậc thang - Khách du lịch sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của những thửa ruộng bậc thang mùa nước đổ, mùa lúa chín; khu vực ruộng bậc thang ở thung lũng Mường Hoa (thị xã Sa Pa), Thề Pả (huyện Bát Xát) đã được xếp hạng di tích danh thắng cấp quốc gia. (4) Du lịch nông nghiệp - Loại hình này mới phát triển tại Lào Cai cách đây vài năm; du khách sẽ được tận hưởng các sản phẩm từ mô hình trồng nấm hương tại Sa Pa, vườn lê Tai Nung Bát Xát, vườn mận Bắc Hà, trang trại nuôi cá tầm, cá hồi. (5) Du lịch ẩm thực - Phát triển sản phẩm nông nghiệp thành hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch: lợn đen, gà đen, tương ớt Mường Khương, gạo Séng Cù, lạp sườn, thịt trâu sấy, chè chất lượng cao,…
Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch cộng đồng giai đoạn 2015 - 2023 chủ yếu được lồng ghép với hoạt động xúc tiến chung của tỉnh Lào Cai. Đã xây dựng các ẩn phẩm quảng bá du lịch chợ phiên, leo núi, tâm linh, bản đồ Sa Pa, Bắc Hà; in ấn bộ công cụ nhận diện thương hiệu của du lịch Lào Cai, sách ảnh du lịch Lào Cai... Sau thời gian do tác động của dịch Covid-19, du lịch cộng đồng tỉnh Lào Cai từng bước được phục hồi. Năm 2023, du lịch cộng đồng đón khoảng 700.000 lượt khách, doanh thu chiếm khoảng 5% tổng thu từ du lịch của tỉnh. Tuy nhiên hầu hết các điểm du lịch chưa thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của du khách tại địa phương; chưa đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch thiết yếu theo quy định; còn tồn tại vấn đề về xử lý ô nhiễm, vệ sinh môi trường; phần lớn các homestay vẫn chưa được công nhận theo tiêu chuẩn…
Theo dự thảo Đề án, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, Lào Cai phấn đấu đón 1,7 triệu lượt khách tham quan loại hình du lịch cộng đồng; thu từ du lịch cộng đồng chiếm 10% tổng số thu từ khách du lịch của tỉnh. Có 07 mô hình du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn ASEAN, 25 mô hình du lịch cộng đồng đáp ứng điều kiện điểm du lịch cấp tỉnh hoặc TCVN 13259:2020 Du lịch cộng đồng - Yêu cầu về chất lượng dịch vụ; nâng cao chất lượng dịch vụ homestay hiện có, thúc đẩy phát triển mới khoảng 94 cơ sở homestay (đạt 560 cơ sở); tạo việc làm cho 2.500 lao động; nghiên cứu, phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái, ẩm thực, nông nghiệp. Qua đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng thành công nông thôn mới. Dự kiến nhu cầu vốn để thực hiện Đề án gần 338 tỷ đồng.
Đại biểu tích cực tham gia đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự thảo Đề án
Trước khi các đại biểu tham gia ý kiến, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng nội dung đánh giá tiềm năng, thực trạng du lịch cộng đồng tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015 - 2023 tại dự thảo Đề án chiếm dung lượng quá nhiều so với nội dung định hướng phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2030, cần có sự điều chỉnh cho phù hợp; cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, kết hợp nhiều điểm du lịch mới đem lại hiệu quả cao, thu hút được khách du lịch đến các địa phương trong tỉnh; chưa thấy rõ được sự gắn kết nội dung xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn ASEAN, mô hình du lịch cộng đồng đáp ứng điều kiện điểm du lịch cấp tỉnh với hoạt động xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; bóng dáng du lịch nông nghiệp chưa thể hiện rõ trong dự thảo Đề án;…
Lãnh đạo UBND huyện Bát Xát, huyện Bắc Hà, thị xã Sa Pa tham gia ý kiến vào dự thảo Đề án.
Thảo luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố đề nghị điều chỉnh về tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương cho phù hợp với tài nguyên tự nhiên, tài nguyên du lịch văn hoá; quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch như đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, công nghệ thông tin, cơ sở homestay… tạo điều kiện thuận lợi phục vụ du khách và dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các điểm du lịch; tiếp tục duy trì, kéo dài chính sách, cơ chế hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trong giai đoạn sau năm 2025 đến hết năm 2030; hỗ trợ quy hoạch về đất đai bài bản ngay từ đầu để đảm bảo thống nhất trong thực hiện; nghiên cứu, xem xét bổ sung một số điểm du lịch tiềm năng tại huyện Bát Xát, thành phố Lào Cai, huyện Mường Khương; kêu gọi một số doanh nghiệp đầu tư vào phát triển du lịch cộng đồng; phát triển…
Lãnh đạo các sở: Văn hoá và Thể thao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính tham gia ý kiến tại cuộc họp.
Phát biểu tại cuộc họp, lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh cơ bản nhất trí với sự cần thiết, quan điểm, định hướng, mục tiêu… của Đề án; đồng thời cũng tham gia ý kiến về công tác quy hoạch; nguồn kinh phí thực hiện Đề án, rà soát lại để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp theo từng năm, từng nguồn vốn; điều chỉnh phân công nhiệm vụ, xác định rõ nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; nghiên cứu, cân nhắc, lựa chọn một vài nội dung cụ thể, hạng mục công việc chính cần đầu tư thực hiện cho 01 mô hình du lịch cộng đồng; cần quan tâm xây dựng tiêu chuẩn du lịch cấp tỉnh; rà soát, đánh giá lại Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND để xem xét, đề xuất điều chỉnh hoặc ban hành chính sách mới phát triển du lịch cộng đồng cho phù hợp; bổ sung thêm một mục về đảm bảo an ninh trật tự trong thực hiện Đề án; thực hiện về chuyển đổi số trong du lịch, nghiên cứu xây dựng du lịch thực tế ảo để quảng bá, giới thiệu; cần đánh giá chi tiết, cụ thể thực trạng của các địa phương gắn với văn hoá dân tộc đang đề xuất đầu tư xây dựng thực hiện mô hình du lịch cộng đồng trong dự thảo Đề án; bổ sung danh mục về bảo tồn văn hoá để thuận tiện trong việc bố trí kinh phí thực hiện; bổ sung tình hình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tại các địa phương đề xuất đầu tư xây dựng mô hình du lịch cộng đồng; phân tích sâu hơn về tầm quan trọng, vai trò, vị trí, đóng góp của du lịch cộng đồng trong tổng thể quy hoạch chung phát triển du lịch của tỉnh Lào Cai; làm rõ tiềm năng của từng địa phương để triển khai thực hiện các dịch vụ, sản phẩm du lịch cộng đồng; cần có sự liên kết giữa du lịch cộng đồng với các loại du lịch khác để tạo nên sự đa dạng, phong phú, thu hút du khách; các địa phương chủ động rà soát lại quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất tại 32 mô hình, cần lập quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch nông thôn mới gắn với du lịch cộng đồng; xây dựng quy định, quy chế cụ thể trong bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch cộng đồng; đảm bảo điều kiện về an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ tại các điểm du lịch cộng đồng; lựa chọn xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng đặc sắc, tiêu biểu, đảm bảo đầu tư trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình cụ thể; đào tạo nguồn nhân lực du lịch cộng đồng…
Giám đốc và Phó Giám đốc Sở Du lịch phát biểu ý kiến.
Tại cuộc họp, Lãnh đạo Sở Du lịch cho biết triển khai thực hiện chỉ đạo của tỉnh; Sở đã rất cầu thị, chủ động tham vấn ý kiến các chuyên gia và trao đổi, học tập kinh nghiệm của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch một số tỉnh, thành phố để xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Lào Cai. Trên tinh thần Nhà nước tạo điều kiện, các cơ quan, đơn vị hướng dẫn thực hiện, người dân là chủ thể tham gia, triển khai vận hành phát triển du lịch cộng đồng; Sở Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương để hoàn thiện dự thảo Đề án; xây dựng lộ trình chi tiết, cụ thể, các giải pháp trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính khả thi. Đồng thời các đồng chí lãnh đạo Sở Du lịch cũng giải đáp một số ý kiến, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị, địa phương về dự thảo Đề án.
Kết luận cuộc họp, đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh phát triển du lịch là 01 trong 04 lĩnh vực trọng tâm của Lào Cai, tỉnh cũng xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trước khi UBND tỉnh ký phê duyệt, có thể thấy rất nhiều nội dung tại Đề án cần chỉnh sửa, lưu ý thực hiện.
Đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận cuộc họp.
Trước hết là căn cứ pháp lý, trong đó quan tâm nhất là công tác quy hoạch, quy hoạch của các huyện, thị xã, thành phố, quy hoạch các ngành, lĩnh vực đất đai, xây dựng, giao thông... Vấn đề thứ hai là cần làm rõ các lợi thế để tỉnh Lào Cai lựa chọn xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng; đồng thời đánh giá thực trạng xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới tại 32 thôn được lựa chọn đầu tư xây dựng mô hình du lịch cộng đồng; rà soát lại tiềm năng, lợi thế để lựa chọn xây dựng đầu tư các mô hình du lịch cộng đồng đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, tạo sự khác biệt, không trùng các sản phẩm du lịch, đảm bảo tính khả thi. Có giải pháp kết hợp các sản phẩm du lịch; liên kết, kết nối giữa các điểm du lịch cộng đồng, giữa du lịch cộng đồng với các loại hình du lịch khác. Phân công, phân cấp rõ trách nhiệm thực hiện Đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với việc xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai đến năm 2030 của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và người dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề cập đến một số kiến nghị liên quan đến việc triển khai, đề xuất điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết, các chính sách liên quan đến hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Đồng chí nhấn mạnh thời gian rất gấp nhưng đây là một trong các Đề án quan trọng của tỉnh; do đó yêu cầu Sở Du lịch tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu trong cuộc họp ngày hôm nay; chỉnh sửa, bổ sung dự thảo Đề án và gửi xin ý kiến các cơ quan, đơn vị, địa phương; sau đó tổng hợp, hoàn thiện dự thảo Đề án trình UBND tỉnh phê duyệt./.
Nguồn tin: Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Lào Cai
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn