· Đi lên từ một xã nghèo
Cách đây 10 năm, cả 6 thôn bản với trên 3.000 khẩu đồng bào Mông, Dao ở Tả Phìn đều thuộc diện nghèo, cận nghèo với mức thu nhập đầu người chưa đạt tới 10 triệu/người/năm. Tuy nhiên, từ cuối năm 2018 trở lại đây, thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt 31,93 triệu đồng/người/năm.
Theo ông Tô Ngọc Liễn, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa, Tả Phìn là một xã nghèo thuần nông của huyện, với 6 thôn bản, trên 3.000 người sinh sống, chủ yếu là người H'Mông và người Dao. Trước 2010, toàn xã có tới hơn nửa số hộ thuộc diện nghèo đói, kinh tế tự cung tự cấp, số học sinh học lên cấp ba chỉ đếm trên đầu ngón tay, đời sống của bà con rất khó khăn. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã thực sự làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở Tả Phìn. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, người dân xã Tả Phìn đã hiến 10.000m2 đất làm đường giao thông nông thôn. Bởi vậy, đến nay 100% tuyến đường liên xã đã được nhựa hóa; 23,3/28,1km đường liên thôn được cứng hóa, đảm bảo lưu thông cho các phương tiện, đạt 82,9%; hơn 5,7/8km đường ngõ xóm sạch, không lầy lội vào mùa mưa, đạt tỷ lệ 71,2%.
Với phong trào thi đua “Phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân”, năm 2018, xã Tả Phìn đã thực hiện nhiều dự án trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp và chăn nuôi như: Dự án phát triển rau tăng vụ trên đất ruộng lúa; dự án sản xuất hoa địa lan bằng phương pháp tách chồi; dự án trồng địa lan kiếm hồng hoàng; dự án nuôi lợn đen hàng hóa; phát triển đàn bò hàng hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo… Hiện trên địa bàn xã Tả Phìn, số diện tích rau hoa công nghệ cao là 55ha, rau an toàn 25ha. Ngoài ra, từ nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi 5 tỷ đồng cho đối tượng là 6 hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã tạo nguồn lực cho các HTX, doanh nghiệp liên kết với các hộ dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau, hoa. Nhờ vậy, 9 tháng năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 8,6% (6 tháng đầu năm, tỷ lệ hộ nghèo là 14,3%).
· Bước đột phá từ cây thảo dược Tía tô
Tả Phìn vốn được biết đến là cái nôi của thảo dược miền núi phía Bắc với những bài thuốc quý mang đậm tri thức bản địa của các tộc người địa phương, đặc biệt là người Dao, trong đó có cây tía tô là điển hình.
Theo người dân địa phương, đã từ lâu cây tía tô bản địa Tả Phìn mọc ở độ cao 1.400m - 1.500m có màu sắc đậm hơn tía tô thông thường. Cũng do ưu thế về thổ nhưỡng và khi hậu riêng có mà các nhà chuyên môn đều thừa nhận hàm lượng tinh dầu ở cây tía tô Tả Phìn vượt trội cao gấp 3-5 lần so với cây cùng loại trồng ở vùng thấp, đồng thời hàm lượng chất chống oxy hóa cũng cao hơn. Bí quyết này được cô kỹ sư nông nghiệp quê gốc Thái Bình tên Trần Anh Xuân là người có công đầu tiên phát hiện và mạnh dạn thành lập hợp tác xã (HTX) trồng và chế biến tinh dầu tía tô tại Tả Phìn khẳng định. Tin vào điều kỳ diệu này, chị Xuân đã bất chấp lời can ngăn của người thân, mạnh dạn vay vốn và thuê 6 phụ nữ bản địa trồng nhân rộng diện tích cây tía tô lên 3.000m2 ở khu vực Sân Bay, thôn Sả Séng. Tại đây, chị Xuân đã xây dựng mô hình sản xuất khép kín từ trồng, nghiên cứu đến sản xuất các sản phẩm từ tía tô đỏ. Chỉ sau 3 năm, chị Xuân đã xây dựng được vùng nguyên liệu rộng 3 ha với 15 sản phẩm chính từ tía tô như trà túi lọc, cao, tinh dầu tía tô, sữa rửa mặt, dầu gội, sữa tắm... Các sản phẩm này được tung ra thị trường vào đúng thời điểm dịch COVID-19 lây lan diện rộng, nên lượng cung thường không đủ cầu: "Trà, cao, tinh dầu tía tô chúng tôi làm ra tới đâu bán hết tới đó, cháy hàng. Đây chính là bàn đạp để tôi và Hợp tác xã nâng diện tích trồng tía tô từ 3.000m2 lên tới 3ha năm 2021, 10ha năm 2022 và 30ha trong năm 2023 này", chị Xuân cho hay.
Nhận thấy hiệu quả từ trồng cây tía tô bản địa, các hộ dân dần yên tâm và tự trồng vùng nguyên liệu để cung cấp cho Hợp tác xã. Đến thời điểm này, Tả Phìn đã có 30 ha tía tô, tăng gấp 100 lần so với thời điểm 2018.
Quy trình sản xuất tỉ mỉ, cẩn thận, vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn VietGap an toàn và chất lượng tốt. Các sản phẩm của HTX được khách hàng ở các tỉnh, thành trên cả nước đón nhận, thị trường tiêu thụ ổn định. Tỷ lệ khách hàng quay lại sử dụng sản phẩm lên đến trên 80%. Doanh thu của Hợp tác xã trong 8 tháng đầu năm 2023 đạt trên 3 tỷ đồng, bằng doanh thu của cả năm 2022.
*Đưa hương thảo dược nơi đại ngàn bay xa
Dù tuổi đã cao nhưng khi vào vụ thu hoạch, ngày nào, bà Phàn Tả Mẩy (thôn Sả Séng) cũng lên núi để hái tía tô cho Hợp tác xã. Theo bà Mẩy, công việc này không vất vả lại được trả công cao với 250 ngàn đồng/ngày. "Gia đình có thêm thu nhập, tiền thuốc men ốm đau, chi phí sinh hoạt không phải lo như trước nữa", bà Mẩy cho biết.
Từ 6 thành viên ban đầu, hiện tại, Hợp tác xã có hơn 100 thành viên. Với việc phát triển thành công gần 20 sản phẩm từ tía tô, Hợp tác xã tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương với thu nhập từ 7-9 triệu/tháng; tạo việc làm công nhật cho 60 chị em với 250.000 đồng/ngày. Hợp tác xã đang liên kết sản xuất với 30 hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn trồng tía tô để thoát nghèo bằng cách cung cấp giống, chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn quy trình chăm sóc thu hái đồng thời bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Năm nay là năm đầu tiên gia đình chị Lý Mán Mẩy (thôn Sả Séng) liên kết sản xuất với Sa Pa Secrets. Trong vòng 1 tuần, qua 5 lần thu hái, gia đình chị thu được khoảng 1 tấn lá mang về 15 triệu đồng. "Trồng tía tô thu nhập cao gấp 4 đến 5 lần trồng ngô, lại dễ chăm sóc", chị Lý Mán Mẩy chia sẻ.
Chị Xuân xác định mục tiêu bền vững xuyên suốt của Hợp tác xã Sa Pa Secrets là xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn hữu cơ phục vụ sản xuất. Tuy vậy, một số sản phẩm của Hợp tác xã như: tinh dầu, trà... không đủ đáp ứng đơn đặt hàng vì nguồn nguyên liệu hạn chế. Điều đáng nói, thị trường xuất khẩu của các sản phẩm tía tô rất tiềm năng, đặc biệt là tía tô trắng do có chứa nhiều thành phần thiết yếu cho cơ thể như: Omega 3, 6,9, vitamin A, C, chất xơ, chất chống oxy hoá cùng các loại khoáng chất như kali, sắt....
"Các đối tác đến từ Nhật Bản muốn đặt chúng tôi số lượng tinh dầu lớn. Để thực hiện được các đơn hàng này, trong thời gian tới, chúng tôi phải mở rộng diện tích lên đến hàng nghìn ha mới cung cấp đủ cho thị trường Nhật Bản". Để giải quyết bài toán về quỹ đất và vùng nguyên liệu, đưa tía tô bản địa xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, trong thời gian tới HTX rất cần sự ủng hộ của các cấp chính quyền để phát triển, mở rộng vùng nguyên liệu.
Tác giả bài viết: Lục Văn Toán
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn