Năm 2016, toàn tỉnh đã gieo trồng được trên 8.100 ha cây trồng vụ đông (tăng 134,5% so với cùng kỳ), sản lượng đạt gần 80 nghìn tấn (tăng 15,2% so với cùng kỳ); giá trị sản xuất cây trồng vụ đông ước đạt 430 tỷ đồng (giá trị trung bình đạt 61,2 triệu đồng/ha), tăng 10,2 triệu đồng/ha so với năm 2015. Cơ cấu cây trồng đã cơ bản bám sát và dự báo theo nhu cầu của thị trường.
Vụ đông năm 2016, toàn tỉnh đã có 8 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất với quy mô 191,5 ha, giá trị ước đạt 17,4 tỷ đồng, bước đầu đã có một số mô hình liên kết sản xuất mang lại hiệu quả cao, giá trị thu nhập bình quân đạt 60 -80 triệu đồng/ha, cá biệt một số mô hình trồng cà chua, ớt giá trị đạt trên 250 triệu đồng/ha.
Quang cảnh hội nghị. |
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, nêu rõ những khó khăn, tồn tại trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Một số vấn đề được đại biểu quan tâm như: Diện tích sản xuất các cây trồng chưa tập trung, quy mô các mô hình liên kết còn hạn chế, chưa tập trung tạo thành vùng hàng hóa, chất lượng sản phẩm không đồng đều; đặc biệt, hầu hết các sản phẩm cây vụ đông chưa được giám sát theo quy chuẩn chất lượng, chưa có tem nhãn sản phẩm, do vậy sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng. Mối liên kết “4 nhà” vẫn chưa chặt chẽ, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, nông dân với nông dân còn lỏng lẻo, chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên.
Mô hình trồng cà chua tại xã Gia Phú (Bảo Thắng) cho thu nhập 250 triệu đồng/ha. |
Theo kế hoạch, vụ mùa năm 2017, toàn tỉnh gieo cấy 21.200 ha lúa, 17.200 ha ngô, 3.145 ha cây đậu tương và 455 ha chè. Trên cơ sở nhu cầu đăng ký kế hoạch sử dụng giống lúa, ngô của các huyện, thành phố, ngành nông nghiệp tỉnh đã hướng dẫn cơ cấu cây trồng, thời vụ và tổ chức nghiệm thu cây giống, đảm bảo cung ứng giống đúng, đủ, kịp thời tại tất cả các địa phương.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong sản xuất vụ đông nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung, thời gian tới, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vận dụng linh hoạt cơ chế chính sách, mời gọi doanh nghiệp tổ chức liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho người dân; tăng cường liên kết vùng, liên kết khu vực để phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, tạo ra những sản phẩm đặc hữu có giá trị, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước.
Nguồn tin: Báo Lào Cai
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn