Ngược quốc lộ 4D lên thị trấn SaPa, chúng tôi có dịp ghé thăm thôn Sâu Chua, xã Sa Pả, huyện Sa Pa. Sau nhiều năm trở lại, Sâu Chua trong chúng tôi vẫn vậy, vẫn những ruộng bậc thang trải dài uốn lượn dọc theo con đường nội thôn đổ bê tông nhẵn bóng; những vườn đào sau Tết quả chín căng mọng, thơm lừng; những con người mộc mạc, giản dị nhưng sức sống mãnh liệt như chính núi rừng nơi đây. Chỉ có cái khác là đời sống của người dân đã cải thiện lên nhiều, con cháu người đồng bào được học hành đầy đủ hơn…Trưởng dòng họ Châu – Châu A Dế là một trong những người già tuổi và gắn bó lâu đời với mảnh đất Sâu Chua này, năm nay bước sang tuổi 72 nhưng bàn tay rắn chắc như hổ, đôi chân bấm đất leo đồi phăm phăm mà cánh thanh niên chúng tôi không tài nào theo nổi…nhấp chén nước chè bên ngôi nhà cổ tổ tiên để lại, ông khà một hơi rõ dài rồi ôn tồn kể: dòng họ Châu đông lắm, bên xã Trung Trải giờ cũng còn rất nhiều người cùng họ sinh sống. Tuy nhiên, do biến cố trong lịch sử nên đã di tản nhiều nơi, nay chỉ còn ở Sâu Chua này là tập trung đông nhất với 29 hộ, 113 khẩu….
Ông Dế dạy người trong họ cách trồng hoa lan để phát triển kinh tế
Sau 4 năm triển khai, thực hiện, dòng họ Châu đã thực sự phát huy hiệu quả và trở thành mô hình điểm của xã trong công tác đảm bảo an ninh tại địa bàn. Theo quy ước của dòng họ, ngày 23, 24 hàng tháng là ngày họp dòng họ, tất cả các thành viên tham gia mô hình có mặt để nghe trưởng họ truyền đạt chủ trương của Đảng, Chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan trực tiếp đến dòng họ như: không được nghe theo kẻ xấu xúi giục gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ; bài trừ hủ tục lạc hậu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày; trộm cắp tài sản, phá bỏ cây thuốc phiện….Dòng họ sẽ tổ chức kiểm điểm đánh giá những mặt làm được và chưa làm được từ đó đề ra phương hướng tổ chức hoạt động trong tháng tới, trong cuộc họp các thành viên được tự do phát biểu ý kiến. Đối với những cá nhân có thành tích sẽ được khen thưởng, ngược lại nếu vi phạm hương ước của dòng họ sẽ bị kỉ luật, nhẹ thì khiển trách, nặng thì không cho tham gia họp dòng họ đến khi sửa được lỗi thì thôi..Đặc biệt, để phát huy tinh thần tự giác và xây dựng quỹ của dòng họ, hàng năm mỗi thành viên phải đóng 100 nghìn đồng….
Bằng những việc làm sáng tạo, hiệu quả, những năm qua dòng họ Châu không chỉ làm tốt công tác giữ gìn trị an tại cơ sở mà còn là đi đầu trong phát triển kinh tế. Đó là chuyện về gia đình ông Châu A Phổng – một trong những hộ khó khăn nhất trong dòng họ do gia đình đông con, lại bị thiệt hại tài sản do cháy..Trực tiếp ông Châu A Dế cùng con cháu trong dòng họ đã dựng nhà cho ông Phồng, hỗ trợ giúp ông về con giống, vật nuôi để ông thoát khỏi hộ nghèo, hay chuyện làm kinh tế của anh Châu A Lềnh; Châu A Khoa, Châu A Dô...đã không ngừng học hỏi về khoa học kĩ thuật để đưa giống địa lan sinh trưởng và phát triển tốt trên mảnh đất Sâu Chua, mỗi năm giúp các anh thu nhập trên 100 triệu đồng…mà ông Dế cũng là một trong những người nằm trong danh sách làm kinh tế giỏi tại xã.
Ông Dế còn tiết lộ thêm, hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bản thân ông đã tự nguyện hiến trên 1km đất để mở con đường đến trường Tiểu học; các công trình vệ sinh công cộng, chuồng trại luôn được vệ sinh sạch sẽ, tránh ô nhiễm môi trường….
Với những thanh tích đạt được, dòng họ Châu tự quản đã vinh dự được các ban ngành của huyện Sa Pa tuyên dương, khen thưởng. Đặc biệt, dòng họ Châu được xác định là mô hình dòng họ kiểu mẫu đang được cấp ủy, chính quyền xã, huyện chỉ đạo tiếp tục nhân rộng tại địa phương.