Ngược dòng thời gian, năm 1991, tỉnh Lào Cai chính thức được tái lập. Những cán bộ, công nhân, viên chức ngành nông - lâm nghiệp được điều động đến Lào Cai phải đối mặt với bộn bề khó khăn. Theo số liệu thống kê, năm 1991 - 1992, toàn tỉnh có 21.288 ha lúa ruộng, 19.478 ha ngô; 100% diện tích gieo cấy bằng các giống địa phương, do vậy, năng suất lúa chỉ đạt 2,5 - 3 tấn/ha, ngô đạt 1,2 - 1,4 tấn/ha. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 91.133 tấn, bình quân lương thực đầu người chỉ đạt gần 200 kg/năm. Tỷ lệ hộ đói nghèo trên 70%; nạn du canh, du cư, phá, đốt rừng làm nương khiến tài nguyên rừng bị kiệt quệ, tỷ lệ che phủ rừng thời điểm này chỉ ở mức 18,2%.
Để phát triển kinh tế - xã hội, Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ đều xác định phát triển nông nghiệp, nông thôn là mặt trận hàng đầu. Hằng năm, tỉnh dành từ 65% - 70% ngân sách để đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ngành nông nghiệp đã tập trung nghiên cứu, khảo sát, đánh giá đúng thực trạng, tham mưu với tỉnh các chủ trương, chính sách và hướng đi cụ thể, phù hợp với điều kiện địa phương, phát huy những tiềm năng, thế mạnh để đưa sản xuất nông - lâm nghiệp phát triển.
Trong sản xuất nông nghiệp, ngành đã từng bước chọn tạo và đưa vào sản xuất nhiều giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt. Đáng chú ý, ngành đã nghiên cứu, lai tạo sản xuất được bộ giống lúa lai LC25, LC212, LC270 mang thương hiệu Lào Cai; nhiều giống cây ăn quả, giống thủy sản được sản xuất, cung cấp cho khu vực. Toàn tỉnh có trên 900 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 1.200 ha sản xuất ứng dụng một phần công nghệ cao. Thực hiện cánh đồng một giống, năm 2016, toàn tỉnh gieo trồng 3.483 ha lúa, năng suất bình quân đạt 67,6 tạ/ha/năm, cao hơn so với sản xuất đại trà 17,46 tạ/ha, giá thị thu nhập tăng thêm 13 - 14 triệu đồng/ha/vụ; trồng ngô thâm canh mật độ dày 1.000 ha, năng suất bình quân cả năm đạt 70,2 tạ/ha, tăng hơn năng suất bình quân chung của tỉnh là 32,3tạ/vụ, giá trị thu nhập tăng thêm 15-16 triệu đồng/ha/vụ. Năm 2016, tổng sản lượng lương thực trên địa bàn tỉnh đạt 293.000 tấn, tăng 201.867 tấn so với năm 1991.
Các vùng sản xuất hàng hóa được hình thành, bước đầu xây dựng các vùng sản xuất có hiệu quả như: Chuối mô, rau an toàn, hoa, cây ăn quả ôn đới… Nhờ áp dụng giống mới và tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, nên chất lượng nông sản được nâng cao, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích tăng nhanh, từ 6 triệu đồng/ha (năm 1991) lên 56 triệu đồng/ha (năm 2016), nhiều vùng sản xuất hàng hóa lớn đạt trên 200 triệu đồng/ha.
Cơ cấu nội ngành nông nghiệp cũng có sự chuyển biến theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, dịch vụ, giảm tỷ trọng trồng trọt. So với năm 1991-1992, tỷ trọng chăn nuôi, dịch vụ tăng từ 19,2% lên 40,9%; tỷ trọng ngành trồng trọt giảm từ 80,8% xuống còn 59,1% (năm 2015). Chăn nuôi được mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, theo hình thức trang trại, phương thức công nghiệp, sử dụng giống tốt, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh. Kinh tế thuỷ sản có sự phát triển mạnh, từ chỗ khai thác tự nhiên, nuôi quảng canh tự cấp, tự túc chuyển sang nuôi thâm canh, hàng hóa.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, chuyển hướng mạnh từ lâm nghiệp nhà nước thuần tuý sang lâm nghiệp xã hội có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Phát triển lâm nghiệp bền vững, diện tích rừng được quản lý, bảo vệ tốt và từng bước được đầu tư phát triển theo hướng tăng chất lượng, đảm bảo chức năng phòng hộ và bảo vệ môi trường sinh thái. Tỷ lệ che rừng từ 18,2% (năm 1991) tăng lên 53,7% (năm 2016).
Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp luôn duy trì ở mức cao, bình quân trên 6%/năm, giá trị sản xuất tăng trên 17,6 lần so với năm 1991, đạt 5.818 tỷ đồng (năm 2016).
Kinh tế nông thôn phát triển theo hướng đa dạng hoá ngành, nghề, tăng tỷ trọng của tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, các làng nghề truyền thống được khôi phục. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 14,5 triệu đồng/năm.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện quyết liệt và hiệu quả, có sức lan tỏa rộng rãi, tác động mạnh đến nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Năm 2015, toàn tỉnh có 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến đến hết năm 2016, có 28 xã về đích nông thôn mới.
Phát huy truyền thống của ngành, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh, ngành nông nghiệp Lào Cai đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản bình quân 6%/năm; giá trị sản phẩm trên 1 ha canh tác bình quân đạt trên 80 triệu đồng; nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực, giảm tỷ lệ hộ nghèo; khai thác tốt các lợi ích về môi trường, nâng cao năng lực quản lý rủi ro, chủ động phòng, chống thiên tai; nâng tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt 56%; phấn đấu có 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới…
Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, thời gian tới, toàn ngành tập trung triển khai hiệu quả Đề án Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016 - 2020; tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông, lâm, thuỷ sản; đẩy mạnh phát triển thuỷ lợi và hạ tầng nông thôn làm nền tảng phát triển nông nghiệp bền vững…
NGUYỄN ANH TUẤN
Tỉnh ủy viên - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT