Đoàn đại biểu Trung ương đến thăm gian hàng của Lào Cai tại hội chợ làng nghề tỉnh Hải Dương
Đến tháng 7/2024, tỉnh Lào Cai đã công nhận được 10 làng nghề, 20 nghề truyền thống và 20 làng nghề truyền thống. Các nghề được công nhận tập trung chủ yếu là nghề nấu rượu, may thêu thổ cẩm, đan lát, trạm khắc bạc, làm hương đốt, bánh phở, miến đao,... Các nghề đã góp phần quan trọng vào giải quyết việc làm tại chỗ, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương, ngoài ra các làng nghề này còn mang giá trị văn hóa, nghệ thuật qua từng thời kỳ nên rất cần được lưu giữ và phát triển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các làng nghề còn gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ như: Tổ chức sản xuất chủ yếu hiện nay chủ yếu là hộ gia đình, sự gắn kết giữa người sản xuất và người kinh doanh thiếu chặt chẽ dẫn tới thị trường tiêu thụ không ổn định; đầu tư cho sản xuất còn thấp, nhỏ lẻ, phân tán mang tính tự phát, thiếu tập trung; đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến kiểu dáng, mẫu mã, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm chưa được quan tâm nên năng lực cạnh tranh của sản phẩm còn thấp,.....
Trao đổi với ông Nguyễn Hữu Trường - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết: Ngay sau khi Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021- 2030, ngành nông nghiệp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề giai đoạn 2022 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lào Cai để các ngành, địa phương có cơ sở triển khai thực hiện. Cũng xuất phát từ những khó khăn và thách thức của làng nghề truyền thống, tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể, đồng thời yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tập trung thực hiện 11 nhóm giải pháp, bao gồm:
- Về quy hoạch: Rà soát, sắp xếp lại các làng nghề, làng nghề truyền thống phù hợp với các quy hoạch các cấp theo quy định của pháp luật về quy hoạch, đất đai, xây dựng và các quy định của pháp luật liên quan, đảm bảo đủ mặt bằng phục vụ sản xuất, bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới.
- Khôi phục, bảo tồn các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền: Đối với những nghề, làng nghề đang bị mai một và có khả năng mất đi cần xác định bảo tồn là chính; Đối với những nghề, làng nghề có khó khăn cần tập trung hỗ trợ và tạo điều kiện cho các nghệ nhân, thợ có tay nghề cao và các cơ sở trong làng nghề duy trì ổn định sản xuất các sản phẩm độc đáo phục vụ sinh hoạt, các lễ hội của cộng đồng, từng bước phát triển các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.
- Hỗ trợ phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động có hiệu quả và làng nghề mới: Tập trung phát triển các làng nghề sản xuất những sản phẩm có giá trị kinh tế, hàm lượng văn hóa cao, có tiềm năng lớn (chế biến nông lâm thủy sản, mây tre đan, thêu dệt,...); Hỗ trợ thúc đẩy du nhập, gây dựng, phát triển làng nghề mới. Phổ biến, nhân rộng nghề truyền thống ra các làng nghề mới; đẩy mạnh hỗ trợ sáng tạo phát triển sản phẩm, hình thành các cơ sở sản xuất mới tại địa phương; Xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện điều kiện sản xuất và bảo vệ môi trường làng nghề; Được hưởng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển theo quy định tại Nghị định
52/2018/NĐ-CP của Chính phủ và các chính sách hỗ trợ khác theo quy định.
Đ/c Đỗ Văn Duy - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lào Cai và đoàn công tác đến thăm Nghề đan lát truyền thống mới được công nhận năm 2024
- Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ làng nghề: Phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định, ưu tiên cho các sản phẩm chủ lực (ớt, mây tre đan, thêu dệt,...) tại các địa phương có điều kiện phù hợp; Khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân đầu tư nhằm phát triển vùng nguyên liệu có chứng chỉ bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định; Phát triển các chợ, trung tâm đầu mối về nguyên liệu, phụ liệu nhằm kịp thời cung ứng cho các cơ sở sản xuất trong các làng nghề.
- Xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu các giá trị của nghề, làng nghề: Khuyến khích, hỗ trợ phục hồi, tôn tạo các di tích, xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu về làng nghề, khu trình diễn, không gian trưng bày, giới thiệu quảng bá sản phẩm của nghề và làng nghề; Ưu tiên hỗ trợ xây dựng các điểm, khu trưng bày, bảo tồn làng nghề gắn với du lịch cộng đồng tại các địa phương.
- Đào tạo nâng cao năng lực nghệ nhân, thợ giỏi và nguồn nhân lực phục vụ phát triển làng nghề: Tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng dạy học, thiết kế mẫu mã sản phẩm và xu hướng thị trường; khuyến khích, hỗ trợ nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo, truyền nghề cho người lao động; Hỗ trợ đào tạo cho người lao động tại làng nghề nâng cao trình độ kỹ năng nghề, vệ sinh an toàn lao động, kiến thức công nghệ thông tin cơ bản; hỗ trợ, đào tạo người sử dụng lao động tại làng nghề nâng cao kỹ năng quản lý, chuyển đổi số, kiến thức kinh doanh; Phát triển mô hình liên kết giữa các hiệp hội chuyên ngành, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề để thực hiện công tác đào tạo nguồn nhân lực;
- Chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định: Tăng cường chuyển giao, ứng dụng công nghệ và vật liệu mới vào sản xuất, ưu tiên công nghệ thân thiện với môi trường và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo; Khuyến khích các tổ chức, đơn vị nghiên cứu khoa học, cá nhân tham gia các chương trình, đề tài khoa học, dự án khôi phục kỹ thuật nghề truyền thống, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ kết hợp với sử dụng kỹ thuật, công nghệ truyền thống, nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm mới của làng nghề; Ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại và phát triển du lịch làng nghề,…
- Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu: Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trong nước, xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề theo các chương trình, kế hoạch xúc tiến thương mại, Chương trình OCOP; hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tại làng nghề xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu, quảng bá sản phẩm, bán hàng trực tuyến; Xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các chợ, cửa hàng, trung tâm thương mại, các trạm nghỉ ven đường quốc lộ, điểm du lịch để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm; Hỗ trợ các cơ sở xây dựng thương hiệu, hệ thống truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, bộ nhận diện thương hiệu cho các sản phẩm; hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể sản xuất tại các làng nghề lập hồ sơ tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP,…
Một số sản phẩm của Lào Cai tham gia hội chợ
- Xây dựng chuỗi liên kết giá trị làng nghề: Tổ chức lại sản xuất làng nghề theo hướng hình thành các chuỗi liên kết giá trị từ vùng nguyên liệu, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; Thiết kế, xây dựng các tuyến, điểm và tổ chức hoạt động du lịch, tham quan, giáo dục, trải nghiệm nghề và làng nghề truyền thống, liên kết chặt chẽ với các chương trình du lịch nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của làng nghề và các sản phẩm của địa phương; Hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình thí điểm liên kết theo chuỗi giá trị,..
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền: Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, cá nhân và xã hội về vai trò và tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; Đẩy mạnh truyền thông, khuyến khích liên kết, thu hút các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến đầu tư cho các hoạt động bảo tồn và phát triển làng nghề; khuyến khích người dân sử dụng, trưng bày các sản phẩm làng nghề của địa phương; tổ chức các lễ hội làng nghề, hội thi các sản phẩm thủ công, sản phẩm làng nghề,...
- Rà soát, hoàn thiện chính sách bảo tồn và phát triển làng nghề: Rà soát cơ chế, chính sách về đất đai, thu hút đầu tư, hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường, khuyến công, đào tạo nghề cho lao động nông thôn và các chính sách liên quan để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề; Nghiên cứu, hoàn thiện quy định phong tặng, tôn vinh danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi; chính sách hỗ trợ nghệ nhân, thợ giỏi phát triển nghề nghiệp và tham gia đào tạo, truyền nghề.
Có thể thấy rằng, việc đưa ra những giải pháp mới sẽ là định hướng quan trọng để các địa phương tiếp tục quan tâm nghiên cứu, đầu tư nhằm bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh Lào Cai góp phần vào sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn và xây dựng nông thôn phát triển một cách toàn diện, bền vững; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển./.